Người xưa nói: “Việc mình không có ý làm, mà thành, đó là do ý Trời vậy. Việc gì mình không mong cầu mà tự nhiên tới, đó là do mệnh Trời vậy”. Vì vậy người xưa có khuyên rằng: “Trong mệnh mà có cái đó thì cuối cùng cũng sẽ có, trong mệnh mà không có cái đó thì chớ cưỡng cầu”.
Trong cuộc sống thường phát hiện ra hiện tượng như thế này: một số người làm gì, buôn bán gì cũng đều kiếm ra tiền, còn một số người làm gì cũng không thuận lợi. Ấy là vì cả đời con người từ khi sinh ra là đã được định trước, phú quý đều là phúc phận đã tích được đổi thành.
Tú tài Triệu Du thi hội mấy lần đều trượt. Cuộc sống vô cùng bần cùng, dường như không thể sống tiếp được nữa. Anh bèn đi du ngoạn núi Thái Sơn, lễ Thần trong Nhạc Miếu, xin được chết. Vừa bước ra khỏi cổng miếu, bỗng nhiên có một viên quan ở phía sau gọi anh và nói: “Phán quan ở Âm gian triệu anh đi một chuyến”.
Triệu Du liền bước theo. Đến một tòa nhà lớn, anh thấy sau rèm cửa có người nói: “Mọi người đều vô cùng coi trọng sinh mệnh, sao anh lại xin được chết?”
Triệu Du nói: “Tôi tham gia thi hội mấy lần đều trượt. Thậm chí tiền để về quê cày ruộng cũng không có, vừa nghèo khổ lại bệnh tật, thực sự không thể sống nổi nữa, do đó mới xin được chết”.
Một lúc lâu không có tiếng nói, anh chỉ nghe thấy tiếng lật tra sổ sách sau rèm, sau đó người ở sau tấm rèm lại nói: “Đã tra cho anh rồi, đời này anh không thể nào thi đỗ được, cũng không thể làm quan được, đó là trong mệnh anh đã chú định. Nhưng ta định giúp anh một chút, tặng anh một phương thuốc. Phương thuốc này có thể khiến anh có ăn có mặc, nhưng anh không được dựa vào nó mà mua gom gia sản, nếu không anh sẽ phải chịu cảnh nghèo khổ”.
Triệu Du bái tạ rồi bước ra, vừa ra khỏi cổng thì thấy một chiếc lá ngô đồng lớn rơi xuống. Anh nhặt lên xem thấy trên lá có viết phương thuốc ‘ba đậu hoàn’, so với phương thuốc ở nhân gian thì rất giống. Thế là Triệu Du ra phố bày hàng bán thuốc. Những người dùng thuốc của anh, bệnh đại đa phần đều khỏi. Anh cũng kiếm được khá nhiều tiền.
Một vị Đạo sỹ trong vùng là Lý Đức Dương đã đích thân đến xem chiếc lá ngô đồng của Triệu Du. Mặc dù chiếc lá đã có mười mấy năm rồi mà trông vẫn như lá mới.
(Theo “Kê Thần lục”)
***
Triệu Du vì bần cùng mà muốn tự sát, thực tế tự sát cũng là có tội. Bởi vì một đời người là do Thần an bài, từ góc độ ấy mà xét thì tự sát cũng chính là phá vỡ an bài của Thần. Đời người bất kể là giàu sang hay nghèo khổ, chỉ cần hiểu được rằng không nên cưỡng cầu thì sẽ có hạnh phúc.
Triệu Du dù là người đi học, đã đỗ tú tài, cũng có kiến thức, có tài năng nhưng thi hội bao nhiêu lần đều trượt. Đó chính là điều mà trong dân gian vẫn nói “học tài thi phận”, chính là trong mệnh anh đã định sẵn không có việc thi đỗ, không có việc làm quan. Thế nên anh có cố gắng đến mấy cũng vô ích, càng ‘hữu cầu’, càng ‘phấn đấu’ thì càng mệt mỏi, nhọc thân tâm, càng nghèo thêm lại sinh bệnh tật.
Trong dân gian cũng có câu “Trời sinh voi, Trời sinh cỏ”. Người xưa cũng nói “Trời đã sinh ra tài năng của ta thì ắt có chỗ dùng”. Xét cho cùng, con người ai cũng mong cầu cuộc sống vui vẻ hạnh phúc, nhưng đường đời muôn lối, mỗi người mệnh đã chú định một con đường riêng, nếu thuận theo mệnh thì vui vẻ hạnh phúc, mà trái với mệnh cưỡng cầu thì chỉ đem lại bất hạnh, mệt mỏi, thậm chí tuyệt vọng.
Thế nên, khi chúng ta cố gắng theo đuổi một sự nghiệp nào đó, dốc hết sức, nhưng cứ luôn gặp bất hạnh, luôn thất bại, cảm thấy tuyệt vọng chán nản, thì đó chính là lúc chúng ta cần phải suy nghĩ kỹ về cuộc đời mình, con đường này đóng lại có thể mở ra con đường khác. Thế nên, người hiểu mệnh, thuận theo Đạo, thuận theo tự nhiên thì biết quý trọng sinh mệnh, không nhọc tâm sức, thậm chí mạo hiểm tính mệnh mình mà chạy theo danh lợi, hư vinh. Biết trân quý sinh mệnh chính là biết trân quý nắm bắt từng phút giây hiện tại.
Có người nói, vậy thuận theo mệnh, thuận theo tự nhiên là buông xuôi mặc kệ, chẳng làm gì nữa, thế thì lấy gì ăn? Đây cũng là cách nhìn phiến diện có chút cực đoan. Thuận theo mệnh, thuận theo tự nhiên là chúng ta vẫn vui vẻ làm tốt công việc, mục tiêu chúng ta cần làm, nhưng không làm bằng mọi giá, giữ được thiện tâm, không làm hại người khác để đắc được. Cũng tức là làm mà không quá mong cầu vào kết quả, điều gì đến sẽ đến, trong mệnh có gì rồi cuối cùng sẽ có, chỉ cần giữ được cái tâm thiện lương và bình hòa.
Đời người chẳng quá trăm năm,
Tranh tranh đấu đấu nhọc nhằn làm chi.
Đến khi trăm tuổi ra đi,
Công danh tiền bạc mang gì được đây?
Nam Phương–(Tham khảo zhengjian.org