Văn phòng công tố liên bang Đức cho biết, một nhà khoa học chính trị đã nghỉ hưu của Đức bị buộc tội làm gián điệp cho Trung Quốc trong gần 1 thập kỷ.
Bị cáo ra hầu tòa vào 6/7. Ông được xác định là đã chuyển thông tin mật của chính phủ Đức cho cơ quan mật vụ Trung Quốc. Một phát ngôn viên của văn phòng công tố cho biết, các thông tin cụ thể hơn về nghi phạm sẽ chưa được công bố.
HOẠT ĐỘNG CẢ 1 THẬP KỶ
Theo một tuyên bố được đăng tải trên trang web của các công tố viên, người đàn ông này đã cung cấp thông tin “trước hoặc sau các chuyến thăm cấp nhà nước hoặc các hội nghị đa quốc gia.” Thông tin thu được “chủ yếu từ nhiều mối quan hệ chính trị cấp cao của ông”.
“Đổi lại, bị cáo nhận được tiền tài trợ để tới các cuộc họp với các nhân viên tình báo Trung Quốc, và các khoản phí hỗ trợ,” thông tin cho biết.
Reuters cho hay, nhà khoa học trên có tên là Klaus L, đã được tình báo Trung Quốc thuê làm gián điệp trong một chuyến đi của ông này đến Thượng Hải vào năm 2010, gần 10 năm sau khi tham gia vào một nhóm nghiên cứu, và thường xuyên cung cấp thông tin cho đến tháng 11/2019.
Các công tố viên Đức cho hay: “Bị cáo đã thực hiện các hành động gián điệp nhờ vào danh tiếng khoa học và mạng lưới xây dựng được trong nhiều năm.”
Đây là vụ mới nhất trong một loạt các vụ bê bối về gián điệp liên quan đến Trung Quốc đã làm “rung lắc” Đức và lớn hơn là Liên minh châu Âu (EU).
LỐI ĐI NÀO CHO ĐỨC
Thành viên cấp cao Noah Barkin của chương trình Châu Á tại Quỹ Marshall – một tổ chức tư vấn của Đức cho biết: “Chúng tôi biết từ các báo cáo tình báo của Đức rằng Trung Quốc đã tích cực tìm cách thu hút những người có thể cung cấp thông tin ở Đức trong những năm gần đây. Chúng tôi chưa thấy những vụ án thành công bởi công tố viên đã tìm ra và vạch trần bản chất của hoạt động gián điệp này.”
Đầu năm ngoái, các công tố viên Đức đã mở một cuộc điều tra quốc tế về những nghi ngờ của một đường dây gián điệp của Trung Quốc liên quan đến công dân Đức, bao gồm một nhà ngoại giao cấp cao và 2 người vận động hành lang.
Vào năm 2017, cơ quan tình báo của Đức đã phát hiện ra các hồ sơ cho rằng cơ quan tình báo Trung Quốc tìm cách thu thập thông tin cá nhân về các quan chức và chính trị gia của Đức.
Các quan chức từ Cơ quan Đối ngoại của EU đã báo cáo rằng có “khoảng 250 điệp viên Trung Quốc và 200 điệp viên Nga ở Brussels của châu Âu vào năm 2019, từ WELT vào thời điểm đó đưa tin.
Cực giám đốc tình báo của Đức Gerhard Schindler đã cảnh báo rằng mối đe dọa từ hoạt động gián điệp của Trung Quốc ở châu Âu đang gia tăng và để chống lai tình trạng này, Berlin phải giảm sự phụ thuộc chiến lược vào Trung Quốc và cấm Huawei ra khỏi mạng điện thoại di động 5G của mình. Ông Schindler là lãnh đạo Cơ quan tình báo nước ngoài của Đức từ năm 2011 tới năm 2016.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị