Đêm đó, Khổng Minh được người đỡ đi ra ngoài trướng xem thiên văn, nhìn thấy “sao chiếu mệnh sắp tắt. Trong 3 ngôi sao, ngôi sao khách sáng, ngôi sao chủ mờ, sao trợ giúp phát ra ánh sáng mờ”. Hiện tượng này khiến Khổng Minh hoảng sợ, biết mệnh mình đã đến hạn, dương thọ đã tận…
Trong ‘Tam Quốc Diễn Nghĩa’, Khổng Minh đã bày mưu tính kế một cách kỳ diệu, ông được mệnh danh là nhân vật trên thông thiên văn dưới tường địa lý, liệu sự như Thần: trong trận Xích Bích, chỉ bằng một cuộc chiến mà thiên hạ chia 3. Sau khi kết thúc trận đánh trời rung đất chuyển tại Kỳ Sơn giữa quân Thục Hán và quân Ngụy, Gia Cát Khổng Minh nói: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Lúc nhìn trời quan sát thiên văn, Gia Cát Lượng thấy ngôi sao chiếu mệnh mình sắp tắt. Ông cho rằng bản thân biết được phép thuật cầu nguyện, nhưng không biết Thiên ý như thế nào. Đối diện với sắp đặt của Thiên thượng, tâm tình và thái độ của Khổng Minh biểu hiện ra sao?
Khổng Minh: Liệu sự như Thần – trên thông thiên văn, dưới tường địa lý…
Khổng Minh xuống núi phò tá nhà Thục Hán 30 năm, coi trọng Đạo phù trợ Nghĩa, một lòng ngay chính công minh, trở thành cánh tay đắc lực giúp đỡ chủ công, cúc cung tận tụy đến chết mới thôi. Vì ông là người cởi mở, công bằng, thưởng thiện trừ ác rõ ràng, thưởng phạt chẳng những công bằng vô tư mà mỗi hành động đều có ngụ ý khuyên răn, nhờ vậy đã được người người tại Thục Hán yêu mến và kính sợ. Tuy nhiên, trận Ngũ Trượng Nguyên thất bại trong gang tấc, Khổng Minh cúc cung tận tụy, nghiệp lớn phục hưng Hán thất cuối cùng không thể hoàn thành.
Lại nói về trận chiến rung động lòng người giữa quân Thục Hán và quân Ngụy ở Kỳ Sơn:
Tư Mã Ý điều động quân Ngụy tấn công một cách ác liệt vào doanh trại của quân Thục. Lực lượng của quân Thục Hán tuy ít nhưng binh sĩ đều sẵn lòng chiến đấu hi sinh, không sợ kẻ thù mạnh, họ hói với nhau: “Ân tình của Gia Cát Công, dùng cái chết để đền đáp vẫn chưa đủ”. Nhờ vậy mà, lúc bước vào trận chiến, binh sĩ ai ai cũng xung phong tuyến đầu, lấy một địch mười, cuối cùng khiến quân Ngụy đại bại ngay trong lần xuất quân đầu tiên.
Tư Mã Ý nếm mùi thất bại, mất doanh trại Vị Nam, lòng quân hoảng loạn vội rút lui nhanh. Lúc này quân Thục từ tứ phương nổi lên phản kích, lực lượng quân Ngụy bị thương tám chín phần, người chết như ngả rạ, chỉ có một số ít binh sĩ chạy qua Vị Bắc trốn thoát.
Trên núi, Khổng Minh nhìn thấy Ngụy Diên dụ quân của Tư Mã Ý vào Kỳ Cốc, một lát sau ánh lửa nổi lên, trong tâm cho rằng lần này Tư Mã Ý chắc chắn sẽ chết.
Tuy nhiên, đúng vào lúc này một cơn mưa lớn bất ngờ ập tới dập tắt ngọn lửa, do vậy lửa binh không thể cháy tiếp. Cha con Tư Mã Ý đã lợi dụng thời điểm đó mà bỏ trốn. Nhìn cảnh tượng diễn ra trước mắt, Khổng Minh đã thực sự minh bạch, ông nói: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên, không thể cưỡng cầu”. Thế mới nói, Thượng Thiên đã sắp đặt mọi việc, con người tại nhân gian không thể cưỡng chế thay đổi. Người tài đức như Khổng Minh cũng chỉ có thể tâm phục khẩu phục mệnh Trời mà không thể làm khác.
Hậu nhân có thơ cảm thán rằng: “Cốc Khẩu phong cuồng liệt diễm phiêu; Hà Kỳ sậu vũ hàng thanh tiêu; Vũ Hầu diệu kế như năng tựu; An đắc sơn hà chúc Tấn triêu?” Ý tứ là: “Tại Cốc Khẩu gió thổi khiến lửa cháy ngùn ngụt, vì cớ gì mà mưa rào đổ xuống Kỳ Cốc, diệu kế của Vũ Hầu tưởng có thể thành, vậy mà đến cuối cùng, tại sao núi sông lại thuộc về nhà Tấn?” Rõ ràng là mọi sự trên đời là do số Trời định đoạt.
Vào mùa xuân năm thứ 12 của Hậu chủ, tại Ngũ Trượng Nguyên, Khổng Minh lại dẫn quân xuất chinh đối mặt với Tư Mã Ý ở Vị Nam, thế trận giằng co hơn 100 ngày. Tư Mã Ý vẫn án binh bất động, không đánh trong thời gian dài. Đây cũng là trận đánh cuối cùng của Khổng Minh.
Đúng lúc, Khổng Minh nghe được tin Đông Ngô xuất binh tiến đánh Tào Ngụy không đánh mà lui, bất giác ông ngất xỉu ngã xuống đất. Sau khi tỉnh dậy liền thở dài nói: “Đầu óc choáng váng, bệnh cũ tái phát, sợ rằng không qua khỏi”. Đêm đó, Khổng Minh được người đỡ đi ra ngoài trướng xem thiên văn, nhìn thấy “sao chiếu mệnh sắp tắt”, trong 3 ngôi sao, ngôi sao khách sáng, ngôi sao chủ mờ, sao trợ giúp phát ra ánh sáng mờ”. Hiện tượng này khiến Khổng Minh hoảng sợ, biết mệnh mình đã đến hạn, dương thọ đã tận.
Sinh tử có mệnh, không thể cầu mà được…
Tướng quân Khương Duy của quân Thục đã khuyên Khổng Minh hướng lên trời cầu xin: “Tuy Trời báo hiệu như thế, nhưng sao Thừa tướng không dùng pháp Kỳ Nhương để xoay chuyển?”
Khổng Minh nói: “Ta biết pháp Kỳ Nhương nhưng không biết ý Trời thế nào?”
Vì vậy Khương Duy dẫn theo bốn mươi chín người ra ngoài lều canh gác, còn Khổng Minh ở trong lều bày hoa thơm lễ vật. Trên đất đặt 7 ngọn đèn lớn, bên ngoài đặt 49 đèn nhỏ và một ngọn đèn cầu an. Khổng Minh thành tâm cầu nguyện, mong chờ Thượng Thiên nhân từ, lắng nghe nguyện vọng của ông. Khổng Minh nguyện rằng: “Trên là báo ân với vua, dưới là cứu vớt dân chúng, giúp nhà Hán trường tồn”. Kết thúc lễ cầu nguyện vào ban đêm, ban ngày ông lại cùng tướng lĩnh bàn việc quân cơ.
Pháp Kỳ Nhương (phương pháp cầu nguyện) phải thực hiện liên tục trong 7 ngày. Đến ngày thứ 6, Khổng Minh ở trong lều cầu nguyện và thấy ngọn đèn chính đã sáng rõ, trong lòng cảm thấy có hy vọng. Đúng lúc này, Ngụy Diên lấy cớ là có việc quân khẩn cấp cần báo cáo, bước nhanh tới và làm tắt ngọn đèn chính. Khổng Minh bỏ kiếm xuống rồi thở dài: “Sinh tử có mệnh, không thể cầu mà được”. Ngày 5/8 năm đó, Khổng Minh qua đời tại doanh trại.
“Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, dù là việc sống chết của cá nhân hay sự thành bại của quốc gia đều là do Thượng Thiên sắp đặt một cách cẩn thận kỹ càng. Một mặt Khổng Minh lo lắng mong muốn kéo dài sự tồn tại của nhà Hán, một mặt ông cũng bằng lòng với sự sắp đặt của Thiên Thượng, sống hay chết, đi hay ở ông cũng không quản ngại. Ông rất chú ý đến phân biệt thiện ác, đây cũng là điều mà Đạo Trời coi trọng. Lòng trung thành và đức độ của Khổng Minh không chỉ lưu truyền qua các triều đại, mà đức hạnh của ông đã trở thành khuôn mẫu trong dân gian, lưu truyền mãi mãi.
Theo dòng lịch sử chúng ta đều thấy được, đến thời điểm cuối cùng của mỗi triều đại, đạo đức con người đều trở nên bại hoại, loạn lạc khắp nơi, thêm vào đó là đủ loại thiên tai dịch bệnh ập đến, chiến tranh liên miên, đây cũng là quy luật không thể thay đổi của “Thành trụ hoại diệt”. Nhìn có vẻ như tai họa do đất trời mang đến, nhưng thực ra chính là do đạo đức của con người bại hoại tạo ra, là quá trình ứng nghiệm của nhân quả báo ứng tại nhân gian, thanh lý tội nghiệp. Vào những năm cuối của triều đại nhà Hán, sao chiếu mệnh của hoàng đế mờ nhạt, tặc thần loạn quốc, tai dịch liên miên, dân chúng oán thán, và cuối cùng là lịch sử nhà Hán đã sang trang. Mặc dù Gia Cát Khổng Minh được Lưu Bị hết lòng tin tưởng và nhờ cậy, Khổng Minh cũng dốc hết sức phò tá gia tộc nhà Hán, cúc cung tận tụy đến chết mới thôi, nhưng lại không trợ giúp được A Đẩu. Quả thực đây là do thiên mệnh, Thiên Thượng sắp đặt sứ mệnh để ông diễn một vai khiến con người thế gian hiểu được đâu mới là đức hạnh trung nghĩa thật sự.
Nếu nói rằng con người có thể mưu tính làm được thứ gì đó thì người này cần phải trở về với bản tính thiện lương lúc ban đầu, khiến cho sinh mệnh thăng hoa. Đây cũng là điều mà Khổng Minh coi trọng bậc nhất khi thực thi biện pháp chính trị giáo hóa dân chúng. Sinh mệnh đạt đến tầng thứ cao hơn thì cảnh giới tư tưởng cũng nâng cao, càng có thể liên thông với Trời, vậy mới có thể hiểu được “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” ở các cảnh giới khác nhau. Không cần bày mưu vẫn có thể hưởng được thành quả như ý, ấy chính là nhờ tích thiện mà được Trời ban phúc báo.
Theo Duẫn Gia Huy – Vision Times-San San biên dịch