Cũng giống như tất cả những người bình thường như chúng ta, các tỷ phú cũng có những hối tiếc.
Có hàng tỷ người trên thế giới, và chỉ một phần rất nhỏ trong số chúng ta là tỷ phú.
Đâu là điều phân biệt cách suy nghĩ của tỷ phú với những người khác? Bí quyết để đạt được thành công vượt trội của họ là gì? Hệ thống niềm tin của họ là gì? Điều gì mang lại cho họ năng lượng để theo đuổi những mục tiêu đầy tham vọng?
Để tìm ra câu trả lời, tôi đã dành sáu năm để thực hiện các cuộc phỏng vấn trực tiếp với 21 tỷ phú tự thân và ghi lại những nguyên tắc dẫn họ đến những thành công lớn trong cuốn sách “The Billion Dollar Secret”.
Tuy nhiên, trong suốt cuộc hành trình của mình, tôi đã học được một điều mà tôi cảm thấy rất sâu sắc: Cũng giống như tất cả những người bình thường như chúng ta, các tỷ phú cũng có những hối tiếc.
Và đây là năm trong số những hối tiếc phổ biến nhất:
- Không “nhảy vào” những cơ hội lớn
Rủi ro lớn luôn đi kèm với phần thưởng lớn. Bạn sẽ khó có thể gặt hái được thành quả nếu không hành động nhanh chóng. Nhiều tỷ phú mà tôi đã nói chuyện đã học được bài học này sau những trải nghiệm đầy hối tiếc.
Tim Draper, tỷ phú và là một nhà đầu tư mạo hiểm, là một trong số đó. Khi được hỏi có lời khuyên nào dành cho những người muốn thành công như mình, ông trả lời: “Hãy chọn một mục tiêu và theo đuổi nó”.
Khuyên là khuyên, nhưng ngay cả chính Draper cũng từng không làm được điều này. Ông ấy kể cho tôi nghe câu chuyện về lần đầu tiên mình quan tâm đến việc đầu tư vào Facebook. Vào thời điểm đó, Sean Parker, chủ tịch của công ty Facebook, cho biết công ty được định giá 20 triệu đô la, nhưng Draper khi ấy lại không bận tâm mà chuyển hướng sang một cuộc chiến đấu thầu để giành lấy công ty mà cuối cùng đã được định giá 115 triệu đô la.
Đó là một sự tiếc nuối, Draper nói, bởi vì Facebook đã tăng giá trị gấp nhiều lần trong những năm sau đó.
Vì vậy, lời khuyên của ông ấy dành cho tất cả những nhà đầu tư trẻ chính là “Khi bạn phát hiện ra một cơ hội tuyệt vời, đừng chần chừ.”
- Không sống cho hiện tại
Chip Wilson, người sáng lập công ty quần áo thể thao Lululemon, sau nhiều năm bôn ba, đã rút ra được cho mình một câu thần chú tuyệt vời: “Hãy sống cho hiện tại.”
Khi xây dựng công ty may mặc thể thao đầu tiên của mình, Westbeach Snowboard Ltd., Wilson cho biết ông thấy mình cảm thấy rất chênh vênh và khó khăn cho đến khi thực hiện một nhận thức thay đổi cuộc đời.
“Tôi luôn sống trong quá khứ, trong nỗi tức giận về những điều tôi đã làm trong quá khứ hoặc không thì là sống với những lo lắng cho tương lai”, ông cũng nói thêm rằng bản thân chưa bao giờ đánh giá cao những người mà ông ở cùng hay những điều ông đã hoàn thành trong thời điểm đó.
“Tôi cảm giác như mình luôn ở trong chế độ đấu tranh sinh tồn. Tôi luôn nghĩ, ‘Mình sẽ làm gì trong tương lai?’ Tôi nhận ra rằng mình đã không hề hỏi bản thân rằng “Oh, cuộc sống có tuyệt vời không?” trong suốt 40 năm cuộc đời.”
Ngay sau khi thay đổi suy nghĩ của mình, Wilson luôn nhắc nhở bản thân rằng: “Mình có một cuộc sống rất tuyệt vời”, và điều đó đã giúp ông tiến về phía trước bằng cách nghĩ về việc mình có thể trở thành một người tốt hơn và tạo ra sự khác biệt trên thế giới.
Hãy dành ra dù chỉ vài phút mỗi ngày để sống chậm lại và cảm nhận mọi thứ, trân quý những gì bạn đang có ở hiện tại, thay vì mải miết chạy theo tương lai để rồi bỏ lỡ mất những thứ quý giá xung quanh, bạn sẽ nhận ra mình được truyền rất nhiều năng lượng và động lực để tiến lên nếu chậm lại một chút và tận hưởng mỗi ngày.
- Không bắt đầu sớm hơn
Dù rất thành công ở hiện tại, nhiều tỷ phú vẫn hối tiếc vì đã không theo đuổi mục tiêu của mình sớm hơn.
Peter Hargreaves là người sáng lập của Hargreaves Lansdown, công ty dịch vụ tài chính lớn nhất ở Anh. Khi được hỏi liệu ông ấy sẽ làm gì khác đi nếu có thể bắt đầu lại từ đầu công việc kinh doanh của mình, ông trả lời: “Chà, có lẽ tôi sẽ bắt đầu sớm hơn”.
Tôi cũng nhận được một câu trả lời tương tự từ Naveen Jain, người thành lập công ty đầu tiên của mình, InfoSpace, khi đã ngoài 30 tuổi. “Tôi ước mình đã làm được điều đó khi tôi ở độ tuổi 20,” ông nói. “Tôi sẽ có thêm 20 năm kinh nghiệm để làm nhiều thứ.”
Tại sao điều đó lại quan trọng? “Bởi vì bạn sẽ học được nhiều thứ bằng cách tự mình làm hơn là học từ người khác,” ông ấy giải thích. “Nếu tôi khởi nghiệp sớm hơn, có thể công ty đầu tiên của tôi sẽ không thành công, công ty thứ hai sẽ không thành công … nhưng công ty thứ ba thì có thể.”
Ron Sim, tỷ phú người Singapore, chủ nhân của OSIM International, hãng sản xuất ghế massage cao cấp, cũng từng chia sẻ rằng: “Không bao giờ có cái gọi là thời điểm thích hợp để bắt đầu kinh doanh hay sinh con. Nhưng nếu bạn không làm, điều đó sẽ không có gì xảy ra. Vì vậy, đừng chờ đợi đúng thời điểm, hãy làm càng sớm càng tốt.”
- Không táo bạo hơn
Tỷ phú cũng là con người, họ không phải sinh ra đã là những người có thể chấp nhận rủi ro lớn nhất, hay có thể bất chấp mọi nỗi sợ hãi. Tôi đã hỏi Jack Cowin, người thành lập Competitive Foods Australia (công ty điều hành thương hiệu Burger King’s Australia với tên gọi Hungry Jack’s), về những gì ông ấy sẽ làm khác đi nếu có thể quay trở lại tuổi 21.
“Tôi sẽ táo bạo hơn. Tôi sẽ chấp nhận rủi ro nhiều hơn”, ông nói. “Nỗi sợ thất bại khiến bạn có ý thức hơn. Nỗi sợ mắc nợ khiến bạn có ý thức hơn, và vì vậy, tôi sẽ tự tin hơn vào bản thân, rằng tôi có thể tìm thấy con đường của mình thông qua các mê cung. “
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải cân bằng giữa sự táo bạo và thận trọng, ông nói thêm. Nếu không, bạn sẽ thất bại. “Nếu bạn mắc sai lầm, bạn sẽ đánh giá sai. Điều đó rất dễ xảy ra.”
Trong kinh doanh nhà hàng, “bạn không bao giờ tránh khỏi nguy cơ ai đó xảy ra chuyện vì ngộ độc thực phẩm hoặc nhân viên nào đó làm sai quy trình,” ông giải thích. “Mọi thứ đều đòi hỏi sự siêng năng không ngừng nghỉ. Đó là rủi ro mà bạn luôn phải sống chung cùng, vì vậy bạn thực sự phải quản lý nó đúng cách.”
- Không thay đổi đủ nhanh
Frank Hasenfratz, người sáng lập công ty sản xuất phụ tùng ô tô Linamar, nói, “Mỗi ngày, bạn phải thay đổi. Nếu bạn không thay đổi, bạn sẽ chết.”
Hasenfratz nhận thức rõ về sự thay đổi của thế giới và sự cần thiết phải thích ứng với những điều kiện thay đổi.
Để minh họa cho quan điểm của mình, Hasenfratz cho biết mình đã từng kiểm tra một tài liệu của Phòng Thương mại từ năm 1964, khi ông bắt đầu công việc kinh doanh riêng của mình. Vào thời điểm đó, tài liệu đã liệt kê khoảng 100 nhà máy sản xuất, nhưng hiện tại, ông nói rằng gần như tất cả chúng đã biến mất.
“Tôi đã trụ ở đây 60 năm,” ông nói. “Và nếu bạn không có ý thức e ngại, nếu bạn không nghĩ, ‘Ngày mai mình phải làm tốt hơn, mình phải tạo ra được một sản phẩm khác hoặc một sản phẩm cao cấp hơn’ – nếu bạn không làm điều đó, bạn sẽ chẳng thể trụ được lâu.”
Sai lầm và thất bại là cần thiết
Trên thực tế, hầu hết tất cả các tỷ phú đều bày tỏ rằng sai lầm và thất bại là điều không thể tránh khỏi.
Quan điểm của Jack Cowin là, “Nếu bạn chưa gặp một vài thất bại, nghĩa là bạn chưa cố gắng đủ. Bạn đã lười biếng. “
Vì vậy, bài học ở đây là tránh nhìn lại những hành động của mình theo hướng tiêu cực. Thay vào đó, hãy tập trung vào những gì bạn có thể làm bây giờ để cải thiện tương lai.
Khi nói đến sự hối tiếc, Jack Cowin cho biết thái độ của ông là một điều tích cực. “Nếu quay trở lại tuổi 21, sẽ không có quá nhiều điều tôi muốn làm khác đi,” ông ấy nói. “Đôi khi tôi có thể gặp khó khăn hơn về điều này hoặc điều kia, nhưng tôi nghĩ điều quan trọng là đừng để bản thân bị ám ảnh bởi những thứ không hiệu quả. “
Tác giả của bài viết là Rafael Badziag, một tác giả và chuyên gia về tâm lý học khởi nghiệp. Anh đã phỏng vấn hơn 21 tỷ phú tự thân từ khắp nơi trên thế giới để tìm hiểu về bí quyết thành công của họ. Cuốn sách mới của anh ấy, “The Billion Dollar Secret”, là một cuốn sách bán chạy nhất của Amazon. Rafael đã được giới thiệu trên NBC, CBS, USA Today và The Wall Street Journal.
Theo Doanh nghiệp và tiếp thị