Tăng Quốc Phiên, một vị quan nổi tiếng cuối thời nhà Thanh từng nói: “Kẻ sĩ có 3 thứ không đấu: không đấu danh với người quân tử, không đấu lợi với kẻ tiểu nhân, không đấu xảo với trời đất”…
Ông từng dùng ‘3 không đấu’ này để thức tỉnh mọi người. Người nào thực hiện càng tốt 3 điều này thì cuộc sống sẽ càng thịnh vượng.
1. Không đấu danh với người quân tử
Mặc dù trong mắt nhiều người, thanh danh chỉ như mây gió thoảng qua nhưng đối với người quân tử mà nói, thanh danh còn quan trọng hơn cả mạng sống. Đây là sự thật không thể chối cãi, do vậy bạn chớ có đấu danh với họ.
Trong ‘Thuyết Uyển – Tạp ngôn’ có viết: “Phu quân tử ái khẩu, khổng tước ái vũ, hổ báo ái trảo, thử giai sở dĩ trì thân pháp dã”. Ý tứ là, người quân tử quý trọng danh tiếng của mình, cũng giống như loài khổng tước nâng niu bộ lông của chúng và hổ báo yêu quý bộ vuốt vậy. Bởi vì đó cũng chính là phương pháp bảo vệ bản thân.
Mặc dù trong thời đại hiện nay, có nhiều người chọn con đường không cần giữ thể diện để theo đuổi những thành tựu to lớn. Tuy vậy, thực tế vẫn có những người tôn thờ “bậc chí sĩ không uống trộm nước suối, người liêm khiết không ăn đồ ăn xin”, họ đúng là những người mà trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, giữ được thân ngay thẳng, có tấm lòng chính trực và hoài bão cao cả.
Đối với những người như vậy, chúng ta nên ứng xử có lễ tiết, không nên nịnh hót, cũng không đấu danh với họ, mà cần thật lòng kính trọng, bởi vì những người như thế rất đáng để chúng ta tôn trọng.
2. Không đấu lợi với kẻ tiểu nhân
Người xưa nói: “Quân tử dụ vu nghĩa, tiểu nhân dụ vu lợi”. Ý tứ là, người quân tử hiểu rõ đâu là nghĩa, còn kẻ tiểu nhân nhìn rất rõ lợi ích.
Trong mắt kẻ tiểu nhân, lợi ích quan trọng hơn hết thảy, vì để đạt được lợi ích cá nhân, họ có thể dùng bất cứ thủ đoạn nào, thậm chí ngoài mặt thì tỏ ra là bạn bè tốt, nhưng sau lưng lại ngáng chân gài bẫy. Với những người như vậy, bạn có nên đấu lợi với họ không?
Vì vậy, chúng ta không nên vì lợi ích mà phát sinh xung đột với loại người này. Trong xã hội ngày nay, quân tử thì ít mà tiểu nhân thì nhiều, cho nên đắc tội với kẻ tiểu nhân là điều không đáng làm.
Trong mỗi sự việc, người quân tử thường quan tâm đến đâu là đúng đâu là sai, còn kẻ tiểu nhân thì nhìn rõ đâu là cái lợi cho bản thân mình. Kẻ tiểu nhân chỉ biết lo cho bản thân, chỉ cần đạt được lợi ích họ sẵn sàng làm hại người khác, cho nên chớ có đấu lợi với họ.
3, Không cùng Trời đất đấu xảo
Tăng Quốc Phiên từng nói: “Muốn thành đại sự, mưu người một nửa, Thiên ý một nửa”. Nói cách khác, một việc có thể làm được thành công hay không còn tùy thuộc vào ý Trời, xem thời cơ có tới hay không. Điều này cũng giải thích rằng: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”.
“Không cùng trời đất đấu xảo” cũng tức là không thể tranh đoạt những thứ phạm vào Thiên ý.
Vậy Thiên ý là gì? Trên trời có Thần Phật, Thiên ý chính là ý chỉ của Thần. Con người không được làm trái ý Trời, bởi vì nếu cố tình làm trái ý chỉ của Thần Phật, sẽ nhận phải quả báo ác.
Người xưa thường nói: “Không thể trái ý Trời”. Cho dù là hoàng đế cũng không thể làm việc phạm vào Thiên ý, nếu không sẽ nhận về hậu quả nghiêm trọng.
Theo ghi chép trong cuốn ‘Triêu dã thiêm tái’, Thời Đường Thái Tông trị vì, có một mật sử chép rằng: “Đời thứ 3 triều đại nhà Đường, Võ Tắc Thiên sẽ làm chủ thiên hạ”. Vì vậy, Đường Thái Tông đã bí mật gặp Lý Thuần Phong để bàn bạc sự việc này, xem nên xử lý như thế nào. Lý Thuần Phong nói: “Căn cứ vào Huyền học mà phỏng đoán, loại dấu hiệu này sớm đã được hình thành, người sẽ trở thành nữ hoàng đế đã xuất hiện trong hoàng cung, tính từ thời điểm này, không quá 40 năm nữa bà sẽ lấy được quyền làm chủ triều đình. Hơn nữa còn bắt đầu giết con cháu của Hoàng đế, hầu như giết sạch”.
Hoàng đế Đường Thái Tông lại hỏi: “Có thể tìm người này và giết cô ta không?”
Lý Thuần Phong nói: “Đây là Thượng Thiên sắp đặt, không thể phá hủy an bài. Con cháu hoàng đế dù không chết cũng không tranh giành ngôi vị được. Hơn nữa, theo tính toán của hạ thần, người phụ nữ này đã trưởng thành, đang ở trong cung và đã trở thành người nhà của bệ hạ. 40 năm nữa, người phụ nữ này cũng đã già, già rồi thì sẽ trở nên nhân từ hơn, không đến mức đuổi cùng giết tận con cháu của hoàng đế. Còn nếu như hiện tại đi giết cô ta, cô ta sẽ chuyển sinh và 40 năm nữa cũng sẽ lấy được quyền thống trị thiên hạ, lúc đó cô ta còn trẻ, bản tính hung ác sẽ giết sạch con cháu của bệ hạ không chừa một ai!”.
Kỳ thực, may mắn là Đường Thái Tông đã không giết Võ Tắc Thiên. Nếu như Võ Tắc Thiên bị giết, họ Lý sẽ không lấy lại được giang sơn mà toàn bộ sẽ bị giết sạch. Hoàng thái tử Đại Đô lên ngôi kế vị sau Đường Thái Tông, ông là người nhu nhược không có năng lực. Mãi đến thời Đường Huyền Tông kế vị, tình trạng mới được cải biến. Võ Tắc Thiên xuất hiện đúng vào thời kỳ này, để bù vào chỗ thiếu hụt. Cuối cùng bà lại đem thiên hạ trả về cho họ Lý. Bởi vì, dù nói như thế nào chăng nữa, bà ta cũng là mẹ của Hoàng đế. Có một số việc chúng ta không thể cải biến, đặc biệt là Thiên ý. Vì vậy cần học được cái gọi là ‘thuận theo Thiên ý mà hành’, nếu không sẽ bị Thượng Thiên trừng phạt vậy.
Theo Vision Times-San San biên dịch