Mới đây, dòng trạng thái của một thanh niên hoài nghi về giá trị của tấm bằng đại học thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Cụ thể dòng trạng thái như sau: “Cô bán bún bò bán 30.000/bát. Mỗi ngày cô bán được 80 bát. Lãi mỗi ngày cô được 800.000 như vậy 1 tháng thu nhập khoảng 24 triệu. Trong khi tôi đi làm nhân viên văn phòng lương 8 triệu/tháng. Vậy bằng đại học có giá trị gì?”.
Câu hỏi ngày ngay lập tức thu hút sự quan tâm của nhiều người với những ý kiến trái chiều.
Quả thực có rất nhiều con đường dẫn đến thành công, trong đó rất nhiều người lựa chọn bước chân vào đại học. Thế nhưng, sau 4 năm hay thậm chí 5,6 năm học, không phải ai cũng có thể chạm tay đến ước mơ của mình.
Đó cũng là tình cảnh của Nguyễn Minh Phong (quê Thái Bình) khi tốt nghiệp đại học nhưng không xin được việc ổn định. Sau 2 năm ra trường Phong trải qua 5 công việc nhưng cuối cùng vẫn bị “trả về”.
Vậy là sau 4 năm ăn học tại thủ đô với chi phí hàng trăm triệu nhưng vì năng lực yếu nên Phong đành về nhà phụ bố mẹ bán hàng tạp hóa.
Bố mẹ Phong từng nói rằng nếu được chọn lại sẽ không ép con học đại học. Nếu ngày đó mẹ Phong cho cậu học nghề như mong muốn của cậu thì có lẽ mọi việc không tồi tệ như giờ.
Sau 5 năm tốt nghiệp khoa du lịch của một đại học nổi tiếng nhưng Nguyễn Hải Thương (SN 1993) vẫn chưa xin được công việc đúng chuyên ngành, cô chấp nhận làm công việc văn phòng cho một công ty tư nhân với mức lương 8 triệu/tháng.
“May mắn, mình kết hôn có nhà cửa bố mẹ chồng cho, chồng làm công ty nước ngoài nên mức thu nhập cũng khá. Vì thế, mình không quá áp lực chuyện tiền lương.
Nếu được chọn lại mình vẫn sẽ học đại học vì cho dù mức lương của mình hiện tại không cao nhưng mình có nền tảng khá tốt và tự tin về khả năng của mình.
Học có bằng chưa chắc có công việc ưng ý và mức lương cao nhưng vẫn nên học để có nền tảng, có kiến thức để áp dụng, tận dụng trong cuộc sống”, Thương nói.
Trở lại câu chuyện ban đầu, nhiều người cho rằng không nên chỉ nhìn vào số tiền mà cô bán bún bò kiếm được mà bỏ qua quá trình vất vả đằng sau.
Một số phân tích so sánh được đưa ra như: Nhân viên văn phòng thường làm việc cố định từ 8h sáng đến 17h chiều mỗi ngày, trong khi đó cô bán bún bò phải dậy từ 3-4h sáng để nấu nướng và dọn hàng; Nhân viên văn phòng được ngồi điều hòa, còn cô bán bún bò phải chịu nóng đứng bán hàng ngoài trời; Sau 5-10 năm, nhân viên văn phòng có thể được thăng chức và tăng lương, còn cô bán bún bò thu nhập vẫn sẽ vậy; Nhân viên được nghỉ phép có lương hằng năm, còn cô bán bún bò thì nghỉ không lương.…
Theo cô Lê Thị Loan – Học viện Quản lý giáo dục thì học đại học không phải là đích đến nhưng nó là hành trang để mỗi người có “vốn” tiến tới thành công.
“Sau khi tốt nghiệp, sinh viên cầm trên tay một tấm bằng cử nhân với những kiến thức, kỹ năng tối thiểu để tham gia thị trường lao động.
Học đại học không phải là đích đến, nhưng nó là bước đà để ta tiến tới thành công, nếu biết tận dụng kỹ năng và cơ hội thì mức lương của nhân viên văn phòng không bao giờ dừng lại ở con số 8 triệu, vài triệu đó chỉ là con số của sự khởi đầu chứ không phải mãi mãi nên không thể phủ nhận giá trị của việc học đại học.
Học đại học hay bán bún cũng chỉ là một con đường mà thành công lại có rất nhiều lối rẽ. Nếu biết nắm bắt cơ hội và khả năng của mình, chúng ta đều có cơ hội để thành công, dù làm nghề gì đi nữa hãy cứ đam mê, hãy cứ cố gắng và nhiệt huyết”, cô Loan nói.
Hoàng Thanh–Theo Infonet