Điều đặc biệt nhất của “Võ vương” Minh Cảnh là mỗi khi võ thuật Việt Nam cần một cú đấm để lấy lại uy danh trước sự khinh bạc của võ sĩ nước ngoài, là ông lại xuất hiện.
1.Tháng Tư năm 1954, khi toàn thế giới hướng ánh mắt về Điện Biên Phủ, thì tại Hà Nội, các giải boxing liên tục được tổ chức. Ngày ấy, tất cả các võ sĩ Việt Nam, trong đó có võ sĩ Kim Anh – một tài năng lớn trong làng đấm bốc nước nhà, đều bị một võ sĩ người Pháp đánh cho đại bại. Đáng buồn nhất là nhà vô địch Ngọc Long của Hà Nội phải bỏ mạng sau trận so găng sinh tử với tay đấm người Pháp này. Khi đó, người ta chợt nhớ đến Minh Cảnh.
Ngày ấy, “Võ vương Chợ Lớn” đang là nhà vô địch quyền Anh Đông Dương sau khi đánh bại tay đấm người Pháp Pannuti tại Campuchia. Ông được vời ra Hà Nội, đi trên chiếc chuyên cơ của vua Bảo Đại. Trận đánh được tổ chức ở Nhà hát lớn, và Minh Cảnh đã hạ gục tay đấm người Pháp để “lấy lại mặt mũi” cho giới quyền thuật Việt Nam.
Cựu võ sư Minh Hoàng – con trai Minh Cảnh, nhớ lại: “Ổng nói lại với tui là trời ơi đi vô rạp hát (Nhà hát lớn Hà Nội), mọi người đứng lên cái ào, ổng sợ, ổng hết hồn luôn. Là tại vì họ ngưỡng mộ ổng á, giúp Việt Nam thắng được người Tây“.
Minh Cảnh trở lại Sài Gòn, được chào đón như một người hùng. Một tháng sau trận thắng để đời ấy của ông, Việt Nam bị chia cắt hai miền, và từ đó cho đến cuối đời, ông chưa từng có dịp trở lại Hà Nội.
Rất nhiều năm sau trận đấu ấy – năm 1974, ở tuổi 52, Minh Cảnh lại có thêm trận đấu để đời, khiến toàn bộ giới quyền thuật miền Nam phải thêm lần bội phục tài năng và khí chất của ông.
Ngày ấy, ở giải đấu quyền Anh được tổ chức tại Vũng Tàu, có một tay đấm người Mỹ – John C.Millev, xông thẳng vào đòi tỉ thí với các võ sĩ Việt Nam. Các võ sư người Việt chọn võ sĩ trẻ tuổi nhất là Minh Thành ra tiếp chiến, song võ sĩ này không dám đánh vì đối thủ quá cao, to và nặng so với mình. Rốt cuộc, ở tuổi 52, võ sư Minh Cảnh phải bước lên sàn đấu để thêm lần nữa “giữ mặt mũi” cho giới quyền thuật Việt Nam.
Trận đánh ấy, săn sóc viên của ông chính là đại lực sĩ Hà Châu. Mấy hiệp đấu đầu tiên trôi qua, đối thủ người Mỹ tấn công tưng bừng, trong khi Minh Cảnh chỉ thủ, thỉnh thoảng lắm mới tranh thủ đánh vào hai bên hông, xương sườn đối phương hòng khiến đối phương xuống sức, nhưng tuyệt nhiên không ra đòn quyết định.
Nhìn đồng đội bị đánh tơi bời, võ sư Hà Châu cực kỳ lo lắng: “Thôi mày chịu thua đi, nó đánh mày tơi bời mà mày cứ nói khoan khoan hoài là làm sao?“, Minh Cảnh không chịu, bởi còn bận “canh me” các thủy thủ cùng đi tàu với John C.Millev liên tục ném tiền ra đòi thưởng cho tay đấm Việt nếu chiến thắng, khi thấy đồng đội của mình nắm chắc phần thắng trong tay.
Minh Cảnh quay lại nói với Hà Châu: “Mày ngồi ngoài cứ coi tiền thưởng, khi nào hết thưởng thì mày nói tao. Tao bảo mày coi tiền thưởng đi, còn săn sóc thì lo săn sóc đi“.
Hiệp thứ tư, rồi thứ năm trôi qua. Dù Minh Cảnh chỉ chủ yếu là che chắn và né, song đối thủ người Mỹ nặng hơn ông đến 19kg và cao hơn ông 22cm cũng chỉ đánh được vào hai vai, cũng như đấm được vào tay chắn. Đến hiệp thứ sáu, Hà Châu báo với ông rằng: “Hết tiền thưởng rồi đó!“.
Minh Cảnh đáp lời bạn: “Hết tiền thưởng thì tao hạ nó đó nhe. Hạ nó ở góc này nè“, ông chỉ vào một góc đài. Hà Châu chửi thề một tiếng rồi nói: “Mày xạo, mày chịu đòn gần chết… tao định quăng khăn mà mày không cho“.
Hiệp thứ sáu, rốt cuộc là hiệp cuối cùng của trận đấu đó. Đúng như lời hứa với Hà Châu, Minh Cảnh ra đòn hạ knock out tay đấm người Mỹ ngay ở góc võ đài đã chỉ trước đó. Đại võ sư Hà Châu chỉ còn biết há hốc mồm kinh ngạc.
2.Sinh năm 1922 tại Cai Lậy, Tiền Giang, Minh Cảnh không xuất thân từ gia đình “có nghề”, mà gia đình ông chỉ là nông dân thuần túy. Năm 10 tuổi, ông theo mẹ sang Campuchia mưu sinh. Sức mạnh cánh tay mà ông có được, một phần bởi những năm tháng tuổi thơ nhọc nhằn khi phải suốt ngày cầm sào chèo ghe đi thâu lúa, thâu tiền cho gia đình.
Năm 1937, khi tròn 15 tuổi, chàng thiếu niên Minh Cảnh trở về Việt Nam, và điểm đến là đất Sài Gòn. Vốn hiếu động và “ưa đánh lộn” từ nhỏ, Minh Cảnh lập tức “phải lòng” với phòng tập boxing vốn dành cho người Pháp tập luyện môn thể thao đang thịnh hành của mình.
Sư phụ đầu tiên của ông là Sư Muôn, thấy Minh Cảnh chuyên đóng vai “quân xanh” để cho người Pháp luyện quyền Anh, thương tình bèn kêu về dạy cho những đòn thế cơ bản. Dạy đến đâu, Minh Cảnh lĩnh hội đến đấy.
Luyện với Tây, Minh Cảnh càng đánh càng lên. Càng lên thì “mấy thằng Tây” lại càng cho ông nhiều tiền, bởi rất khâm phục cậu bé người Việt nhỏ con nhưng cực kỳ gan lì và có năng khiếu.
Luyện mãi rồi cũng thành tài, Sư Muôn quyết định đưa cậu học trò đi đánh đài. Ngay trận đầu tiên, Minh Cảnh đã nhận được lời thách đấu từ nhà vô địch Ngọc Thôi. Biết học trò của mình chưa đủ mạnh, Sư Muôn giao Minh Cảnh qua cho ông thầy Ocampo người Philippines để luyện thêm, vừa luyện vừa đưa đi đánh.
Phải trải qua vài trận, gặp hết “người này, người kia” rồi thì thầy Minh Cảnh mới cho “đụng” Ngọc Thôi. Hạ đẹp Ngọc Thôi, tên tuổi Minh Cảnh “lên luôn”, từ đó đối thủ của võ sĩ trẻ này chủ yếu là Tây, là những võ sĩ người Pháp và Philippines và đều thắng hết.
Trận gặp võ sĩ Saysak – “đệ tử cứng” của nhà vô địch Thái Tinoi, cao đến 1m8 ở sân Tao Đàn, suýt chút nữa là khán giả Sài Gòn phản ứng khi võ sĩ Thái Lan chơi xấu húc đầu khiến Minh Cảnh choáng váng, song Minh Cảnh chủ động nói với khán giả không sao đâu, để trận đấu được tiếp tục.
Cú ra đòn tiếp theo, Minh Cảnh đưa đầu ra, nhứ cho Saysak thực hiện lại “đòn bẩn”, nhưng khi tay đấm người Thái này vừa ngóc đầu lên, Minh Cảnh đã tung cú đấm móc trời giáng vào giữa cằm khiến đối thủ bật ngửa. “Ông thầy” Tinoi ngồi dưới lập tức quăng khăn trắng xin thua cho học trò.
Không biết bao nhiêu đối thủ đã bị hạ dưới tay Minh Cảnh, song đối thủ khiến ông nhớ và tôn trọng nhất là một tay đấm người Pháp, mang tên Campana. Võ sĩ người Pháp nặng 72 kg, trong khi Minh Cảnh nặng có 54 kg, lại thấp hơn đối thủ rất nhiều.
Họ gặp nhau lần đầu tiên ở sân Nguyễn Văn Hảo. Trận đấu ấy, Minh Cảnh lần đầu tiên bị đối thủ đánh cho tơi bời, bị đối thủ đánh nằm sàn. Khi trọng tài đếm đến 8 thì Minh Cảnh đứng dậy được. Ngay lúc ấy, tiếng chuông hết hiệp đã cứu ông. Qua hiệp sau, biết đòn ngang của đối phương quá mạnh, Minh Cảnh dùng “thủ thuật” chêm kéo tay lên đỡ, khiến cánh tay của Campana bị cùi chỏ ăn vào, bị thương, phải bỏ cuộc.
Sau trận đấu ấy, trước khi về Pháp trị thương và tập luyện, Campana hẹn với Minh Cảnh 6 tháng sau tái đấu. Ở Việt Nam, Minh Cảnh ra Nha Trang tập luyện hết mình cho trận đánh sắp tới. “Bạn tập” của ông là một chú chó béc giê cực kỳ cao to. Hết Nha Trang, “Võ vương Chợ Lớn” lên Đà Lạt chạy đồi, chạy núi với chú chó cưng để luyện thể lực, luyện sức bền. Sáu tháng sau, Minh Cảnh trở lại Sài Gòn tái đấu.
Trận tái đấu căng thẳng và cân bằng hơn nhiều, rốt cuộc Minh Cảnh chiến thắng ở hiệp thứ 6, khiến Campana phải tâm phục khẩu phục.
Không dừng ở đó, Campana gọi bằng được em trai mình là nhà vô địch quyền Anh nước Pháp qua Sài Gòn đấu với Minh Cảnh. Trận đấu ấy kết thúc với kết quả hòa. Tay đấm vô địch người Pháp thất vọng đến mức đập vỡ cả cửa kính của nhà thi đấu.
Dám lên đài ở những trận đấu mà không ai dám lên, ở thời điểm võ thuật nước nhà cần lấy lại vị thế trước sự coi thường của người nước ngoài, Minh Cảnh xứng đáng là “Võ vương” tuyệt đối trong mắt giới võ thuật Sài Gòn thời ấy, không những ở tài năng, mà còn ở khí chất bất khuất một võ sĩ Việt Nam.
Đấy chính là lý do khi về nước năm 1958, Kid Dempsey – tay đấm huyền thoại từng vô địch tại Pháp, hỏi người em trai của mình Huỳnh Tiền – vốn cũng là một huyền thoại khác của giới võ thuật Sài Gòn, rằng ai giỏi nhất ở Việt Nam, Huỳnh Tiền đáp gọn lỏn: “Minh Cảnh là vua của boxing nước Việt“.
Theo Pháp luật và Bạn đọc