Đầu thế kỷ XIII, đế quốc Khwarezm (Hoa Lạt Tử Mô/ nhà Khwarezm-Shah) thống trị Trung Á, Tây Á, sở hữu một vùng lãnh thổ rộng lớn. Mùa xuân năm 1218, Thành Cát Tư Hãn muốn giao hảo thông thương với Khwarezm, ông lần lượt phái đi đoàn thương nhân gồm 450 người và vài vị sứ thần đi thương thuyết, kết quả đoàn thương nhân gần như bị giết sạch toàn bộ, toàn bộ hàng hóa đều bị tịch thu, chỉ có một người may mắn sống sót…
Tiếp theo, thủ lĩnh nhóm sứ thần được Thành Cát Tư Hãn cử đến Khwarezm ngoại giao cũng bị giết chết. Khwarezm giết chết sứ thần một cách vô lý, trước tình hình đó Đại Hãn tập hợp đại quân, chuẩn bị chinh phạt phương Tây.
Trước khi đoàn quân xuất phát, Dã Toại vương phi lo lắng viễn chinh đường dài, nếu lỡ như Đại Hãn đột nhiên ngã xuống, sau này người nào sẽ thừa kế vị trí Khả hãn? Dân chúng bá tánh như một bầy chim sẻ phải phó thác cho người nào chăm lo? Thế là vương phi quyết định bộc bạch với Thành Cát Tư Hãn, nói ra những lo lắng trong lòng mình.
Thành Cát Tư Hãn cảm thấy lời nói của vương phi rất đúng. Đây là vấn đề mà bản thân ông chưa từng nghĩ đến, các anh em trai của ông và các đại thần cũng chưa từng nghĩ đến. Ông nói: “Bởi vì ta không thừa kế vị trí Khả hãn của tổ tiên, mà là giành được thiên hạ khi Đông chinh Tây phạt, cho nên không nghĩ đến việc chọn ra người thừa kế. Bởi vì ta chưa gặp phải cái chết, mà quên mất rằng con người sẽ già đi và chết”. Trong bốn người con trai của ông, Truật Xích là con trưởng, Thành Cát Tư Hãn hỏi ý kiến của Truật Xích trước.
Truật Xích vẫn còn chưa kịp lên tiếng, con trai thứ hai là Sát Hợp Đài đã giành nói trước: “Cha kêu Truật Xích nói lên suy nghĩ, có phải muốn truyền ngôi vị Khả hãn cho huynh ấy không? Chúng ta làm sao có thể để con hoang của bộ lạc Miệt Nhi Khất (Merkit) quản lý giang sơn chứ!”. Lời này của Sát Hợp Đài đã chọc giận Truật Xích, Truật Xích một tay túm lấy cổ áo của Sát Hợp Đài, hai anh em đánh nhau ngay trước mặt cha mình.
“Mông Cổ bí sử” ghi chép, người vợ chính thức của Thành Cát Tư Hãn từng bị người của bộ lạc Miệt Nhi Khất bắt đi, Truật Xích rất có thể là con trai của người Miệt Nhi Khất. Chuyện này bị lan truyền rất rầm rộ, trong giới học thuật cũng có nhiều ý kiến khác nhau.
Ai sẽ thừa kế ngôi vị Khả hãn? Cha con cùng nhau thảo luận
Thành Cát Tư Hãn nói với Sát Hợp Đài: “Sao con có thể nói Truật Xích như vậy hả? Truật Xích chẳng phải là con trưởng của ta hay sao? Sau này không được nói những lời như vậy nữa!”.
Nhưng Sát Hợp Đài vẫn không phục, lại tiếp tục nói: “Sức lực và bản lĩnh của Truật Xích, tất nhiên không cần bàn cãi. Con trưởng của cha là con và Truật Xích. Chúng con bằng lòng cùng nhau góp sức cho cha”. Sát Hợp Đài nói rằng em trai Oa Khoát Đài bản tính đôn hậu rộng lượng, vì thế đề nghị tiến cử Oa Khoát Đài làm người thừa kế.
Thành Cát Tư Hãn lại hỏi ý kiến của Truật Xích thêm một lần nữa. Truật Xích cũng đồng tình, nói rằng: “Con và Sát Hợp Đài hai người bằng lòng cùng nhau dốc sức cho cha, chúng con tiến cử Oa Khoát Đài”.
Thành Cát Tư Hãn nói: “Hai người các con cần gì phải cùng nhau dốc sức? Thế giới rộng lớn, sông hồ có rất nhiều. Ta muốn chia quốc gia có lãnh thổ rộng lớn cho các con, để các con tự mình đi trấn giữ. Truật Xích, Sát Hợp Đài, hai người các con phải thực hiện lời hứa của mình, không được để bá tánh chê cười”.
Thành Cát Tư Hãn lại nói tiếp: “Khi cả hai đã xa cách nhau, hai con còn tranh giành ai đúng ai sai không? Trong lúc tranh luận cần phải suy nghĩ nhiều hơn! Nếu các con sống ở nơi bị ngăn cách bởi những ngọn núi cao, các con có còn nghĩ đến việc ai đúng ai sai không?”
Thành Cát Tư Hãn quay qua hỏi ý kiến của Oa Khoát Đài. Oa Khoát Đài nói: “Cha ban ơn cho phép con lên tiếng, con còn có thể nói gì chứ? Nói bản thân không làm được sao? Từ nay về sau con sẽ dùng hết khả năng của mình để làm”, chỉ là Oa Khoát Đài không biết rằng, nếu như từ nay về sau trong số con cháu của mình có những con cháu vô tích sự, con cháu bất tài thì phải làm thế nào?
Đối với vấn đề này, Thành Cát Tư Hãn hỏi người con trai thứ tư của mình là Đà Lôi: “Con thấy thế nào?”.
Đà Lôi trả lời: “Con bằng lòng ở bên cạnh người anh trai được cha chỉ định thừa kế ngôi vị, con sẽ nói cho anh ấy biết những chuyện mà anh ấy đã quên, gọi anh ấy thức dậy khi anh ấy ngủ quên. Làm một người bạn đồng hành, làm cây roi quất ngựa. Đồng hành tiến lên phía trước không rời hàng ngũ. Con bằng lòng vì anh ấy mà viễn chinh đường dài, bằng lòng vì anh ấy mà chinh chiến quyết liệt”.
Đà Lôi nói xong những lời này, Thành Cát Tư Hãn vô cùng tán thán: “Nói rất hay”. Ngay sau đó, ông lập tức hạ chỉ xác lập Oa Khoát Đài làm người thừa kế ngôi vị Khả hãn.
Oa Khoát Đài không quên lệnh cha, Khả hãn vui mừng
Oa Khoát Đài bận rộn những công việc trên thảo nguyên, có một năm quên mất sinh nhật của mình. Nhưng mà Thành Cát Tư Hãn lại nhớ, ông nói với Oa Khoát Đài: “Oa Khoát Đài, sáng sớm ngày mai, con đi đến chỗ của ta”.
Sáng sớm hôm sau, Oa Khoát Đài liền lên đường đi gặp cha của mình. Nhưng trên đường đi liên tục gặp phải mấy nhà đang tổ chức tiệc, người dân du mục chuẩn bị rượu ngon, nhiệt tình mời Oa Khoát Đài đến dự tiệc với họ. Oa Khoát Đài thấy khó từ chối lòng nhiệt tình của mọi người, vì thế đã xuống ngựa dự tiệc, ông cầm ly lên, cùng mọi người uống rượu vui vẻ.
Vì để chúc mừng sinh nhật của Oa Khoát Đài, Thành Cát Tư Hãn đã chuẩn bị sẵn rượu và thịt từ trước, chỉ chờ Oa Khoát Đài đến mà thôi. Nhưng vì tham dự mấy bữa tiệc trên đường đi mà Oa Khoát Đài mãi vẫn chưa đến nơi. Thành Cát Tư Hãn chờ đợi rất lâu mà vẫn không nhìn thấy bóng dáng của con trai mình. Người làm cha làm mẹ lúc nào cũng vì con cái mà lo toan vất vả, cho nên thân tâm thường xuyên mỏi mệt, chính vì vậy mà Thành Cát Tư Hãn cũng hy vọng những đứa con của mình có thể hiểu được nỗi lòng của cha mẹ.
Thành Cát Tư Hãn đợi cho đến lúc trời tối, khi người hầu bưng rượu ngon và thịt đầu ngựa của bữa tối lên, ông nghe thấy có âm thanh truyền từ bên ngoài lều vào, lúc này Oa Khoát Đài mới đến nơi.
Thành Cát Tư Hãn hỏi: “Ta kêu con đến sớm một chút, tại sao cho đến tận bây giờ con mới xuất hiện?”.
Oa Khoát Đài giải thích rằng mình vốn dĩ định đến gặp cha sớm hơn, nhưng vì trên đường đi gặp phải mấy gia đình đang tổ chức tiệc tùng, mọi người đều nhiệt tình mời mình dự tiệc. Oa Khoát Đài vốn dĩ muốn từ chối, nhưng nhớ đến lời dạy thường ngày của cha: “Gặp phải đồ ăn thức uống đang sẵn có, nếu như không nhận lấy, thì sẽ mất đi phúc phần”, vì vậy mới bước xuống ngựa để dự tiệc. Cũng vì nguyên nhân này mà bây giờ mới đến được chỗ của cha.
Nghe xong lời giải thích của Oa Khoát Đài, Thành Cát Tư Hãn dùng dao cắt thịt đầu ngựa ăn, nói rằng: “Pháp luật và ý chỉ do ta ban bố, chỉ có Oa Khoát Đài chấp hành toàn bộ mà thôi. Sau này con vẫn phải làm như vậy mới được”. Đồng thời ông còn căn dặn những vị quần thần bên cạnh mình, sau này cũng phải làm như vậy.
Một mũi tên dễ bẻ, một bó tên khó gãy
Bốn người con trai của Thành Cát Tư Hãn đều rất thiện chiến, liều mạng để mở rộng lãnh thổ, tạo dựng được nhiều chiến tích to lớn. Họ giống như bốn trụ cột của Đế chế Mông Cổ đang chống đỡ tòa nhà đế quốc hùng vĩ.
Vì muốn làm cho tòa nhà đế quốc càng thêm kiên cố vững chắc, Thành Cát Tư Hãn thường hay trích dẫn các câu chuyện cổ xưa để giảng giải đạo lý cho các con của mình.
Có một hôm, Thành Cát Tư Hãn gọi các con của mình đến, từ trong túi đựng lấy ra một mũi tên, bẻ gãy làm đôi. Sau đó, ông rút ra hai mũi tên, rồi bẻ gãy lần nữa. Ông càng rút càng nhiều, cho đến khi mũi tên nhiều đến nỗi ngay cả một đại lực sĩ trên thảo nguyên cũng không thể nào bẻ gãy được. Tổ tiên A Lan Quả Hỏa của gia tộc hoàng kim cũng đã từng kể câu chuyện cổ này.
Thành Cát Tư Hãn nói với các con rằng: “Các con cũng giống như vậy. Một mũi tên thì rất yếu. Tuy nhiên, khi nó được gia tăng gấp bội, có thể có được sự trợ giúp từ mũi tên khác, cho dù là đại lực sĩ cũng không cách nào bẻ gãy được nó. Anh ta chỉ có thể mở to mắt ra nhìn, nhưng không làm gì được nó. Anh em các con cũng phải giúp đỡ lẫn nhau, viện trợ qua lại cho nhau. Như vậy cho dù các con có phải đối mặt với kẻ địch lớn mạnh đi chăng nữa, hắn cũng không thể đánh thắng các con”.
“Tuy nhiên, nếu như trong số các con không có một vị lãnh tụ, để cho những người anh em, con trai, bạn bè và các đồng đội phục tùng, nghe theo chỉ huy của mình, vậy thì, tình huống của các con sẽ giống như một con rắn có nhiều cái đầu vậy, gặp phải đêm tối lạnh giá, mấy cái đầu rắn đều tranh giành muốn chui vào trong hang để tránh rét. Nhưng mà, một cái đầu chui vào, một cái đầu khác lại phản đối, kết quả toàn bộ chúng đều bị chết cóng”.
Bốn người con trai này của Thành Cát Tư Hãn từ nhỏ đã theo cha mình đi hành quân, cả bốn người đều vô cùng kiệt xuất, Thành Cát Tư Hãn căn cứ theo tính cách của mỗi người mà sắp xếp các chức vụ khác nhau cho từng người. Thú vui quan trọng của Mông Cổ chính là săn bắn, và cũng là phương pháp huấn luyện quân đội tốt nhất, Thành Cát Tư Hãn rất xem trọng hoạt động săn bắn, vì thế ra lệnh cho con trưởng Truật Xích cai quản việc săn bắn.
Con trai thứ hai Sát Hợp Đài tính tình cương trực, tuân thủ kỷ cương rất nghiêm khắc, Thành Cát Tư Hãn cho Sát Hợp Đài quản lý Trát Tát (văn kiện pháp luật của Mông Cổ) và luật lệ, “vừa quản lý việc thực thi pháp luật, vừa quản lý việc xử phạt những kẻ phạm pháp”. Thành Cát Tư Hãn ra lệnh cho công thần khai quốc Khoát Khoát Sóc Tư có tính cẩn thận phò tá Sát Hợp Đài.
Oa Khoát Đài là một người khoan dung độ lượng, Thành Cát Tư Hãn lệnh cho Oa Khoát Đài phụ trách chung tất cả mọi chuyện trong đế quốc, cho Oa Khoát Đài sau này nắm giữ ngôi vị Khả hãn, trị vì quốc gia và bá tánh.
Mông Cổ có truyền thống “ấu tử thủ táo”, đây là một chế độ thừa kế trong xã hội nguyên thủy, tức là sau khi những người con trong gia đình lấy vợ và được chia gia tài để ra ở riêng, thì người con trai nhỏ nhất trong gia đình sẽ được thừa kế toàn bộ tài sản và địa vị xã hội của cha mình. Vì vậy Thành Cát Tư Hãn ra lệnh cho Đà Lôi ở trên lãnh thổ Mông Cổ phụ trách tổ chức quân đội, chỉ huy trang bị binh mã. Phong địa của Đà Lôi ở sát bên lãnh thổ của Oa Khoát Đài, khi đó lãnh thổ của Oa Khoát Đài được miêu tả là: “Nơi đó đích thực là trung tâm của đế quốc bọn họ, giống như trung tâm của một khu vườn vậy”.
Đế quốc Mông Cổ do Thành Cát Tư Hãn xây dựng có lãnh thổ rộng lớn. Vì để thuận tiện cho việc cai trị, ông đem lãnh thổ rộng lớn của mình chia cho bốn người con trấn giữ. “Từ đó về sau, ông thường xuyên đi đôn đốc, đi củng cố mối quan hệ hòa hợp giữa những người con trai và các anh em của mình, làm tăng cường cơ sở yêu thương, gắn bó giữa bọn họ. Đồng thời thường xuyên gieo xuống những hạt giống đoàn kết trong lòng những đứa con trai, những người em trai và tộc người của mình, vẽ ra hình ảnh tất cả mọi người ngồi chung một chiếc thuyền cùng nhau qua sông trong tư tưởng của của họ”. (Trích từ “lịch sử của những người chinh phục thế giới” – phần đầu).
Khi Thành Cát Tư Hãn phân bố quân đội và binh lính cho các vị hoàng tử, cũng chỉ định vài vị công thần khai quốc để làm Thiên hộ trượng (Noyan) phò tá cho họ. Ở trước mặt rất nhiều vị tướng soái, Thành Cát Tư Hãn căn dặn những người con trai của mình rằng: “Nếu như tướng soái phạm sai lầm, tuyệt đối đừng đối đoạt xử phạt. Vì các con vẫn còn trẻ tuổi, những tướng soái này đều là công thần của cha. Nếu muốn xử phạt, cần phải trưng cầu ý kiến của cha trước. Nếu như cha không còn nữa, nên để dòng tộc cùng nhau thảo luận, sau đó mới chấp hành pháp lệnh. Nhưng tiền đề là phải xác minh được tội trạng đã phạm là có thật, và bản thân người phạm tội công khai thừa nhận. Nhớ kỹ, các con không được vì tức giận hoặc vì những cảm xúc khác mà xử phạt người phạm lỗi”.
Thành Cát Tư Hãn quay đầu nhìn lại ngày xưa mình từng Đông chinh Tây phạt, trong đời đã hàng phục được rất nhiều quốc gia và dân tộc, ông căn dặn bốn người con và tộc người của mình rằng:
“Từ chỗ mặt trời mọc
Ta, chiến đấu đến chỗ mặt trời lặn
Thu nhận và chăm sóc cho biết bao nhiêu quốc gia, bá tánh
Làm cho rất nhiều người có lòng dạ khác nhau, đã hợp nhất lòng dạ của họ lại.
Làm cho rất nhiều người có đầu óc khác nhau, đã thống nhất được nhận thức của họ
Khiến cho những kẻ có tâm địa bẩn thỉu phải đau khổ tang thương
Khiến cho những kẻ gian xảo, mệt mỏi vô cùng
Hỡi gia tộc và người thân của ta, đừng khinh suất lười biếng
Các ngươi phải kiên định mạnh mẽ, nỗ lực, dũng mãnh không ngừng!”
Theo Epochtimes-Châu Yến biên dịch