Từ ngày 10-15/9, Ủy viên Quốc vụ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thăm chính thức Việt Nam, Campuchia, Singapore và Hàn Quốc, chủ yếu nhằm thu hút sự ủng hộ của các nước ASEAN, đặc biệt là Campuchia, nhiều nhà phân tích nhận định.
Chính sách “nước đôi”
Trong cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhonn hôm 12/9, ông Vương Nghị nói rằng, Trung Quốc tiếp tục cung cấp vắc-xin COVID-19 và trang thiết bị, vật tư y tế để giúp Campuchia đối phó đại dịch. Trung Quốc cũng sẽ tăng cường nhập khẩu nông sản Campuchia và thúc đẩy sự phát triển bền vững của quá trình công nghiệp hóa của nước này.
Hôm 12/9, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói rằng, Trung Quốc tuyên bố viện trợ Campuachia hơn 270 triệu USD, AP đưa tin. Cùng ngày, ông Vương bàn giao một sân vận động mới cho Campuchia. Bắc Kinh đã viện trợ 160 triệu USD để xây sân vận động quốc gia Morodok Techo 60.000 chỗ ngồi ở thủ đô Phnom Penh.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tới Campuchia từ 12-13/9 diễn ra hai tuần sau khi Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thăm khu vực Đông Nam Á. Trước chuyến đi của bà Harris hồi tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Đông Nam Á vào tháng 7 và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman thăm khu vực cuối tháng 5 và đầu tháng 6. Trong các chuyến thăm, cả bà Harris và ông Austin đều tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc thách thức các yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc đối với Biển Đông.
Ông Vương nói rằng, Trung Quốc sẵn sàng khiến quan hệ với Campuchia “cứng hơn thép”, South China Morning Post đưa tin ngày 13/9. Hồi tháng 7, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm sử dụng cụm từ “như thép” lần đầu tiên trong một cuộc họp báo để miêu tả mối quan hệ giữa Trung Quốc và Campuchia. Giới quan sát nhận định, “như thép”, rồi “cứng như thép” là chỉ dấu cho thấy quan hệ càng lúc càng nồng ấm giữa hai nước. Việc các quan chức Trung Quốc gần đây thăm nhiều nước ASEAN cũng như có những phát biểu chi tiết về các vấn đề liên quan ASEAN chứng tỏ Trung Quốc đang cố quyến rũ các nước Đông Nam Á trong bối cảnh phức tạp hiện nay.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, chuyến thăm 4 nước của ông Vương Nghị lần này tập trung vào hợp tác phát triển và phòng chống đại dịch, tìm kiếm sức mạnh tổng hợp lớn hơn giữa nỗ lực của Trung Quốc nhằm thúc đẩy mô hình phát triển mới và chiến lược phát triển của 4 quốc gia, đồng thời làm sâu sắc hơn hợp tác Vành đai-Con đường và xây dựng cộng đồng nhân loại chung vận mệnh, China Daily đưa tin.
Trong vòng một năm trước chuyến thăm 4 quốc gia lần này, ông Vương đã thăm 9 nước ASEAN và ngoại trưởng 4 nước thành viên ASEAN đã thăm Trung Quốc hồi cuối tháng 3 và đầu tháng 4. Hồi tháng 6 ở thành phố Trùng Khánh của Trung Quốc, ông Vương tiếp đón ngoại trưởng 10 nước ASEAN.
Các chuyến đi gần đây của ông Vương tới ASEAN chứng tỏ Trung Quốc quan tâm hơn tới việc đối phó các động thái mới nhất của Mỹ trong khu vực, đồng thời tăng cường quan hệ với những quốc gia mà Trung Quốc coi là trọng tâm của chính sách ngoại giao láng giềng, ông Sebastian Strangio, biên tập viên của tạp chí The Diplomat nhận định.
Theo ông Strangio, dưới tấm bảng ngoại giao về một cộng đồng chung của nhân loại, các nhà ngoại giao Trung Quốc như ông Vương đưa ra một thông điệp khá đơn giản cho các chính phủ Đông Nam Á: Trung Quốc ở trong khu vực, Mỹ thì không. Trong bối cảnh COVID-19 hoành hành ở nhiều nước trên thế giới, việc Trung Quốc đẩy mạnh ngoại giao vắc-xin và quảng bá chuỗi cung ứng, quan hệ thương mại-đầu tư trong và sau dịch là điều dễ hiểu.
Một chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, Trung Quốc đang thi hành chính sách “nước đôi” với ASEAN. Một mặt, Bắc Kinh mở đợt “tấn công quyến rũ” mới sau khi vốn liếng của đợt “tấn công” trước đó suy giảm mạnh sau các hành động ở Biển Đông. Mặt khác, tiếp tục sử dụng chính cơ chế đồng thuận của ASEAN để ngăn cản các nước thành viên có tiếng nói chung đi ngược lại các lợi ích của Trung Quốc.
Trung Quốc hy vọng năm sau hoàn tất đàm phán COC
Tiếp ông Vương hôm 12/9, Thủ tướng Hun Sen nói: “Campuchia sẵn sàng tăng cường liên lạc với Trung Quốc để ngăn các lực lượng bên ngoài gây rối vấn đề khu vực và cùng nhau bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực”. Ông Vương nói với Thủ tướng Hun Sen rằng, Trung Quốc hy vọng sẽ hoàn tất đàm phán với ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vào năm 2022 khi Campuchia làm chủ tịch luân phiên của ASEAN.
Tại hội nghị đặc biệt các bộ trưởng ngoại giao ASEAN-Trung Quốc và một số hội nghị liên quan diễn ra ngày 7 và 8/6 tại Trùng Khánh, Ngoại trưởng Vương Nghị nói rằng, hai bên nên sớm đạt được COC thông qua tăng cường đối thoại và tham vấn, quản lý các khác biệt một cách hợp lý và tăng cường tin tưởng lẫn nhau.
Thực tế, Trung Quốc sẽ coi COC là một cái cớ chính đáng, danh chính ngôn thuận đẩy lùi các nước thứ ba (Mỹ và các đồng minh, đối tác) ra khỏi Biển Đông, GS Carlyle Thayer, Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc, nhận định. GS Thayer dự đoán Trung Quốc sẽ chấp nhận nhượng bộ ASEAN về câu chữ (vấn đề kỹ thuật) để hai bên sớm hoàn tất đàm phán, ký kết COC, nhưng vẫn bảo lưu 2 ý chính là ASEAN và Trung Quốc tự mình tập trung thăm dò, khai thác dầu khí, hạn chế mời bên ngoài và nếu tập trận chung với bên ngoài thì báo trước cho nhau. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ không nhượng bộ về phạm vi áp dụng COC trên Biển Đông và về tính ràng buộc pháp lý.
Theo Tiền Phong