Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đang tiến hành tiêm vaccine cho trẻ em và dần mở cửa lại trường học. Theo The Wall Street Journal, việc tiêm vaccine cho trẻ em chính là chìa khóa phục hồi nền kinh tế.
Tiến trình tiêm vaccine trẻ em tại các nước
Campuchia là đất nước đầu tiên khu vực Đông Nam Á tiến hành tiêm vaccine Covid-19 cho đối tượng trẻ em. Cụ thể, tính từ ngày 1/8 đến 17/9, Campuchia đã tiến hành tiêm vaccine Covid-19 cho 1.725.316 trẻ em từ 12 đến 17 tuổi, và 67.477 trẻ em từ 6-12 tuổi. Điều này đã đưa Campuchia vào nhóm các nước có độ phủ vaccine Covid-19 cao ở trên thế giới.
Đầu tháng 9, Cuba đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ em từ 2 tuổi. Chính phủ nước này thông tin rằng các loại vaccine Covid-19 nội địa an toàn cho trẻ nhỏ.
Các quốc gia khác đã bắt đầu sử dụng vaccine Covid-19 cho trẻ em là Chile, Trung Quốc, El Salvador và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Ở Chile, trẻ em từ 6 tuổi trở lên có thể tiêm chủng. Tại Trung Quốc, vaccine Sinovac và CoronaVac được phép sử dụng cho trẻ em từ 3 tuổi.
Trẻ em Mỹ từ 5 đến 11 tuổi có thể đủ điều kiện tiêm vaccine Covid-19 vào mùa thu này, trong khi chờ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ phê duyệt. Pháp, Đan Mạch, Đức, Ireland, Ý, Tây Ban Nha và Ba Lan đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng cho trẻ 12-15 tuổi.
Tăng độ phủ vaccine ở đối tượng trẻ em để đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo
Nhờ việc tăng cường tiêm vaccine cho trẻ em, trong tháng này đã có hơn 2.641 trường học tại Campuchia mở cửa lại sau nhiều tháng đóng cửa. Sắp tới, với kế hoạch tiêm chủng vaccine cho trẻ từ 3- 6 tuổi, Campuchia muốn đẩy mục tiêu bao phủ vaccine lên 91% dân số nước này.
Nói về vấn đề này, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết: “Chúng tôi tiêm phòng cho mọi người không chỉ để bảo vệ sinh mạng mà còn để cứu nền kinh tế và xã hội. Việc mở cửa lại nền kinh tế và xã hội là vô cùng cần thiết”
Thủ tướng Campuchia nhấn mạnh: “Chúng tôi sẵn sàng chi hàng trăm triệu USD cho vaccine để tiêm chủng cho người dân nhằm thu hút hàng tỷ USD cho nền kinh tế.”
Theo Wall Street Journal, việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em là yếu tố then chốt trong việc phục hồi nền kinh tế. Đầu tiên, trẻ em có chiếm số lượng lớn trong quy mô dân số của một nước. Trẻ em cũng là đối tượng khách hàng quan trọng của nhiều hoạt động kinh tế như xem phim, ăn uống… Như vậy, nguồn lợi kinh tế có thể tổn thất lớn nếu không giải quyết vấn đề tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em.
Việc trẻ em chưa được tiêm vaccine đầy đủ có thể khiến trường học khó mà mở cửa trở lại được. Hơn nữa, khi việc tiêm chủng cho người lớn đạt độ phủ lớn thì các công ty, doanh nghiệp cũng bắt đầu mở cửa trở lại. Việc này sẽ gây khó cho các phụ huynh trong việc giải quyết vấn đề trông con để có thể đi làm trong thời gian mở cửa trở lại sắp tới
Vậy nên, nếu muốn mở cửa lại các hoạt động kinh tế, xã hội thì việc tiêm vaccine cho trẻ là cần thiết. Hơn nữa, việc tiêm vaccine Covid-19 cũng giúp bảo vệ sức khỏe cho trẻ em trước những làn sóng dịch Covid-19 mới.
Việt Nam sẽ tăng cường đẩy mạnh độ phủ vaccine
Tại Việt Nam, hiện nay Bộ Y tế vẫn chưa cho phép tiến hành tiêm vaccine trên đối tượng trẻ em. Phần lớn trường học hiện vẫn đang đóng cửa và tiến hành hình thức học trực tuyến nhằm giúp các em đảm bảo tiến độ học tập.
Tính đến ngày 19/9, Việt Nam đã tiêm được 33, 5 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó tiêm 1 mũi là 27.2 triệu liều, tiêm mũi 2 là 6.3 triệu liều. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tăng cường đẩy mạnh độ phủ vaccine để có thể mở cửa lại các hoạt động kinh tế, xã hội.
Theo danso.org, số trẻ em dưới 15 tuổi chiếm 25% dân số Việt Nam. Về vấn đề mở cửa lại trường học, ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đã nhấn mạnh rằng: “Cho đến thời điểm này ngành giáo dục của Thành phố cũng đang xây dựng 1 chiến lược dài hơi để khi nào mở cửa lại trường lớp”.
Trong báo cáo “Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 9”, World Bank cho biết, quá trình phục hồi kinh tế 2021 của nước ta sẽ phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh một cách hiệu quả trong tháng 9. Trao đổi với báo chí, bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp World Bank, cho biết từ cuối quý 3 trở đi, nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ phục hồi mạnh mẽ sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.
Đặng Sơn-Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị