Trong sách cổ đã ghi chép rất nhiều trường hợp nhân quả báo ứng, bài viết này nói về câu chuyện của hai nhân vật nổi tiếng thời hiện đại – hai cha con Lý Tiểu Long chết trẻ khi đang sức dài vai rộng, sinh lực tràn đầy…
Rất nhiều người cho rằng Lý Tiểu Long là người Trung Quốc, thực tế không phải vậy. Năm 1940, Lý Tiểu Long chào đời ở San Francisco, bang California Hoa Kỳ, quốc tịch Mỹ, là người Mỹ gốc Hoa.
Ông là diễn viên người Hoa đầu tiên ở Hollywood. Các bộ phim hành động của Lý Tiểu Long lấy chủ đề là võ thuật kungfu như “Đại ca” (The Big Boss) được đánh giá rất cao. Sau đó các phim “Tinh võ môn”, “Mãnh long quá giang”, “Long tranh hổ đấu” và “Trò chơi tử Thần” do Lý Tiểu Long thủ vai chính đã gây chấn động giới điện ảnh, nhanh chóng tạo được danh vọng trên thế giới.
Lý Tiểu Long đạt được giải thưởng “Kỹ nghệ tốt nhất” của giải Kim Mã Đài Loan, giải thưởng “Thành tựu trọn đời” giải Kim Tượng của điện ảnh Hồng Kông, giải thưởng “Truyền kỳ” của Hiệp hội Truyền thông Anh.
Năm 1967, Lý Tiểu Long sáng tạo ra Tiệt quyền đạo (còn gọi là Triệt quyền đạo – Jeet Kune Do – lỗi dịch sai chữ Tiệt thành Triệt từ ban đầu nên dùng sai thành quen – ND). Ông hoằng dương kungfu Trung Quốc, và được coi là một trong 10 nhà võ thuật lớn nhất thế kỷ.
Vua boxing Muhammad Ali đánh giá: “Lý Tiểu Long là người vĩ đại. Anh là người kiệt xuất nhất trong lĩnh vực võ thuật. Tôi hy vọng có thể gặp anh, bởi vì tôi thực sự thích võ thuật của anh. Anh đã vượt thời đại của anh”.
Cha đẻ Jiu jitsu (Nhu Thuật) nước Mỹ là Jenny Lebel đánh giá rằng: “Tốc độ ra đòn của anh nhanh gấp đôi người bình thường. Quyền thuật, bộ pháp và cước pháp của anh thực sự siêu xuất người thường. Nếu nói về những ông vua võ thuật thì Lý Tiểu Long là vua của các vị vua. Anh là cao thủ đỉnh cao xuất chúng ở thời đại đó”.
Không chỉ người châu Á quen thuộc với Lý Tiểu Long mà với cái tên Bruce Lee (tên tiếng Anh của Lý Tiểu Long) thì dường như người phương Tây không ai không biết, là danh từ thay thế cho kungfu. Hình tượng màn ảnh của anh có sức ảnh hưởng lớn đối với người Hoa và mọi người khắp các nơi trên thế giới. Tên anh đã trở thành tượng trưng cho kungfu Trung Quốc và tượng trưng cho điện ảnh võ thuật.
Cha con Lý Tiểu Long đều chết trẻ
Đúng lúc sự nghiệp Lý Tiểu Long đang lên như diều gặp gió, năm 33 tuổi anh tham gia diễn phim “Trò chơi tử Thần” thì ngày 20/7/1973 anh đột tử ở trong nhà của Đinh Bội tại Cửu Long Đường, Cửu Long Tây, Hồng Kông. Sự kiện này đã gây nên chấn động cực lớn, nguyên nhân cái chết của Lý Tiểu Long đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi bàn tán. Có người cho rằng anh bị mưu sát, có người nói anh chết vì bệnh, có người cho rằng anh đột tử bởi dị ứng thuốc, còn có người nói anh chết bởi “thượng mã phong” v.v.
Lý Quốc Hào (Brandon Lee, 1/2/1965 – 1/4/1993) là con trai duy nhất của Lý Tiểu Long, sinh ở California, nước Mỹ. Năm Quốc Hào 8 tuổi thì cha là Lý Tiểu Long qua đời.
Lý Quốc Hào có thể nói là đã kế thừa được sự nghiệp của cha. Anh được mẹ là Linda truyền thụ võ công. Sau khi trưởng thành, anh đã đạt được trình độ võ thuật khá cao. Sau đó, Lý Quốc Hào vào học trường điện ảnh Emerson, làm phim và biểu diễn. Anh theo con đường của cha, cũng trở thành một diễn viên, diễn trong phim dài tập “Giới kungfu”, trở thành người thay thế Lý Tiểu Long trên màn bạc.
Lý Quốc Hào có ngoại hình tuấn tú và võ nghệ cao siêu khiến cho các nhà làm phim Hollywood đặc biệt chú ý, họ cho rằng chỗ trống do Lý Tiểu Long để lại sẽ do con trai ông lấp đầy. Tất cả mọi người đều nhìn thấy tiền đồ to lớn của Lý Quốc Hào. Bộ phim hành động “Quạ” chi phí 14 triệu đô la là bộ phim đầu tư lớn nhất mà Lý Quốc Hào diễn. Anh cẩn thận tỉ mỉ hoàn thành từng động tác có độ khó lớn theo yêu cầu của đạo diễn.
Vào lúc 12h30 đêm ngày 1/4/1993, trong khi đang quay cảnh đấu súng trong phim “Quạ” thì cây súng đạo cụ đã bất ngờ bắn ra đạn thật. Lý Quốc Hào bị trúng đạn phần bụng, bị mất máu nhiều dẫn đến tử vong, khi mới 28 tuổi.
Bi kịch của Lý Tiểu Long lại lần nữa diễn ra. Một ngôi sao võ thuật mới đang từ từ nổi lên đã bị cuốn theo gió đi như vậy. Tại sao cha con Lý Tiểu Long đang trong thời điểm khỏe mạnh cường tráng lại chết trẻ? Chúng ta hãy xem hành trình cuộc đời từ người cha của Lý Tiểu Long.
Cha Lý Tiểu Long là Lý Hải Tuyền chuyên bắt cóc giết người
Rất nhiều người cho rằng quê cha đất tổ của Lý Tiểu Long là ở Thuận Đức, Quảng Đông, nhưng thực ra là ở Nam Hải, Quảng Đông. Cha anh là Lý Hải Tuyền, quê gốc Cửu Giang, Nam Hải, vì hợp mưu bắt cóc mà chạy trốn đến Thuận Đức.
Lý Hải Tuyền là một kẻ ác bá, làm những việc như bắt cóc tống tiền, cướp của. Đương thời, có một người giàu có có 5 người con bị bắt cóc, Lý Hải Tuyền đòi tiền chuộc theo đầu người. Nhưng người giàu có này chỉ chuộc mỗi đứa con trai trưởng về, không giao nộp tiền chuộc cho 4 người con kia. Kết quả là Lý Hải Tuyền đã giết chết cả 4 người con của người giàu có kia. Lý Hải Tuyền sợ người con trai trưởng vừa mới lớn của người giàu có kia sau này tìm đến báo thù, nên trốn chạy đến Thuận Đức để lẩn tránh.
Cô Lý Trân, người thôn Đôn Cân, Cửu Giang, Nam Hải đã công khai chứng thực rằng Lý Hải Tuyền không chỉ bắt cóc giết người gia đình kể trên. Lý Hải Tuyền còn tham gia bắt cóc trẻ em và giết người khi gia đình nạn nhân không có tiền chuộc, em trai của cô là Lý Tả Luân chính là một trong số những đứa trẻ bị bọn cướp đánh chết, khi đó cậu bé mới 4 tuổi.
Thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ 2, nước Nhật chiếm phần lớn Trung Quốc. Lý Hải Tuyền từ Quảng Đông chạy trốn đến Hồng Kông. Sau đó quân Nhật tiến hành tấn công Hồng Kông bằng thế gọng kìm, tình hình rất nguy cấp. Lý Hải Tuyền lòng hoảng hốt dắt gia quyến đến nước Mỹ tránh xa khói lửa chiến tranh. Do đó, Lý Tiểu Long được sinh ra ở Mỹ, là người Mỹ gốc Hoa.
Sau này, Lý Hải Tuyền lại trở về Hồng Kông tìm cơ hội phát triển, diễn kịch. Năm 1948, Lý Hải Tuyền cùng với Liêu Hiệp Hoài, Bán Nhật An, Diệp Phất Nhược được mọi người gọi là “Tứ đại danh kép của Việt kịch”.
Nhân quả báo ứng?
Người Á Đông cho rằng ‘nhân quả hữu báo’, tổ tiên tích đức, con cháu hưởng phúc, tổ tiên thất đức, tổn đức thì con cháu chịu tai họa, đều là sự thực. Con người làm việc xấu sẽ tổn đức và nhận lấy nghiệp lực, mà nghiệp lực có thể dẫn đến hiện tượng con người chịu tai họa hay bệnh tật đời này hoặc đời sau trong luân hồi. Cũng có khi nghiệp lực của tổ tiên tích tụ lại cho con cháu đời sau, tạo thành các ma nạn cho cháu con.
Rất nhiều câu nói của người xưa như “tự làm tự chịu”, “gây nghiệp ác thì không thể sống được”, “trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu”, “gieo cây nào gặt cây đó”, “ở hiền gặp lành, ở dữ gặp ác”, “thiện có thiện báo, ác có ác báo”, “nhân đời trước là quả đời sau”, “nhân quả báo ứng”… đều xoay quanh quy luật này.
Có người cho rằng Lý Tiểu Long truy cầu tốc độ và luyện tập hà khắc, đã dùng sức quá mức mà tiêu trước sinh mệnh, đó là một nguyên nhân khiến anh ra đi khi tuổi vẫn còn xanh. Thực ra không phải vậy. Lý Tiểu Long hơn 10 tuổi đã theo học Vịnh Xuân Quyền của sư phụ Diệp Vấn, từ dáng đi của Lý Tiểu Long, sư phụ Diệp Vấn đã có lời dự đoán rằng Lý Tiểu Long tướng đoản mệnh, không sống lâu được. Sau này, Lý Tiểu Long luôn luôn chú ý sửa đổi tư thế đi đứng. Khi Lý Tiểu Long từ nước Mỹ trở lại Hồng Kông, anh có nói với sư phụ Diệp Vấn rằng anh đã sửa được thế đi, bây giờ khi đi gót chân đã chạm đất rồi. Vào thập niên 60, khoảng trước và sau khi Lý Tiểu Long sáng lập ra ‘Tiệt quyền đạo’ ở nước Mỹ, anh ta thực sự đã huấn luyện cường độ cao, nhưng đó không phải là nguyên nhân khiến Lý Tiểu Long đoản mệnh.
Cường độ huấn luyện của Vịnh Xuân quyền không lớn (đó cũng là một trong các nguyên nhân mà người ta coi Vịnh Xuân quyền là ‘quyền phụ nữ’). Lời dự đoán của sư phụ Diệp Vấn khi Lý Tiểu Long hơn 10 tuổi đã trở thành sấm ngữ. Có thể thấy nguyên nhân chết trẻ của Lý Tiểu Long không phải ở huấn luyện cường độ cao, mà là nhân quả báo ứng chủ đạo hết thảy.
Lý Tiểu Long chết khi đang còn tráng niên, nguyên nhân còn chưa có lời giải. Nếu nói đó là ngẫu nhiên, thế thì con trai anh là Lý Quốc Hào đóng phim bị súng đạo cụ bắn chết cũng là ngẫu nhiên sao? Hai lần ngẫu nhiên thì không phải là ngẫu nhiên nữa mà là tất nhiên. Hơn nữa, cháu trai của Lý Tiểu Long cũng mắc một số căn bệnh. Những sự việc bất hạnh này nối tiếp nhau xuất hiện thì khả năng ngẫu nhiên là rất thấp.
Văn hóa truyền thống phương Đông luôn coi trọng giáo hóa đạo đức, dạy người hướng thiện, thuận theo Thiên lý. Khi văn hóa truyền thống bị phá hoại, con người không tin vào thiện ác hữu báo, dám đấu với Trời, đấu với Đất, đấu với người, đấu đá tranh giành lẫn nhau, cho rằng con người chỉ là cục thịt, là protein, chết đi thì tiêu mất không còn gì, chết là hết tất cả, có gì phải lo lắng đâu. Thế nên con người phóng túng làm càn, việc ác gì cũng dám làm, ngày càng tiến dần vào vực sâu tội ác, khiến đạo đức xã hội tiêu tan, khiến tội ác hoành hành trong mọi ngóc ngách cuộc sống.
Phép tắc nhân quả, thiện ác hữu báo là Thiên lý tồn tại khách quan, không bị thay đổi bởi ý chí chủ quan của con người, sẽ không vì con người cho rằng nó không tồn tại mà biến mất. Người xưa nói: “Xưa nay vận Trời đều tuần hoàn, báo ứng rõ ràng giữa thiện ác”. Vạn sự đều có nhân quả, “người đang làm Trời đang nhìn”. Từ xưa đến nay, thiện ác báo ứng không mảy may sai lệch, chỉ đến sớm hay đến muộn mà thôi. Cha Lý Tiểu Long là Lý Hải Tuyền giết người, đã gây họa cho con cháu đời sau. Cha con Lý Tiểu Long đang sức dài vai rộng, chết ở tuổi thanh niên, tráng niên là minh chứng cho chúng ta thấy: Thiện ác ắt có báo ứng.
Theo Vision Times-Tác giả: Ái Đức Hoa-Biên dịch: Kiến Thiện