Sẽ là không quá khi mà thế nhân nói về Hàn Tín bằng những câu như: ‘Thiên hạ nhà Hán là do một tay Hàn Tín lấy về’; ‘Thiên tài quân sự dụng binh xuất quỷ nhập thần’… Hàn Tín phải là người ôm chí lớn mới đạt được thành công như vậy, nhưng khí chất ấy của ông lại ẩn tàng trong những câu chuyện rất nhỏ thuở thiếu thời…
Trong ‘Sử ký – Hoài Âm Hầu liệt truyện’ chép rằng: Hàn Tín là người Hoài Âm, nay thuộc huyện Hoài Âm, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Lúc nhỏ nhà rất nghèo, nhưng từ tập hợp những ghi chép lịch sử, có thể nói rằng Hàn Tín xuất thân từ giới quý tộc. Tại sao?
Thứ nhất, Hàn Tín có tên và có họ. Thời cổ đại, chỉ giới quý tộc mới có tên có họ, dân thường không có tên. Trong gia đình thường dân sẽ đặt theo tứ tự Bá, Trọng, Thúc, Quý tương ứng với anh cả, anh hai, anh ba, anh tư. Ví như Lưu Bang là con thứ tư trong nhà dân thường nên tên của ông là Lưu Quý. Hàn Tín là quý tộc nên ông có cả họ lẫn tên.
Thứ hai, Hàn Tín thường đeo kiếm. Thời cổ đại, đeo kiếm là tượng trưng cho thân phận quý tộc.
Thứ ba, Hàn Tín là người đọc sách, đặc biệt là binh thư (1). Nếu người dân thường đọc sách là điều hết sức xa xỉ bởi vì sách thời đó là thẻ tre, muốn có được phải nhờ người sao chữ, nên phải có rất nhiều tiền mới có thể mua được sách hoặc thuê người chép lại.
Hàn Tín có sách, có kiếm, có tên có họ, nên có thể nói ông là một quý tộc. Trước đây có thể gia cảnh tốt hơn nhưng hiện tại – bấy giờ, Hàn Tín rất nghèo. Nghèo đến mức… không có cơm ăn.
Tuổi thơ cơ cực
Thấy nhà ai có cơm, Hàn Tín thường đến xin. Ông đến nhà của ‘Hạ hương đình trưởng’ (một chức quan) để xin ăn. Được khoảng 1 tháng, vợ người ‘Hạ hương đình trưởng’ thấy phiền phức quá nên thổi cơm ăn trước. Khi Hàn Tín đến thì cơm đã hết rồi. Hàn Tín hiểu ra nên đã tuyệt giao với người này.
Sau đó Hàn Tín đến sông câu cá nhưng câu không được nhiều nên ăn không no. Khi ấy ở bờ sông có những phiếu mẫu – 漂母 (phiếu: giặt lụa, phiếu mẫu: bà lão giặt lụa) mang theo cơm đi cùng. Trong đó có một bà lão thấy Hàn Tín trẻ tuổi, cao ráo nhưng không có cơm ăn nên sinh lòng thương cảm. Bà lấy cơm cho Hàn Tín ăn.
Một mạch mấy chục ngày sau, mỗi ngày phiếu mẫu đến giặt lụa, bà đều đem cho Hàn Tín một phần cơm. Đến một ngày, phiếu mẫu nói với Hàn Tín: “Ta đã giặt lụa xong, ngày mai sẽ không đến nữa”. Hàn Tín nói: “Cơm phiếu mẫu cho tôi ăn mười mấy ngày, đối với tôi là ân đức không gì lớn bằng. Tương lai tôi nhất định sẽ báo đáp bà”. Phiếu mẫu nói: “Đại trượng phu ngay cả cơm không đủ ăn còn nói chuyện báo đáp gì”. Phiếu mẫu bèn bỏ đi.
Từ 2 câu chuyện trên, có thể thấy Hàn Tín tính tình cương nghị, không chịu khuất phục. Người ta không cho Hàn Tín đến xin cơm thì ông sẽ tuyệt giao rồi không đến. Đồng thời Hàn Tín còn ‘có ân tất báo’, ‘ngàn vàng báo đức’, khi thành công nhất định quay lại báo đáp phiếu mẫu.
Tính tình cứng cỏi và ‘có ân tất báo’ là thể hiện của tinh thần hiệp sĩ, cũng là phẩm chất của quý tộc.
Chí hướng cao xa…
Tính cách cứng cỏi này lại mang đến cho Hàn Tín phiền phức. Chỗ Tín ở có một thanh niên con nhà làm nghề đồ tể, thấy Tín cương nghị như vậy thì y rất tức giận. Bởi vì thanh niên cao to đẹp trai, không làm gì nhưng lại suốt ngày mang kiếm, y nghĩ rằng Tín có mang mưu đồ gì đây…
Thế là một hôm người thanh niên ấy chặn đường Tín và nói: “Ta thấy ngươi thân thể cường tráng, lại mang bảo kiếm, nhưng thực ra là kẻ nhát gan. Nếu ngươi to gan thì giết ta đi. Nếu ngươi là kẻ nhát gan thì hãy chui háng ta”. Lúc ấy rất nhiều người xung quanh đứng xem.
Phản ứng khi ấy của Hàn Tín là gì? Trong ‘Sử ký’ chép rằng Hàn Tín ‘thục thị chi’ – 孰視之, nghĩa là mở mắt nhìn người này rất lâu, rất kỹ, mặt không chút tức giận, chính là Hàn Tín đang suy nghĩ… Sau đó Tín lặng lẽ chui qua háng của kẻ vô lại kia. Những người xung quanh cười rộ lên.
Câu chuyện vừa kể trên cho chúng ta thấy điều gì?
Nếu là người bình thường sẽ có hai phải ứng. Một là thấy áp lực đó sẽ sợ, hai là sẽ rất tức giận. Nhưng đằng này Tín ‘mặt không biến sắc’, suy nghĩ hồi lâu, cân nhắc nặng nhẹ rồi mới quyết định… chui háng. Sự bình tĩnh đáng kinh ngạc này là phẩm chất đáng quý của một vị tướng.
Tướng quân trên sa trường, ngoài tính mạng của mình, còn nắm trong tay tính mạng của vạn quân, là chốt chặn bảo vệ quốc gia, nếu chỉ vì bị chọc giận mà đưa ra quyết định sai lầm, ấy là vị tướng dở! Còn ở đây, Tín giữ cho mình một cái đầu ‘lạnh’, không để tình cảm lấn át lý trí, cân nhắc lợi hại rồi đưa ra quyết định, đây là một phẩm chất của bậc danh tướng.
Trong ‘Lưu Hầu luận’, Tô Thức triều Tống có viết một đoạn như sau: “Người xưa gọi kẻ sĩ anh hùng hào kiệt, ắt có thứ vượt hẳn người. Kẻ mà cảm tình không thể nhẫn, như ‘thất phu chịu nhục’, ‘rút kiếm tương đấu’ với người, đây không phải là ‘dũng’. Thiên hạ có kẻ dũng, lâm vào hiểm cảnh mà không kinh sợ, chịu nhục vô cớ mà không phẫn nộ, bị kẻ cường bạo bắt chẹt mà không phản ứng, ấy là người có chí hướng cao xa”.
Hàn Tín đột nhiên đối mặt với vũ nhục rất lớn nhưng vẫn bảo trì một tâm thái bình tĩnh. Nếu chiểu theo cách nhìn nhận của Tô Thức, Tín có thể làm được như vậy bởi vì trong lòng ông ôm giữ chí hướng vô cùng cao xa.
Sau này cũng chính lý trí và khả năng nhẫn nhịn phi thường ấy đã cứu Tín một mạng. Câu chuyện diễn biến ra sao, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo…
Mạn Vũ-DKN