Các chuyên gia của ngân hàng DBS Bank từng cho rằng, phải đến năm 2029, nền kinh tế Việt Nam mới có quy mô lớn hơn kinh tế Singapore.
Năm 2019, Bloomberg dẫn một báo cáo của ngân hàng DBS Bank cho hay: “Kinh tế Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng khoảng 6-6,5% trong thập kỷ tới, nhờ nguồn vốn đầu tư nước ngoài mạnh và tăng trưởng năng suất trong những năm sắp tới. Nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng này, nền kinh tế Việt Nam sẽ lớn hơn quy mô nền kinh tế Singapore sau 10 năm nữa”.
Ở thời điểm đó, dự báo kinh tế Việt Nam có thể bắt kịp Singapore vào năm 2029 của DBS dựa trên một số giả định.
– Việt Nam có thể tăng trưởng bình quân 5,5% trong những năm tới và trung bình khoảng 6-6,5% trong trung hạn khoảng 10 năm.
– Tỷ lệ tăng trưởng dân số ngắn hạn trong độ tuổi lao động của Việt Nam là 1% rồi giảm dần xuống 0,5%.
– Các nền kinh tế khu vực cũng giữ mức tăng trưởng bình quân vốn có, với Singapore là 2,5%.
Nhưng bất ngờ cho các chuyên gia này, là Việt Nam đã vượt qua Singapore về mặt quy mô kinh tế ngay một năm sau đó.
Tháng 10/2020, IMF dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 của các quốc gia Đông Nam Á hầu hết âm. Philippines được dự báo sẽ tăng trưởng -8,3%, trở thành quốc gia có mức sụt giảm GDP dự kiến sâu nhất năm nay trong số các nước ASEAN-5. Theo sau là Thái Lan với -7,1%; Malaysia với -6% và Indonesia với -1,5%. Đặc biệt, IMF dự báo cụ thể quy mô GDP của Việt Nam năm 2020 sẽ ở mức 340,6 tỷ USD, trong khi Singapore 337,4 tỷ USD, Malaysia 336,3 tỷ USD…
Với sự suy giảm của các nền kinh tế trong khu vực do tác động của Covid-19, cùng với nỗ lực duy trì tăng trưởng dương của Việt Nam, kết quả, đến cuối năm 2020, Việt Nam đã vượt qua Singapore (337,5 tỷ USD) và Malaysia (336,3 tỷ USD), thực sự trở thành nền kinh tế lớn thứ tư ở Đông Nam Á (sau Indonesia 1.088,8 tỷ USD; Thái Lan 509,2 tỷ USD và Philippines 367,4 tỷ USD).
Nikkei Asia nhận định: Đây chính là khoảnh khắc bứt phá của Việt Nam. Nhờ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đã đạt được một cột mốc mới. Tờ báo Nhật Bản lý giải: “Gần như tất cả các nhà cung cấp lớn của Apple trong khu vực đã đặt nhà máy tại Việt Nam hoặc có dự định làm như vậy, theo xu hướng “Trung Quốc +1″. Lĩnh vực điện tử đã trở thành ngành xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng chủ yếu vẫn còn là sản xuất và lắp ráp cơ bản. Các quan chức cho biết họ sẽ chọn lọc các khoản đầu tư công nghệ cao và thân thiện với môi trường với nhiều giá trị gia tăng hơn”.
“Nếu Đài Loan và Hàn Quốc có thể đảm nhận những vai trò quan trọng đối với chuỗi cung ứng công nghệ, tại sao không phải là Việt Nam?” – một lãnh đạo của Công ty Cổ phần Công nghệ Xelex nói với Nikkei.
Năm nay, theo dự báo mới nhất tính đến thời điểm hiện tại của IMF, thậm chí nhiều khả năng Singapore sẽ tụt xuống vị trí 6 về quy mô kinh tế trong khu vực Đông Nam Á. Còn dự báo ADB thì cho rằng quy mô kinh tế Singapore trong năm nay dự kiến vẫn sẽ nhỉnh hơn khoảng 1 tỷ USD so với Malaysia, nhưng hai quốc gia này đều sẽ tiếp tục xếp sau Việt Nam trong năm 2021 này.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn nắm giữ mức tăng trưởng kinh tế an toàn, đủ để duy trì vị trí thứ 4 về quy mô kinh tế trong khối ASEAN, sau Indonesia, Thái Lan và Philippines. Chỉ có thứ hạng của Singapore đang có nhiều khả năng lung lay, tụt một bậc và đứng sau Malaysia.
Mặt khác, đến năm 2020, GDP theo ngang giá sức mua của Việt Nam đã vượt qua mức 10.000 USD, đạt 10.869 USD/người/năm. Theo dự báo, đến năm 2021, con số này sẽ đạt 11.677 USD và đến 2022 thì vượt qua 12.000 USD. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn chưa đủ mạnh để Việt Nam có thể thăng hạng trong nhóm ASEAN-6 mà chỉ xếp trên Philippines, vẫn đứng sau Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan.
Nhã Mi-Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị