Bạn từng thử tập cho mình thói quen làm mọi việc sớm hơn năm phút chưa?
01
Có lẽ ai cũng từng có những lúc thế này:
Xe bus đang từ từ rời bến, bạn hớt hải chạy theo đập cửa xe, sau đó lên được xe dưới ánh mắt kỳ thị của tài xế.
Sắp quá giờ quẹt thẻ chấm công rồi mà hàng người đang đứng trước quầy đồ ăn sáng còn dài quá, bạn chỉ đành xoa xoa bụng bỏ đi, coi như giảm cân vậy.
Hẹn đi chơi với bạn nhưng lại đến muộn do tắc đường, đến muộn thì không tìm được chỗ đỗ xe, cuối cùng mất hết cả tâm trạng chơi bời.
Lúc nào chúng ta cũng ngưỡng mộ cuộc sống ung dung nhàn nhã, nhưng lại sống cuộc đời mình theo cách vội vã cấp dập nhất.
Ở đời, thành công chỉ đến với người có chuẩn bị trước. Dù chỉ làm mọi việc sớm hơn tầm năm phút, cuộc đời bạn cũng sẽ thay đổi đáng kể.
02
Dạo trước, công ty tôi tiến hành điều chỉnh nhân sự, A và C phải cạnh tranh để giành lấy một vị trí. Thực ra học vấn, ngoại hình và năng lực của hai cô gái đều tương đương nhau, nhưng cuối cùng người được chọn lại là C.
Đám đồng nghiệp như chúng tôi đều rất thắc mắc, đương nhiên A lại càng không chịu để yên, cô ấy quyết định vào hỏi thẳng giám đốc lý do mình bị loại. Thế là, giám đốc đưa cô ấy xem bảng chấm công.
Để tránh một vài chuyện ngoài ý muốn, công ty đã cho mỗi nhân viên đi muộn năm phút. Thế cũng tức là, mỗi sáng 9h vào làm, 9h05 bạn tới cũng vẫn không bị tính là muộn.
Bảng chấm công của A ghi lại rất rõ ràng, hầu như ngày nào cô ấy cũng đến đúng 9h05, trong khi C thì luôn có mặt từ 8h55.
Trong mấy phút tới sớm đó, C đã hoàn thành tất cả những việc cần chuẩn bị để bắt đầu một ngày làm việc: Bật máy tính, sắp xếp lại bàn làm việc, kiểm tra lịch trình, hình dung khái quát về công việc hôm nay… Trong khi A thì vội vội vàng vàng, đôi lúc còn chiếm dụng thời gian làm việc để ăn sáng, mất không biết bao nhiêu lâu mới bắt đầu làm việc được.
Theo kết quả từ cuộc điều tra của một vị giáo sư và nhóm của ông, người đi làm sớm luôn được sếp đánh giá cao hơn. Trong mắt người lãnh đạo, các nhân viên đi làm sớm luôn được cho là chăm chỉ, nỗ lực, có tính kỷ luật cao và hết lòng với công việc hơn.
Cuối cùng, C được thăng chức tăng lương, A thì phải rời công ty. Năm phút ngắn ngủi mỗi sáng đó đã tạo ra bước ngoặt trong cuộc đời của cả hai cô gái.
03
Còn một nguyên nhân quan trọng khác khiến người đi sớm năm phút luôn hoàn thành công việc thuận lợi hơn, đó là “ưu thế tâm lý”.
Chúng ta đều từng có lúc đến muộn trong các cuộc hẹn, và khi đó tự nhiên chúng ta sẽ thấy áy náy với người phải chờ mình. Nếu lúc ấy đối phương đưa ra một vài yêu cầu nhỏ, ví dụ như phạt ba ly rượu, thường thì bạn sẽ không từ chối. Đây chính là khái niệm “có qua có lại” trong tâm lý học, nó bắt nguồn từ bản năng không muốn mắc nợ người khác.
Trong cuộc sống thường ngày, nếu gặp chuyện như thế thì bạn chỉ cần cười cho qua là xong. Nhưng với những cuộc gặp xã giao chính thức, nếu một bên chiếm được ưu thế về mặt tâm lý, họ sẽ có lợi hơn rất nhiều.
Ví dụ, bạn hẹn gặp đối tác làm ăn ở một nhà hàng, nếu bạn đến trước năm phút, bạn sẽ có cơ hội làm quen không gian mới trước, chọn cho mình một vị trí thoải mái, xem qua menu, nghĩ trước những gì lát nữa cần nói… Thế là cuộc gặp sau đó trở nên rất suôn sẻ. Đối tác của bạn đến sau nên ít nhiều sẽ thấy hơi áy náy với bạn, đồng thời cũng dễ đồng ý với ý kiến của bạn hơn.
Khi quyền chủ động nằm trong tay bạn, mọi chuyện sẽ phát triển theo hướng có lợi cho bạn.
Năm phút, so với cả cuộc đời thì chẳng đáng bao nhiêu, nhưng chỉ cần bạn chiếm được ưu thế tới sớm năm phút này, bạn làm gì cũng sẽ tự tin kiên định hơn hẳn.
Có người nói năm phút quá ngắn ngủi, sớm hay không cũng chẳng thay đổi gì. Nhưng dù ngắn ngủi, năm phút cũng đủ để bạn làm được một số việc nho nhỏ, những việc nhỏ đó từ từ tích lũy lại, về lâu về dài, sẽ mang lại cho bạn hiệu quả bất ngờ.
Theo Phương Anh- Doanh nghiệp và tiếp thị