Trung Quốc có nhiều rào cản để trở thành cường quốc hàng đầu thế giới.
Khi Trung Quốc tiếp tục trỗi dậy, mục tiêu ngầm của lãnh đạo nước này dường như là vượt qua Mỹ để trở thành cường quốc hàng đầu thế giới. Nếu Trung Quốc thực sự muốn đạt được điều này, điều tốt nhất mà họ có thể làm là học hỏi từ tấm gương của Mỹ, trở thành một “thỏi nam châm” thu hút người tài trên toàn cầu và mời gọi họ trở thành công dân Trung Quốc.
Mỹ không chỉ có nền kinh tế lớn nhất thế giới và chi phí quân sự đắt đỏ nhất, nhưng sức mạnh thực sự của Mỹ nằm ở chỗ trong nhiều thế kỷ qua, quốc gia này đã là một mảnh đất màu mỡ thu hút mọi người trên khắp thế giới. Nhờ mức sống, dân chủ, xã hội cởi mở cùng nền giáo dục và nghiên cứu đẳng cấp thế giới, Mỹ đã thu hút hàng triệu người nhập cư và họ bắt đầu gọi nước Mỹ là quê hương.
Nguồn nhân lực vô tận
Trong số những người này không thiếu những bộ óc sáng giá nhất thế giới, những người đã giúp hiện thực hóa sự phát triển công nghệ của Mỹ. Gần 1/3 tổng số những người đoạt giải Nobel vật lý, hóa học hoặc y học của Mỹ sinh ra ở nước ngoài.
Nhưng lợi ích của việc nhập cư còn vượt xa công nghệ hay thậm chí là kinh tế. Henry Kissinger, Zbigniew Brzezinski, Madeleine Albright và Samantha Power là một số người nhập cư đã định hướng chính sách đối ngoại của Mỹ.
Bằng cách thu hút những người tài từ khắp nơi trên thế giới – những người có nền tảng đa dạng, có kiến thức về nước ngoài, có kỹ năng ngôn ngữ và văn hóa – và cho họ trở thành các nhà ngoại giao và quan chức ngoại giao, Mỹ có lợi thế chưa từng có trong chính sách đối ngoại.
Một người đàn ông đi qua khu Phố người Hoa của New York vào ngày 11/7/2014. Dữ liệu của Cục Điều tra Dân số Mỹ vào thời điểm đó cho thấy người Trung Quốc là nhóm người sinh ra ở nước ngoài lớn thứ hai ở New York sau những người nhập cư từ Cộng hòa Dominica, với cộng đồng người Hoa tăng 34% trong thập kỷ trước so với 3% của người Dominica. Ảnh: AFP
Lợi ích của việc nhập cư thậm chí còn phức tạp hơn khi Mỹ không chỉ thu được lợi ích từ một công dân mới mà từ cả một gia đình mới. Cựu tổng thống Barack Obama và đương kim Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, những người đã đạt đến đỉnh cao quyền lực ở Mỹ, là con cháu của những người nhập cư. Những đóng góp của họ cho Mỹ không thể thực hiện được nếu Mỹ không phải là hình mẫu cho những người nhập cư ở mọi nơi trên hành tinh này.
Mặt khác, Trung Quốc lại kém thu hút đối với người nhập cư. Người nhập cư rất hiếm khi và thậm chí rất khó khăn mới có thể trở thành công dân Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc có nhiều chương trình để đưa sinh viên và nhà nghiên cứu nước ngoài đến Trung Quốc, nhưng hầu hết mọi chương trình đều tập trung vào những lợi ích ngắn hạn.
Sinh viên có thể trở về nhà với hình ảnh tốt đẹp về Trung Quốc hoặc các chuyên gia nước ngoài có thể giúp xây dựng nền công nghiệp và chuyên môn của Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh không có ý định thuyết phục họ gọi Trung Quốc là quê hương.
Vị thế dẫn đầu
Theo SCMP, Mỹ là quốc gia dẫn đầu toàn cầu vì có khả năng tiếp cận với nguồn nhân tài trên toàn thế giới. Công nhân, nhà khoa học, giáo sư, bác sĩ, doanh nhân và thậm chí cả các chính trị gia Mỹ không chỉ đến từ 330 triệu công dân nước này, mà tới từ tất cả 7,7 tỷ người trên thế giới. Việc này đã cho Mỹ một nguồn nhân lực vô song.
Có hơn 300.000 sinh viên Trung Quốc ở Mỹ, nhiều người trong số họ sẽ định cư và trở thành công dân Mỹ, nhưng chỉ có khoảng 20.000 sinh viên Mỹ ở Trung Quốc, và gần như không ai trong số họ sẽ sống cả đời ở đó.
Với mỗi người nhập cư từ Trung Quốc đến Mỹ, sẽ có sự chuyển giao quyền lực giữa hai quốc gia khi lực lượng lao động và chất xám di chuyển khắp Thái Bình Dương.
Việc một người nhập cư đạt đến cấp bậc cao nhất trong chính phủ Mỹ hoặc con của một người nhập cư trở thành tổng thống là điều có thể thấy ở Mỹ. Tuy nhiên, việc tương tự không thể xảy ra ở Trung Quốc – chẳng hạn như việc một người không phải là người Trung Quốc, sinh ra ở nước ngoài lại có thể định hình chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
Sức mạnh trí tuệ và con người của Mỹ luôn mở rộng, thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới, trong khi Trung Quốc lại cố định và kiểm soát dân số. Về dài hạn, tỷ lệ sinh giảm và dân số già có nghĩa là Trung Quốc sẽ phải gánh chịu những hậu quả kinh tế khắc nghiệt hoặc phải bắt đầu nhập khẩu nguồn nhân lực với quy mô lớn.
Thay vì chờ đợi, Bắc Kinh nên chuẩn bị cho thời điểm đó bằng cách biến Trung Quốc thành một “thỏi nam châm” hút người nhập cư. Để đạt được sự chuyển đổi này sẽ đòi hỏi một tầm nhìn đầy tham vọng.
Vấn đề không chỉ đơn thuần là đơn giản hóa quá trình nhập tịch. Nhiều người nước ngoài không muốn sống ở một quốc gia – nơi mà việc tiếp cận với thế giới bên ngoài bị hạn chế và các nền tảng giao tiếp toàn cầu được sử dụng để giữ liên lạc với gia đình và bạn bè bị chặn.
Một sự chuyển đổi như vậy sẽ đòi hỏi một sự thay đổi sâu sắc về chính sách và tư duy, nhưng lợi ích đối với Trung Quốc sẽ là vô cùng lớn.
Bên cạnh đó, phụ nữ Trung Quốc vẫn chưa nhận được quyền lực thực sự.
Chưa có phụ nữ nào trở thành thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, điều này càng thể hiên rõ rằng giới tính nam là yêu cầu quan trọng để đạt đến cấp độ quyền lực cao nhất tại Trung Quốc.
Bộ Chính trị gồm 25 thành viên hiếm khi có nhiều hơn một phụ nữ mỗi nhiệm kỳ. Và, theo tạp chí Fortune, chỉ có hai trong số 135 công ty Trung Quốc trong danh sách Fortune Global 500 năm 2021 có CEO là nữ.
Một cô gái trẻ ở Trung Quốc có thể mơ ước trở thành giám đốc điều hành, thị trưởng, tỉnh trưởng hoặc thậm chí là thành viên chính thức của Ủy ban Trung ương Trung Quốc. Nhưng cô ấy không thể mơ trở thành nhà lãnh đạo của Trung Quốc vì không có tấm gương nào như vậy trong lịch sử Trung Quốc hiện đại.
Nếu Trung Quốc muốn vượt qua Mỹ, nước này sẽ phải thay đổi để thu hút nguồn nhân tài từ khắp nơi trên thế giới. Trong khi đó, Bắc Kinh có thể đẩy nhanh sự phát triển của Trung Quốc bằng cách sử dụng tất cả nguồn nhân lực thay vì chỉ dành quyền lực thực sự cho nam giới.
*Bài viết không thể hiện quan điểm của tòa soạn
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị