Shark Liên đưa ra đề nghị đầu tư với điều kiện Bá NgọcMực nhảy biển Đông phải quay trở về chính quê hương để xây dựng sự nghiệp, giúp ngư dân đánh bắt, bảo tồn hệ sinh thái sinh vật biển.
Xuất hiện đầu tiên trong Shark Tank tập 14, Nguyễn Bá Ngọc – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mực nhảy biển Đông kêu gọi đầu tư 5 tỷ đồng cho 10% cổ phần công ty. Mực nhảy biển Đông là công ty chuyên thu mua và vận chuyển mực còn sống từ các địa phương để phân phối cho hệ thống các nhà hàng lớn. Bá Ngọc cho biết, mực nhảy là cụm động từ dành cho trạng thái đang bơi lội của con mực.
Trong hơn 1 năm qua, Mực nhảy biển Đông đã cho ra thị trường hơn 12 tấn sản phẩm, mang lại doanh thu hơn 8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, startup này cũng mang lại giá trị cho người ngư dân hơn 2 tỷ đồng.
Để đảm bảo việc vận chuyển mực sống đang bơi lội đi đường xa, Bá Ngọc dùng các xe tải có các bể chứa nước. Tại đó, anh tạo cho mực một môi trường biển có độ mặn, độ lạnh giống như khi mới bắt mực lên. “Với tất cả các kỹ thuật của em hiện nay em nghĩ em có thể đưa sang Lào”.
Trả lời câu hỏi của Shark Liên về việc kỹ thuật này có phải là bí quyết riêng hay không, Bá Ngọc chia sẻ thêm: “Cá nhân em đến bây giờ là 33 tuổi. Nhưng em có 13 năm gắn bó với biển. Em được sinh ra trong thế hệ 4 đời làm ngư dân.
Cách đây tầm 1 tháng, em có cuộc họp. Khi em nói ra tất cả những cái em biết về mực, trong đó có rất nhiều thạc sĩ, các bác có chuyên môn nhưng chưa nắm được. Em nghĩ cái này là cái đặc biệt của em”.
Bá Ngọc chia sẻ thêm về sứ mệnh của Mực nhảy biển Đông là mang lại nhiều giá trị cho những người ngư dân Việt và hệ sinh thái môi trường biển. Anh cho rằng cách đánh bắt bằng dùng giã cào, thuốc nổ hiện nay sẽ kéo bay hết những con cá nhỏ, kể cả ổ mực, ổ cá cá nằm dưới đáy biển.
Khi đã đưa lên thuyền, dù ngư dân có ý thức thả cá nhỏ xuống biển thì cũng không còn sống nữa. Trong khi đó, sản phẩm giã cào mực đánh bắt về đã bị chết được bán ra thị trường với giá từ 80.000 – 150.000 đồng.
Còn Mực nhảy biển Đông đang thu mua thấp nhất từ 230.000 – 300.000 đồng/kg. 1kg mực đang sống nếu chết đi chỉ còn 6,5 – 7 lạng. Với giá trị chênh lệch từ cân nặng và số tiền mua vào, Mực nhảy biển Đông đang mang lại cho ngư dân ít nhất 175.000 đồng/kg mực sống so với mực đánh bắt đã chết.
Chia sẻ về kế hoạch sử dụng vốn, Bá Ngọc cho biết anh đang cần đầu tư vào các ngư trường để thu mua và chuẩn bị cho dự án nhân giống và nuôi mực trong môi trường tự nhiên.
Shark Hưng nêu ra quan điểm hầu hết các nước phát triển họ không ăn hải sản đang bởi vì một trong những lý do là an toàn vệ sinh thực phẩm. Khách sạn 5 sao mua hải sản đông lạnh vì nó đã được kiểm tra, dán tem mác, đóng dấu.
“Bạn nghiên cứu những công nghệ đấy tôi nghĩ là nó sẽ đáng để các Shark hưng phấn hơn”, Shark Hưng nói.
Còn Shark Bình lại thắc mắc đề việc mực Việt sẽ cạnh tranh như thế nào với mực của các quốc gia khác. Bá Ngọc cho biết tất cả sản phẩm mực trên thế giới đều được đánh bắt từ những người ngư dân. Khi tất cả những con mực ấy bắt về đều đã được ướp đá hoặc cấp đông.
“Với một sản phẩm mực đang bơi thế này mà đưa vào cấp đông thì em nghĩ có đủ thế mạnh để cạnh tranh với tất cả những sản phẩm mực khác”, Bá Ngọc nêu ra ý kiến.
Shark Bình cho rằng startup có “giấc mơ hơi lãng mạn” vì các quốc gia khác cũng có công nghệ, thậm chí còn hiện đại hơn. Những nước gần hay ngay tại địa phương thì sẽ thuận tiện hơn rất nhiều trong việc vận chuyển, phân phối.
Bá Ngọc cũng lấy dẫn chứng rằng trước đây chưa ai đưa được mực còn đang bơi về Sài Gòn, giờ anh đã làm được. Vấn đề nhân giống và nuôi mực trong tự nhiên trước đây chưa ai nghĩ đến, anh cũng đã đạt được gần 50%.
Điều này không nhận được sự đồng tình từ Shark Bình và Shark Hưng. Các Shark cho biết ở các nhà hàng vẫn thấy mực còn sống, còn đang bơi.
Bá Ngọc phân tích nếu anh khai thác hết ở thị trường Việt Nam thì có thể mở rộng ngư trường ra 50 tỉnh, mỗi ngư trường đạt con số 1,5 tấn/tháng, 1 tháng có thể đạt được tổng năng suất 150 tấn. “Lợi nhuận của em hiện tại đang là 30% lợi nhuận ròng thì 3 năm sau, em có thể trở thành doanh nghiệp ngàn tỷ”, Bá Ngọc cho hay.
Anh cũng chia sẻ rằng mình hiện đang sống tại Vũng Tàu vì nguồn thu từ mực đang rất nhiều. Thêm vào đó, khu vực Côn Đảo đang có những quỹ nước rất đẹp cho việc nhân giống nuôi mực.
Shark Liên nhận xét: “Tôi nhìn thấy sự bản lĩnh và vượt khó của em… Có những khu vực ở miền Trung gần như đàn ông đi đánh bắt xa bờ. Tôi không muốn những người mẹ, những người vợ hàng ngày cứ ngóng trông người trở về mà nhiều khi chỉ là hư vô. Trái tim của tôi hướng về đồng bào miền Trung rất nhiều”.
Shark Liên đưa ra đề nghị đầu tư 5 tỷ cho 35% cổ phần với điều kiện Bá Ngọc phải quay trở về chính quê hương của mình để xây dựng sự nghiệp ở đó, giúp ngư dân đánh bắt và bảo tồn hệ sinh thái cho các loài sinh vật biển.
Có hứng thú với startup, Shark Bình ra đề nghị 5 tỷ cho 35% cổ phần, tương tự như Shark Liên và “không yêu cầu bạn phải chuyển đi đâu hết”.
Dù đánh giá startup có ý tưởng hay nhưng chưa có nền tảng để có thể tăng trưởng nhanh, Shark Linh quyết định không đầu tư. Shark gợi ý Bá Ngọc tìm những người đồng sáng lập có thể giúp công ty “chạy mạnh hơn”.
Shark Liên bất ngờ điều chỉnh đề nghị của mình còn 5 tỷ cho 25% cổ phần và cho biết: “Tôi giảm bớt đi điều kiện. Bạn không hẳn phải về đấy sống nhưng phải mở một cái gì đó để người miền Trung nhìn thấy công ty Mực nhảy biển Đông là chính tên của bạn phải ở quê hương của bạn”.
Bá Ngọc chia sẻ: “Những ngày đầu theo đuổi cái này em thất bại rất nhiều… Nhưng ánh mắt của những người ngư dân, những cái họ đang được từ Mực nhảy biển Đông mang lại, từ đó cho em động lực là chắc chắn em phải làm được.
Phải biến chuyện này thành tiền, phải nuôi sống Mực nhảy biển Đông. Và từ Mực nhảy biển Đông, em mang lại giá trị cho những người ngư dân. Vì những câu chuyện em đang muốn làm cho hệ sinh thái môi trường biển”. Anh cũng đưa ra đề nghị mới là 5 tỷ cho 15% cổ phần.
Tuy nhiên Shark Bình cảm thấy không hợp lý nên rút lui, còn Shark Liên không thay đổi đề nghị của mình.
Bá Ngọc tiếp tục đề nghị mức 5 tỷ cho 20% cổ phần và bày tỏ mong muốn trong quá trình dự án nhân giống và nuôi mực, nếu Mực nhảy biển Đông có khó khăn về tài chính thì Shark cho vay thêm.
Shark Liên khẳng định: “Vay hoặc bằng hình thức nào đó, tôi sẽ giúp được bạn thực hiện được giấc mơ này”. Tuy vậy, Shark vẫn giữ mức đề nghị 5 tỷ cho 25% cổ phần.
Cuối cùng, Nhà sáng lập Mực nhảy biển Đông chốt nhận đầu tư của Shark Liên.
Chia sẻ sau màn thuyết trình gọi vốn, Bá Ngọc cho biết: “Tôi hy vọng rằng với sự đầu tư của Shark Liên, sẽ sử dụng được hệ sinh thái của Shark Liên để phát triển sản phẩm Mực nhảy biển Đông. Bên cạnh đó, hy vọng khách hàng sẽ ủng hộ chúng tôi để chúng tôi có thể mang lại nhiều giá trị hơn cho những người ngư dân”.
Chia sẻ sau deal trên trang cá nhân, Shark Liên cho hay, bà ấn tượng với startup này ở nhiều điểm, nhưng nhất là vì Ngọc xuất thân từ miền Trung nắng nóng – nơi mà những người con luôn nỗ lực, cố gắng. Hơn nữa, mô hình của startup rất bền vững, thân thiện với biển cả.
“Mực Nhảy Biển Đông còn giúp bảo vệ hệ sinh thái biển bằng việc “buộc” các ngư dân thay đổi hình thức đánh bắt thuỷ hải sản “thân thiện”, quay về với “truyền thống” như câu, thả lưới chứ không dùng thuốc nổ hay giã cào nếu muốn giữ mực còn sống để được thu mua với giá cao, qua đó ngăn chặn nguy cơ hệ sinh thái biển bị tận diệt.
Thêm nữa, tôi muốn nhắc nhở Ngọc, dù kinh doanh hay làm bất cứ điều gì cũng phải hướng trái tim về nơi mình sinh ra lớn lên. Đó là trách nhiệm của mỗi người con đối với quê hương, đồng bào”, Shark Liên tâm sự.
Trước đó, chính bà đã tài trợ 45 phần học bổng cho các học sinh tại trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Quảng Trị), xây tặng 11 căn nhà tình nghĩa cho mẹ/vợ Liệt sĩ tại Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Hay gần đây nhất, “nữ cá mập” là chương trình “Gói tình Shark Liên – Gửi nghĩa đồng bào” hướng về Sài Gòn.
Bà cho rằng, dù những hành động còn nhỏ bé, “như muối bỏ bể” nhưng nếu có sự chung tay của nhiều người, từ chính bà hay chính startup hướng về quê hương như Ngọc, có thể tạo nên sức mạnh lớn.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị