Hải quân Indonesia khẳng định không khoan nhượng cho bất kỳ hành động vi phạm nào tại khu vực biển Bắc Natuna của nước này trước thông tin 6 tàu hải cảnh Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và đe dọa ngư dân Indonesia.
Trưởng phòng Thông tin hạm đội I, Hải quân Indonesia, Trung tá Laode Muhammad cho biết, vùng biển Bắc Natuna là khu vực hoạt động ưu tiên của Lực lượng biệt kích đầu tiên thuộc Hải quân Indonesia. Do đó, quân đội nước này sẽ không khoan nhượng cho các hành vi vi phạm của các tàu Trung Quốc khi thực hiện các hoạt động trong Vùng Đặc quyền Kinh tế Indonesia (EEZ) ở Biển Bắc Natuna, Quần đảo Riau.
Ông Laode cho biết, tại khu vực biển Bắc Natuna hiện có ít nhất 4 tàu chiến của Indonesia làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và luật pháp. Indonesia bác bỏ các yêu sách đơn phương của Trung Quốc với hầu hết diện tích Biển Đông và các yêu sách này không bao gồm biển Bắc Natuna. Do đó, lượng Hải quân và Cảnh sát biển Indonesia đã tăng cường hoạt động tại vùng biển này để bảo vệ quyền chủ quyền và lợi ích quốc gia phù hợp với các quy định của luật pháp quốc gia và luật pháp quốc tế.
Ngoài việc cử tàu chiến, hôm nay (16/9), Lực lượng Hải quân nước này còn điều máy bay tới biển Bắc Natuna nhằm giám sát các cuộc tuần tra của các tàu chiến Indonesia và tìm kiếm thông tin về các cáo buộc vi phạm của tàu Trung Quốc.
Trước đó ngày 13/9, một số ngư dân ở quần đảo Riau cho biết đã đụng phải sáu tàu Trung Quốc, trong đó có một tàu khu trục Côn Minh (Kunming) 172 ở biển Bắc Natuna. Sự hiện diện của tàu Trung Quốc khiến ngư dân địa phương e ngại khi ra khơi. Chủ tịch Liên minh Ngư dân Natuna, ông Hendri, ngày 15/9, cũng công bố đoạn video do ngư dân quay lại, cho thấy sáu tàu Trung Quốc đang ở trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia.
Chủ tịch Hạ viện Indonesia, Puan Maharani kêu gọi chính phủ nghiêm túc giải quyết việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền quốc gia ở biển Bắc Natuna. Bà nhấn mạnh Indonesia không cho phép các quốc gia khác tiếp tục “làm phiền” chủ quyền lãnh thổ của Indonesia và bảo vệ các ngư dân tại vùng biển truyền thống. Nữ Chủ tịch Hạ viện Indonesia nhắc nhở, đây không phải là lần đầu tiên tàu Trung Quốc đi vào vùng biển Bắc Natuna. Bà yêu cầu chính phủ ngay lập tức có thái độ rõ ràng với Trung Quốc, bao gồm việc gửi công hàm phản đối trước hành vi vi phạm này của Trung Quốc.
Trong một diễn biến liên quan, Hải quân Indonesia đang cho tàu áp sát một tàu khảo sát của Trung Quốc ở vùng biển cách quần đảo Natuna khoảng 90 hải lý về phía Bắc. Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia cho biết, các tàu tuần duyên của Trung Quốc thường xuyên hiện diện xung quanh Lô cá ngừ, mỏ dầu khí quan trọng trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia, nơi tàu Hải dương Địa chất 10 của Trung Quốc hoạt động từ cuối tháng 8. Hải quân Indonesia đã triển khai tàu KRI Bontang (907) đến khu vực này, theo dõi chặt chẽ chuyển động của các tàu Trung Quốc./.
Theo VOV