Mọi hoạt độnng thăm dò, khảo sát và nghiên cứu khoa học tại quần đảo Hoàng Sa mà không được sự cho phép của Việt Nam là bất hợp pháp và vô giá trị.
Chiều 8/7, tại cuộc họp báo thường kỳ, trả lời câu hỏi liên quan đến việc ngày 7/7, truyền thông Hong Kong đưa tin tàu nghiên cứu “Đại học Tôn Trung Sơn” sẽ được đưa tới Biển Đông, cụ thể là quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, trong tháng 10/2021 nhằm “thúc đẩy thăm dò các vùng biển giàu tài nguyên”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các quyền hợp pháp với vùng biển Việt Nam được xác định phù hợp với công ước của LHQ về luật biển năm 1982 (UNCLOS).
Mọi hoạt động thăm dò, khảo sát và nghiên cứu khoa học tại quần đảo Hoàng Sa mà không được sự cho phép của Việt Nam là xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan của Việt Nam, là bất hợp pháp và vô giá trị, bà Hằng nhấn mạnh.
Trước đó truyền thông Trung Quốc đưa tin, tàu nghiên cứu mang tên Đại học Trung Sơn dự kiến thực hiện chuyến đi đầu tiên tới Biển Đông vào tháng 10. Con tàu được đóng tại Nhà máy Đóng tàu Giang Nam Thượng Hải, nơi chế tạo tàu sân bay thứ hai và thứ ba của Trung Quốc.
Hồi giữa năm 2019, tàu Địa chất Hải dương 8 cùng các tàu hộ tống của Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam. Đến cuối tháng 10/2019, nhóm tàu này rời đi. Đây cũng là quãng thời gian tàu Trung Quốc hoạt động phi pháp kéo dài nhất tại EEZ và thềm lục địa của Việt Nam. Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối hoạt động nhóm tàu nói trên của Trung Quốc.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị