Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã không làm các doanh nghiệp Mỹ rời khỏi thị trường Trung Quốc.
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) trích dẫn nghiên cứu mới nhất cho thấy, những chi phí từ thuế quan đối với doanh nghiệp Mỹ lại chuyển sang cho người tiêu dùng.
ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI VÀO TRUNG QUỐC VẪN ĐẠT ĐỈNH
Trong một nghiên cứu được công bố vào tháng này, các nhà nghiên cứu Samantha Vortherms và Jiakun Jack Zhang lập luận rằng thuế quan của Mỹ đối với các sản phẩm trị giá hàng tỷ đô la của Trung Quốc – được đưa ra vào giữa năm 2018 để đưa các công ty Mỹ về nước – đã gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ và không thành công trong việc gây áp lực để Trung Quốc thay đổi các chính sách về kinh tế.
Bất chấp những tranh đấu về thuế quan theo kiểu “ăn miếng trả miếng” và sự đối đầu chính trị gia tăng giữa các cường quốc, các doanh nghiệp ở mỗi nước vẫn “hội nhập sâu rộng” với nước còn lại và đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc vẫn đạt mức kỷ lục 144.4 tỷ USD vào năm ngoái. Nhà nghiên cứu Vortherms thừ Đại học California và nhà nghiên cứu Zhang từ Đại học Kansas, cho biết, so với năm 2017,có thêm 48% các công ty con do Mỹ tài trợ tại Trung Quốc đã đóng cửa vào năm 2018, nhưng chưa đến 1% số công ty đó đóng cửa là do thuế quan của Mỹ.
“Phát hiện của chúng tôi cho thấy rằng, các công ty Mỹ và đồng minh không có nhiều khả năng rời Trung Quốc, điều này cho thấy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài không đi theo tiếng gọi quê hương. Thay vào đó,các công ty rút lui sau khi cân bằng giữa những rủi ro về chính trị và những nguồn lực để giảm thiểu rủi ro này.”
KHÓ BỎ BẮC KINH ĐỂ YÊU NƯỚC
Báo cáo mới này được đưa ra vào thời điểm Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xem xét rộng hơn chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, bao gồm cả chiến lược của người tiền nhiệm Donald Trump, sử dụng thuế quan đối với Trung Quốc để cố gắng chuyển đổi chuỗi cung ứng trở lại Mỹ và tăng cường sức mạnh của Washington trong việc đàm phán thương mại với Bắc Kinh.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng nói rằng, thuế quan của Mỹ về cơ bản là thuế đối với người tiêu dùng và thỏa thuận thương mại giao đoạn 1 được ký với Trung Quốc vào tháng 1/2020 đã không giải quyết được các vấn đề cơ bản mà Mỹ phải đối phó với Bắc Kinh.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp Mỹ đã không vận động hành lang để chống lại chính sách về thuế như Bắc Kinh đã kỳ vọng, nghiên cứu chỉ ra. Trong số 500 công ty đa quốc gia lớn của Mỹ có công ty con ở Trung Quốc, 63% đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi cuộc chiến thương mại, tuy nhiên chỉ có 22% số công ty này lên tiếng phản đối và 7% quyết định rời khỏi Trung Quốc.
Nghiên cứu mới chỉ ra rằng: “Kết quả của chúng tôi cũng cho thấy mức độ muốn tách rời nhau [của Trung Quốc và Mỹ] nằm ở trong suy nghĩ của các chính trị gia nhiều hơn so với thực tế từ các công ty ở Trung Quốc. Con số này đã được tính toán từ nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Chúng tôi tìm thấy rất ít bằng chứng cho thấy [các công ty đa quốc gia] của Mỹ đang tham gia vào cuộc cạnh tranh cường quốc bằng cách từ bỏ Trung Quốc vì yêu nước.”
Nhà nghiên cứu Vortherms và Zhang cho biết, nghiên cứu của họ ngược lại với khẳng định của Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai rằng thuế quan sẽ là đòn bẩy chống lại Trung Quốc bởi các công ty đa quốc gia vẫn sẵn sàng đối phó với những bất ổn và rủi ro.
SCMP cho biết, trong một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc được công bố vào tháng này, 47% trong số hơn 120 doanh nghiệp được khảo sát cho biết, một trong số những ưu tiên hàng đầu của họ là dỡ bỏ thuế quan song phương vào cuối năm nay. Những người khác đề cập thêm chuyện nối lại việc cấp thị thực cho các giám đốc điều hành doanh nghiệp, xây dựng lại lòng tin giữa các chính phủ và tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc.
Thuế quan đã ảnh hưởng đến hoạt động ở Trung Quốc đối với 78% số người được hỏi, con số báo cáo không có tác động đã giảm một nửa kể từ cuối năm 2020.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị