Sau hơn 1 năm tập trung chỉ trích phương Tây, các nhà ngoại giao “Chiến lang” Trung Quốc thời gian qua đã theo đuổi phong cách mềm mỏng hơn, dù đôi khi họ phải chịu sức ép dư luận trong nước.
Hãng thông tấn AFP (Pháp) cho biết trong những năm gần đây, Trung Quốc xuất hiện thế hệ nhà ngoại giao đi theo phương pháp cứng rắn hơn với phương Tây. Phương pháp này thường được gọi là ngoại giao “Chiến lang” – dựa trên bộ phim bom tấn cùng tên năm 2015 của Trung Quốc.
Ngày 1/6 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khuyến khích các quan chức nước này xây dựng hình ảnh “đáng tin cậy, đáng yêu mến và đáng tôn trọng” cho đất nước. Đây được coi là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh có thể hướng đến việc “mềm hóa” đường lối ngoại giao.
Một số nhà phân tích cho rằng thay đổi này cho thấy các quan chức hàng đầu Trung Quốc nhận ra chiến thuật ngoại giao gần đây không được tiếp nhận tốt ở nước ngoài, bao gồm cả các đồng minh tiềm năng. Tuy nhiên, khi thay đổi như vậy, giới chức Trung Quốc lại bị dư luận trong nước chỉ trích.
Hồi tháng 6, nhiều người sử dụng mạng xã hội Weibo tại Trung Quốc đã chỉ trích các học giả nước này tham gia chương trình trao đổi học tập do chính phủ Nhật Bản tài trợ. Những người sử dụng Weibo gọi các học giả này là “kẻ phản bội” khi nhận tiền của Nhật Bản và viết tích cực về quốc gia này. Chính phủ Trung Quốc đã xoa dịu dư luận, gọi chương trình này là cách để xây dựng lòng tin và làm sâu sắc tình hữu nghị.
Giáo sư Jonathan Hassid tại Đại học Iowa cho biết: “Nếu Trung Quốc muốn mềm hóa hình ảnh thì những cá nhân yêu nước lại giận giữ. Còn khi Bắc Kinh đóng vai ái quốc, cộng đồng quốc tế lại có phản ứng tiêu cực”.
Theo Báo Tin tức