Muốn bây giờ thu hoạch được quả ngọt, thời điểm tốt nhất để trồng cây là 10 năm trước. Nghĩ nhiều đến đâu cũng không bằng một lần hành động. Thế nhưng có nhiều người lại vì chần chờ mà bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để đổi đời!
(01)
Có một câu chuyện thế này:
Một chàng trai trẻ ngày nào cũng đến nhà thờ cầu nguyện rằng:
“Chúa ơi, xin người thương tình con siêng năng, chăm chỉ, ngày nào cũng đến đây gặp Người. Xin hãy cho con được trúng vé số có được không?”
Nhưng dù anh ta có cầu khẩn thế nào đi nữa, vẫn chẳng bao giờ trúng vé số.
Đến một hôm nọ, Chúa không chịu nổi nữa nên mới bảo anh ta:
“Ta đã nghe lời cầu nguyện của ngươi rồi. Nhưng ít nhất ngươi cũng phải mua vé số trước đã chứ.”
Đây là một câu chuyện châm biếm, lên án tình trạng của nhiều người trẻ tuổi hiện nay. Suốt ngày chỉ mơ mộng làm giàu, mơ mộng trúng số, nhưng chưa bao giờ hành động thiết thực để có kết quả.
Tổng thống Mỹ Eisenhower từng nói: “Lời nói nào rồi cũng nhạt. Điều duy nhất bạn cần là thực thi nó. Một hành động tốt hơn cả tá kế hoạch”.
Trong bài văn “Vi học” của mình, nhà văn thời nhà Thanh cũng từng đề cập đến một câu chuyện:
Có hai nhà sư ở nước Thục, một người nghèo, một người giàu có.
Một hôm, nhà sư nghèo nói với nhà sư giàu có:
“Tôi sắp đi Nam Hải hành hương, ông có muốn đi với tôi không?”
Nhà sư giàu nghe vậy mới hỏi: “Ông có cái gì bên người đâu mà tính đi?”
Nhà sư nghèo đáp: “Tôi có một chai nước và một cái bát.”
Nhà sư giàu nói: “Ngay cả tôi còn chưa mua được thuyền, ông lấy gì để đến nơi?”
Cứ thế, sau khi kết thúc cuộc nói chuyện, nhà sư giàu có giành ra một năm để suy nghĩ, do dự rất lâu. Một năm sau, ông ấy lại bắt đầu lập kế hoạch chu đáo. Năm thứ ba, ông ấy dùng để chuẩn bị các vật dụng thiết yếu, hành lí,..
Khi nhà sư giàu có vui vẻ đến mời nhà sư nghèo đi cùng mình, thì mới hay tin nhà sư nghèo đã từ Nam Hải trở về được hai năm.
Điều này khiến nhà sư giàu thấy chán nản.
Có đôi khi, nghĩ quá nhiều chỉ làm cản trở hành động cũng như phí hoài thời gian.
Nhà sư nghèo đã làm những gì mình nghĩ, nên đạt được kết quả nhanh chóng. Còn nhà sư giàu hay do dự, nên đã làm lỡ mất 3 năm thời gian.
Trên đời vốn không có kế hoạch hoàn hảo, nên bạn đừng vì lý do đó mà chần chừ hết lần này đến lần khác.
(02)
Thời đại nào cũng vậy, đặc điểm chung của những người thành công là họ dám nghĩ dám làm, không sợ hãi, cũng không trì hoãn.
Năm 1920, có một loại váy rất phổ biến ở Hoa Kỳ, chiếc váy được thiết kế hơi bó ở gần đầu gối. Nó làm tăng vẻ đẹp vòng ba của người phụ nữ.
Lần đầu tiên nhìn thấy bạn gái mặc chiếc váy này, một thanh niên đã nổi lên sáng kiến thiết kế chai theo hình dáng chiếc váy.
Sau khi mẫu mã chai được thiết kế xong, chàng trai đã nộp đơn xin cấp bằng, rồi đến công ty Coca-Cola bán lại thiết kế này.
Bởi vì lúc này công ty Coca-Cola đang gặp khó khăn trong việc thiết kế kiểu dáng chai, lại thấy kiểu dáng này không tồi, vỏ dày và đáy rộng khiến khách hàng cầm an toàn hơn… nên đã quyết định dùng thử sản phẩm.
Nhờ thiết kế này, Coca-cola đã trở nên phát triển hơn! Sau khi cải tiến một chút, nó đã trở thành hình dạng như hiện nay.
Chàng trai trẻ thông minh đó là Luther, người đã trở thành tỷ phú nhờ bằng sáng chế này. Nếu sắp xếp tất cả những cái chai mà anh ấy đã tạo ra từ trước đến nay thành một đường, chúng đủ dài để quay đi quay lại từ trái đất đến mặt trăng 130 lần.
Có lẽ lúc đó sẽ còn rất nhiều nhà thiết kế khác ngoài Luther có ý tưởng giống như vậy, nhưng lại chỉ có mình Luther thành công.
Thứ khiến anh ta có thể tạo ra sự khác biệt với mọi người chính là hành động, anh ta không chờ, cũng không tiếc số chai dang dở đang nằm trong đống phế liệu khi chưa thành.
Thế nên, hãy cố gắng làm tốt những gì bạn nghĩ, cuộc sống của bạn nhất định sẽ dần thay đổi!
(03)
Khi thiền sư Shinran nổi tiếng ở Nhật Bản lên 9 tuổi, ông đã quyết tâm đi tu và thỉnh cầu sư phụ cho xuất gia.
Lúc này, sư phụ đã hỏi ông: “Con còn quá nhỏ, tại sao lại muốn trở thành nhà sư?”
Shinran đáp: “Tuy mới 9 tuổi, nhưng cha mẹ con đã mất hết. Con không biết tại sao mọi người phải chết? Con không hiểu tại sao bản thân lại phải xa cách cha mẹ? Vì vậy con muốn xuất gia để khám phá ra những điều này!”
Sư phụ nghe xong liền nói: “Được rồi. Ta bằng lòng nhận con làm đệ tử. Tuy nhiên, hôm nay đã muộn. Sáng mai ta sẽ cạo đầu cho con!”
Khi đó, Shinran đã hỏi ngược lại: “Thưa sư phụ! Dù người đã hứa với con ngày mai sẽ xuống tóc. Nhưng tuổi con còn nhỏ, chưa đủ hiểu biết, lỡ đến mai con lại không bảo đảm được quyết tâm đi tu của mình thì sao? Hơn nữa sư phụ à, người đã lớn tuổi rồi. Người có chắc bản thân có thể thức dậy vào ngày mai nữa không?”
Sư phụ lúc này liền vui mừng vỗ tay tán thưởng và nói: “Con nói rất chính xác! Ngay bây giờ ta sẽ xuống tóc cho con.”
Bạn thấy không? Một đứa trẻ 9 tuổi còn không trì hoãn, vậy mà người lớn lại bao lần buông bỏ cơ hội chạm tới ánh sáng chỉ vì lười biếng.
Có một câu nói rất hay: “Lẽ ra lúc đó nên làm thế, nhưng bạn không làm. Vì thế mới để lại hối tiếc sau này.”
Có lần, phóng viên phỏng vấn hỏi Ross Perot – người sáng lập EDS rằng:
“Bí quyết thành công của bạn là gì?”
Perot đã trả lời: “Chuẩn bị, phóng tên, nhắm chuẩn!”
Phóng viên mới cười hỏi: “Lỡ không nhắm chuẩn thì phải làm sao?”
Perot đáp: “Vậy thì vừa nhắm vừa phóng tên, vừa đi vừa tấn công.”
Chỉ khi bạn dám hành động, mọi thứ mới dần được cải thiện. Kế hoạch quá nhiều chỉ khiến chúng ta đau đầu, thậm chí lâu dần còn tập thành thói quen do dự, nhút nhát khi đưa ra hành động cụ thể.
Đường thành công chỉ dành cho những người đủ kiên trì và can đảm. Nếu bạn là tuýp người hay “chờ”, vậy hãy mau thay đổi ngay từ bây giờ.
Empathy-Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị