Vì sao ở thời điểm hiện tại, tờ The Economist vẫn nhận định Việt Nam đang ở trong giai đoạn đầu của phép màu kinh tế Đông Á? Điều gì giúp Việt Nam tiếp tục nâng vị thế trong chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu?
Đâu là điểm khác biệt với các thị trường cận biên khác?
Năm ngoái, Việt Nam là một trong những quốc gia đã để lại ấn tượng mạnh với thế giới trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Song ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đang phải đối mặt với những diễn biến vô cùng phức tạp của đại dịch.
Hàng loạt nhà máy, từ cơ sở sản xuất giày cho Nike, đến nhà máy sản xuất smartphone cho Samsung, đều buộc phải giảm hoạt động hay tạm đóng cửa. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Mặc dù vậy, nhờ nhanh chóng hội nhập với kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn luôn duy trì tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn dịch bệnh. Năm 2020, GDP Việt Nam tăng trưởng 2,9% trong khi hầu hết các quốc gia đều ghi nhận suy thoái sâu. Bất chấp đợt bùng phát mới nhất, Ngân hàng Thế giới (WB) vẫn dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam đạt mức 4,8% trong năm nay.
Những kết quả trên là lý do thực sự để Việt Nam nâng vị thế trên toàn cầu. Bên cạnh đó, việc hội nhập nhanh với thương mại và đầu tư đã khiến Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng.
Việt Nam là một trong 5 quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới trong 30 năm qua, đánh bại các nước láng giềng. Đáng chú ý, không như các thị trường cận biên khác, kết quả này là nhờ Việt Nam có một sự tăng trưởng ổn định. Chính phủ cũng đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Điều này đòi hỏi mức tăng trưởng trung bình của quốc gia phải đạt 7%/năm.
Vậy bí quyết thành công của Việt Nam là gì, và liệu Việt Nam có thể duy trì các lợi thế này?
Việt Nam hay được so sánh với Trung Quốc giai đoạn những năm 1990 hoặc đầu những năm 2000. Điều này không phải không có cơ sở. Cả hai quốc gia đều tăng trưởng nhờ xuất khẩu mạnh mẽ. Song hai nước cũng có những khác biệt lớn.
Thứ nhất, việc nói Việt Nam là nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu vẫn chưa thể hiện được hết tiềm năng của khu vực này. Thương mại hàng hóa Việt Nam thường vượt quá 200% GDP. Rất ít nền kinh tế trên thế giới, trừ các nước giàu tài nguyên hay các khu vực có ưu thế về thương mại hàng hải, đang hoặc đã đạt được kết quả như vậy.
Đặc biệt, không chỉ ở số lượng xuất khẩu, mà bản chất của các nhà xuất khẩu Việt Nam cũng khác với Trung Quốc. Thật vậy, việc kết nối sâu rộng với chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như mức đầu tư nước ngoài cao khiến Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Singapore hơn.
Kể từ năm 1990, Việt Nam nhận được dòng vốn FDI trung bình trị giá tương đương 6% GDP mỗi năm, hơn gấp đôi mức toàn cầu, và thậm chí còn nhiều hơn cả Trung Quốc hay Hàn Quốc từng ghi nhận trong một thời gian dài.
Thách thức của từng khu vực kinh tế
Khi phần còn lại của các nước Đông Á đã phát triển và mức lương từ đó cũng tăng theo, thì Việt Nam lại thu hút được các nhà sản xuất toàn cầu nhờ chi phí nhân công thấp và tỷ giá hối đoái ổn định. Điều này cũng góp phần thúc đẩy xuất khẩu bùng nổ. Trong thập kỷ qua, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đã tăng 137%, trong khi xuất khẩu của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đã tăng 422%.
Mặc dù vậy, khoảng cách ngày càng gia tăng giữa các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước đang đặt ra thách thức đối với tăng trưởng của Việt Nam. Bởi thế, theo tờ Economist, Việt Nam cần một khu vực dịch vụ năng suất và hiệu quả hơn. Khi mức sống tăng lên, sức hút đầu tư có thể sẽ giảm đối với các nhà sản xuất nước ngoài, và người lao động cũng cần có những cơ hội khác.
Trong thách thức này bao gồm có các doanh nghiệp nhà nước. Tầm quan trọng của khu vực này đối với hoạt động kinh tế và cơ hội việc làm cho người lao động mặc dù đang bị thu hẹp, song đây vẫn là khu vực tác động lớn đến nền kinh tế.
Bên cạnh đó, khu vực tư nhân của Việt Nam cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Một ví dụ điển hình chính là Vingroup. Tập đoàn này có hoạt động trải dài trên các lĩnh vực từ du lịch, giáo dục, y tế… như VinPearl, VinSchool và VinMec. Đặc biệt, VinHomes còn là một trong những công ty lớn nhất trên thị trường chứng khoán tính theo vốn hóa.
Nỗ lực của Vingroup trong hoạt động sản xuất ô tô cũng được đánh giá đã đóng vai trò quan trọng nhất đối với sự phát triển của đất nước, nhất là khi Việt Nam thường được biết đến là nền kinh tế tập trung vào lĩnh vực sản xuất trung gian.
Tháng 7 vừa qua, VinFast Fadil đã trở thành mẫu xe bán chạy nhất của Việt Nam, đánh bại Toyota. VinFast cũng có tham vọng lớn ở nước ngoài. Cũng trong tháng 7, công ty thông báo đã mở văn phòng ở Mỹ và châu Âu, dự kiến bán xe điện tại 2 thị trường này vào tháng 3/2022.
Song, việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, đồng thời hội nhập với đầu tư nước ngoài không phải là điều dễ dàng. Lý do là Việt Nam đã tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng một loạt thỏa thuận thương mại và đầu tư khác, đồng nghĩa rằng không thể dành ưu đãi cho các nhà sản xuất trong nước. Theo đó, Việt Nam cũng phải mở rộng hỗ trợ cho các công ty nước ngoài sản xuất ô tô tại đây.
Nguồn động lực mới
Tuy vậy, vẫn còn một nguồn động lực khác có thể thúc đẩy tăng trưởng quốc gia. Bùng nổ kinh tế đã khuyến khích các cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư hoặc quay về nước. Ông Andy Ho, Giám đốc đầu tư của VinaCapital nhấn mạnh: “Không có nhiều nền kinh tế đang trải qua điều tương tự như Việt Nam”. Gia đình ông đến Mỹ năm 1977, nơi ông được đào tạo và làm việc trong lĩnh vực tư vấn và tài chính. Ông trở về Việt Nam cùng gia đình vào năm 2004.
Thành công của xu hướng này đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia nhận kiều hối lớn nhất trên thế giới, với 17 tỷ USD chảy vào trong năm ngoái, tương đương 6% GDP. Không tính đến những ảnh hưởng từ đợt dịch Covid-19 vừa qua, Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn đầu của phép màu kinh tế Đông Á.
Anh Vũ-Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị