Trước việc Cục Hàng không có văn bản gửi 19 tỉnh thành xin ý kiến mở lại đường bay nội địa, tuy nhiên chỉ có Phú Yên, Điện Biên, Bình Định, TP.HCM đồng ý. Trước việc này, Thành viên Quốc hội cho rằng, Chính phủ, Bộ GTVT phải có văn bản yêu cầu mở lại các tuyến bay nội địa, tỉnh không được phép từ chối, nếu không quản lý được thì thay người khác.
Theo VTC, ngày 1/10, Cục Hàng không có văn bản gửi 19 tỉnh, thành gồm TP.HCM; Đà Nẵng; Lâm Đồng; Hải Phòng; Thanh Hóa; Cần Thơ; Nghệ An; Đắk Lắk; Khánh Hòa; Điện Biên; Thừa Thiên – Huế; Kiên Giang; Gia Lai; Phú Yên; Bình Định; Quảng Nam; Bà Rịa – Vũng Tàu; Quảng Bình và Quảng Ninh để xin ý kiến về kế hoạch khai thác trở lại các đường bay nội địa thường lệ từ ngày 5/10.
Tuy nhiên, đến thời điểm hôm qua , mới chỉ có Phú Yên, Điện Biên, Bình Định và TP.HCM đồng ý, hầu hết các tỉnh còn lại đều từ chối mở lại tuyến bay nội địa giai đoạn 1. Hầu hết các địa phương còn lại đều từ chối để nghị của Cục Hàng không bao gồm cả các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lưu Bình Nhưỡng (Đại biểu Quốc hội khoá 14) nhận định, văn bản của Cục Hàng không gửi đi xin ý kiến của các tỉnh là không đúng. Vấn đề này không chỉ là của Cục Hàng không mà là vấn đề của Bộ Giao thông Vận tải, của Thủ tướng, của Chính phủ.
“Tôi cho rằng với tư cách là cơ quan của Chính phủ, Bộ GTVT phải có văn bản yêu cầu mở lại các tuyến bay nội địa, yêu cầu các tỉnh phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp hàng không để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch chứ không phải xin ý kiến tỉnh nào thích thì cho. Tỉnh không có quyền đó, tỉnh không phải là vương quốc. Mình là cơ quan cấp Cục lại đi xin ý kiến của địa phương, địa phương không cho cũng không giải thích, tôi cho đó là vô trách nhiệm với đất nước, với người dân”, ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: “Phải yêu cầu tỉnh giải thích về điều đó chứ không phải ông thích cho là cho. Tỉnh đó là của người dân, của đất nước này, các ông chỉ nhân danh để quản lý thôi, còn nếu không quản lý được thì để người khác”.
Điều đó cho thấy các thế hệ lãnh đạo các tỉnh không có sự trao quyền, trách nhiệm. Được lợi thì anh vỗ tay, đến bay giờ hàng không cần phục hồi thì từ chối. Trên thực tế, các tỉnh trước đây đều hưởng lợi từ hàng không và có rất nhiều tỉnh đang muốn mở lại hàng không. Hiện tại, đã đến lúc mở lại đường bay, không thể sử dụng biện pháp phòng thân rồi cấm tất cả. Quan trọng nhất ở đây là có thực hiện các biện pháp hay không?
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, tất cả hành khách trước khi lên máy bay họ đều phải thực hiện các quy định nghiêm ngặt về phòng chống dịch. Không thể vì sợ trách nhiệm người đứng đầu ngăn cấm tất cả, không cho nền kinh tế phục hồi.
“Anh làm động tác ngăn sông cấm chợ, cản trở sự hoạt động trong điều kiện bình thường mới thì phải kỷ luật mới đúng”, ông Nhưỡng bày tỏ.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, không một địa phương nào có thể đơn phương quyết định việc mở cửa đường hàng không, đường sắt. Việc phục hồi kinh tế cần sự thống nhất và xuyên suốt giữa các địa phương. Vị chuyên gia này nhấn mạnh có đi thì phải có đến, không thể một bên mở một bên đóng.
“Không thể đơn phương quyết định mở cửa đường hàng không đến chỗ tôi hay đi từ chỗ tôi. Ở đây xuất hiện nhu cầu thông thương, không phải nhu cầu của riêng thành phố mà là nhu cầu của cả nước. Nhu cầu của cả nước đến Hà Nội và từ Hà Nội đi cả nước. Việc này ảnh hưởng đến kinh tế của cả nước”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống khẳng định.
“Khôi phục vận tải là vấn đề sống còn, không chỉ là với hàng không. Đề nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ có quan điểm thống nhất trên cả nước, cứ để mỗi địa phương áp dụng một kiểu sẽ rất khó bay nội địa trở lại“, ông Đinh Việt Thắng – Cục trưởng Cục Hàng không nêu quan điểm.
Theo kế hoạch khai thác trở lại các đường bay nội địa thường lệ từ ngày 5/10 mà Cục Hàng không xin ý kiến 19 tỉnh, thành phố vào ngày 1/10, từ sân bay Phù Cát sẽ khai thác với tần suất 11 chuyến khứ hồi/ngày giữa 3 tỉnh, thành phố gồm: Bình Định – Hà Nội 5 chuyến khứ hồi/ngày; Bình Định – TP.HCM 5 chuyến khứ hồi/ngày; Bình Định – Hải Phòng 1 chuyến khứ hồi/ngày.
Mới đây, Cục Đường sắt Việt Nam vừa có văn bản xin ý kiến các địa phương để thống nhất kế hoạch chạy tàu khách trên các tuyến từ ngày 7/10, chuyến đầu tiên dự kiến khai thác là Hà Nội – TPHCM, đôi tàu SE7/SE8.
DKN