Lúc 3 giờ 42 phút 53 giây, rạng sáng 28/7/1976 (giờ Bắc Kinh), lòng đất ở Đường Sơn như có 400 trái bom nguyên tử Hiroshima đột ngột nổ tung. Chỉ trong 10 giây, trận động đất kinh hoàng khiến nơi cư ngụ của hơn 1,6 triệu người trong phút chốc bị san thành bình địa. Đến nay người ta vẫn còn nhiều điều khó lý giải về trận đại địa chấn này.
Đó dường như là kiếp nạn không cách nào đoán trước, cũng không cách nào ngăn cản. Chỉ 10 giây, cơn địa chấn đã cướp đi sinh mệnh của gần 700 nghìn người. Đó là thảm họa động đất gây thương vong nhiều nhất thế kỷ 20. Tuy vậy, nhiều người tin rằng, trước khi thảm họa xảy ra, đã có rất nhiều dấu hiệu báo trước. Thần Phật thực sự đã nhiều lần điểm hóa, cảnh báo con người.
Sau khi sưu tập lại tài liệu cũ, đối chiếu các dữ kiện, các nhà nghiên cứu cũng phải lặng người trước những sự thực này. Mãi cho tới nay, nhiều nghi vấn trong đó vẫn còn chưa tìm được lời giải.
Những con cá sợ hãi phát điên
Vợ chồng giáo sư Ngô Bảo Cương và Châu Ngạc ở trường Bát Trung, Đường Sơn kể lại: Trung tuần tháng 7/1976 đột nhiên họ thấy xuất hiện thêm rất nhiều người bán cá tươi ở đầu phố Đường Sơn. Họ cảm thấy rất kỳ lạ vì thường ngày khó mua được cá tươi thế nhưng mấy hôm đó cá rất nhiều và giá rẻ bất ngờ. Họ liền hỏi người bán cá: “Đây là cá ở đâu?“.
“Cá này bắt ở đập chứa nước Đẩu Hà“. Người bán cá trả lời và nói thêm: “Mấy ngày nay kỳ lạ lắm, cá cực kỳ dễ bắt“. Vợ chồng giáo sư Cương lúc ấy không ngờ rằng đây là dự báo của thiên nhiên về một tai họa khủng khiếp sắp ập đến. Vài ngày sau, trận đại địa chấn xảy ra cướp đi sinh mạng của con trai và con gái họ.
Một người đánh cá ở vùng Bắc Đới Hà tên là Thái Gia Bảo nhớ lại: “Lũ cá cứ như bị điên hết. Trước và sau ngày 20/7, tại ngư trường ở vùng duyên hải cách Đường Sơn không xa, cá đối, cá nheo, cá chẽm nhao nhao nổi lên, trắng dã, rất dễ bắt. Các ngư dân chưa bao giờ gặp vận may tốt như vậy“.
Anh Hoắc Thiện Hoa ở ngư trường Bách Các Trang, Đường Sơn kể: Ngày 25/7 nghe trong ao cá có tiếng nước chảy ào ào anh liền chạy ra xem thì thấy cả đàn cá trắm cỏ đang nhảy lên, có con nhảy cách mặt nước cao hơn một thước, có con phóng thẳng lên trời giống như con quay xoay vòng cực nhanh.
Thuyền viên thuyền chở dầu Trương Hồ Hiệu ở vùng biển Đại Cô Khẩu, Thiên Tân, phía Nam Đường Sơn nhớ lại: Ngày 27/7 năm đó không ít thuyền viên chen chúc tại mạn thuyền thả câu. Sứa chung quanh thuyền đột nhiên bơi tới rất nhiều, cá con cũng dồn dập bơi qua bơi lại thành đàn. Thả lưỡi câu một hồi có thể câu lên hơn 100 con. Có thuyền viên dùng một sợi dây câu tơ, chỉ buộc 4 móc câu lại có thể đồng thời câu lên 4 con cá. Những con cá giống như đang sợ hãi tranh giành cắn lưỡi câu để mong được thoát khỏi biển.
Côn trùng có cánh, chim và dơi như mất lý trí
Theo những gì các thuyền viên tận mắt chứng kiến: Ngày 25/7, quanh thuyền chở dầu vang lên tiếng rít. Sau đó một đàn chuồn chuồn màu xanh thẫm bay tới, đậu trên cửa sổ, cột buồm, đèn và mạn thuyền, chi chít một mảng. Mặc cho người bắt đi hay xua đuổi, chúng vẫn không nhúc nhích, một con cũng không bay lên.
Không lâu sau, lại có một đàn bướm ngũ sắc rực rỡ, châu chấu màu đất, ve đen, cùng rất nhiều dế, chim sẻ và các loài chim không biết tên tới tấp bay đến. Dường như chúng đều không hẹn mà cùng tụ họp lại ở mạn thuyền. Cuối cùng một con vẹt màu sắc lộng lẫy bay tới, choáng váng đậu ở đuôi thuyền và cũng không nhúc nhích.
Ông Trương Hữu ở thị trấn Bình Thôn, huyện Thiên An, Đường Sơn chia sẻ: Ngày 27/7, con yến mẹ dưới mái hiên nhà ông ngậm lấy mấy con chim yến con mà bay đi. Cùng ngày, con yến mẹ dưới mái hiên nhà một người khác ở huyện Ninh Hải, phía Nam Đường Sơn cũng mang theo 2 con yến con còn lại bay đi. Từ ngày 25/7, con yến mẹ này giống như phát điên, mỗi ngày đều đem một con yến con từ trong tổ ném ra ngoài. Chủ nhà nhặt yến con đặt lại vào tổ lập tức lại bị yến mẹ ném ra.
Cùng ngày, tại hợp tác xã Thương Trang Tử, huyện Thiên An, có người nhìn thấy chuồn chuồn và châu chấu cùng bay tới. Chúng bay thành từng bầy trải rộng hơn 100 mét, bay từ đông sang tây trong khoảng 15 phút đồng hồ. Lúc đàn chuồn chuồn bay qua nghe tiếng vù vù vang lên như tiếng động cơ khiến nhiều người tròn mắt ngạc nhiên.
Chuột lớn chuột nhỏ tìm nơi trốn chạy
Ông Vương Cái Sơn ở huyện Loan Nam, Đường Sơn kể lại: Ngày 27/7 ông tận mắt nhìn thấy đàn chuột trong khu trồng bông hốt hoảng chạy tán loạn. Nhìn kỹ thì phát hiện những con chuột lớn đang mang theo những con chuột nhỏ chạy đi rất nhanh, rất gấp. Những con chuột nhỏ cắn đuôi nhau nối liền một chuỗi như đang di cư đi đâu đó.
Có người cảm thấy hiếu kỳ định đuổi bắt chúng nhưng một người khác ngăn lại nói: “Đừng bắt nữa, có thể sắp lụt rồi, chuột sợ nước ngập hang nên tìm cách di cư đi chỗ khác“. Cùng lúc trong mấy ngày đó, tại một nhà kho hợp tác xã cách Đường Sơn không xa có hơn 300 con chuột chui ra khỏi hang, tụ tập lại cùng một chỗ mà đứng ngẩn ra.
Những chuyện kỳ quái không thể lý giải
Khi ấy, vùng ven biển phía đông nam Đường Sơn, sóng biển phát ra tiếng nổ lớn kinh người, khác hẳn với bình thường. Từ hạ tuần tháng 7, ngư dân vùng Bắc Đới Hà cảm thấy rất khó hiểu khi các tảng đá ngầm vốn luôn lộ trên mặt biển đã bị nước nhấn chìm. Trước đây trên bờ biển có thể phơi 3 tấm lưới đánh cá, nhưng khi ấy chỉ có thể phơi được 1 tấm mà thôi. Phòng tắm vòi sen ở bãi tắm bị nước biển tràn vào. Vùng biển quanh năm đánh bắt cá cũng đột nhiên sâu hơn so với trước kia.
Những ngư dân tại vùng biển từ Thái Gia Bảo đến thôn Đại Thần Đường, gần Đường Sơn, dường như không tin nổi vào mắt mình khi chứng kiến nước biển trong vắt trước nay bỗng đột nhiên biến thành một màu vàng đục ngầu.
Từ trung tuần tháng 7, những lỗ nhỏ trên tấm che xi-măng tại một giếng sâu hơn 50m ở huyện Phong Nhuận, Đường Sơn có khí lạ thoát ra kêu “xuy xuy”. Ngày 25 và 26/7, những đợt khí này phun trào tới mức đỉnh điểm. Đứng cách giếng 20m bên ngoài cũng có thể nghe thấy tiếng vang. Khối đá nhỏ đặt phía trên lỗ thoát khí kia cũng có thể lơ lửng trên không một cách vô cùng kỳ lạ.
Tại hợp tác xã Cao Khảm huyện Loan, Đường Sơn cũng có một cái giếng thần bí. Miệng giếng không sâu, bình thường mọi người dùng đòn gánh là có thể múc được nước. Nhưng vào ngày 27/7 có người đột nhiên phát hiện thùng treo trên đòn gánh đã không với đến được mặt nước nữa. Người này đành phải quay về nhà lấy thêm dây thừng để nối, chẳng ngờ khi quay lại thì nước giếng tự nhiên lại đầy ắp. Người ta chẳng những không cần dùng dây thừng mà còn có thể trực tiếp cho thùng xuống cũng múc được đầy nước.
Tại Bắc Kinh, vào nửa đêm, bóng đèn huỳnh quang trong nhà của nhiều người mặc dù đã tắt đi nhưng lại tự sáng lên một cách kỳ lạ. Tại huyện Thông có người phát hiện một bóng đèn huỳnh quang 20W đã bị tháo hẳn xuống lại lập lòe sáng lên.
Ngày 27/7 tại khu vực khai thác mỏ Tây Lâm, Đường Sơn xuất hiện một đám sương mù bốc lên mùi lưu huỳnh khó ngửi. Đám sương mù này che mất tầm mắt người dân, khiến họ mờ mịt không nhìn thấy đường. Mọi người bị mùi vị khác thường này xộc vào mũi tới mức như bị mê mờ. Họ không còn thấy rõ tình cảnh thật đang xảy ra trong khu vực họ đang sống, càng không thấy rõ thiên nhiên đang chuẩn bị một tai nạn như thế nào.
Đêm 27/7 trước đại hủy diệt
Ông Vương Tài sống ở ngoại ô thành phố Đường Sơn kể lại: Khoảng 12 giờ khuya ông về nhà sau khi xem xong chiếu bóng thì nhìn thấy 4 con vịt mái trước cổng nhà. Chúng không đi vào sân nhỏ hay vào chuồng mà cứ đứng ở ngoài cửa. Khi vừa thấy ông, chúng liền rướn cổ kêu lên và vỗ cánh lạch bạch nhào tới. Ông đi đến đâu chúng đuổi tới chỗ đó, không những vậy còn ra sức dùng miệng kéo ống quần của ông như muốn nói một điều gì đó.
Ông Trương Bảo Quý ở huyện Loan Nam kể: Đêm 27/7 ông nằm mãi không ngủ được, lại nghe thấy tiếng con mèo nhà mình kêu lên thảm thiết. Tưởng nó đói bụng, ông dậy mang thức ăn cho mèo. Nhưng kỳ lạ là con mèo không ăn chút nào mà vẫn cứ tiếp tục kêu gào, chạy tán loạn như sắp bị mang đi giết thịt. Đêm hôm đó mấy trăm cây số chung quanh Đường Sơn, người ta đều nghe thấy rất nhiều tiếng chó sủa thê lương kéo dài.
Theo ông Lưu Văn Sáng huyện Phong Nam, đêm 27/7 ông bị tiếng chó sủa dữ dội tứ phía đánh thức. Lúc ấy con chó dùng sức cào mạnh vào cửa phòng ông. Nghĩ có người định bắt nó, ông Lưu ra mở cửa cho chó vào nhà. Nhưng kỳ lạ là chú chó lại tìm đủ mọi cách vừa sủa, vừa ngậm vào gấu quần như muốn kéo ông ra khỏi phòng.
Anh Trần Phú Cương, huyện Phong Nhuận, đang cho ngựa ăn. Bất ngờ những con la, con ngựa không ngừng hí vang và đá lung tung. Chúng còn nhảy loạn xạ như muốn lồng ra khỏi chuồng, có dùng cách gì cũng không dừng lại. Sau hơn 3 tiếng nhảy loạn xạ, toàn bộ hơn 100 con ngựa của 60 xe ngựa giằng đứt dây cương, kêu lớn quái dị, tranh nhau nhảy ra khỏi chuồng ngựa, tung vó chạy như điên ra đường quốc lộ.
Cùng lúc đó, anh Lý Hội Thành, huyện Xương Lê tận mắt nhìn thấy hơn 200 con chim bồ câu của nhà hàng xóm đột nhiên bay tán loạn lên không trung rồi lượn từng vòng từng vòng. Mặc dù bị va đập vào nhau nhưng chúng vẫn gắng hết sức bay trên trời chứ không chịu đáp xuống tổ.
Rõ ràng, rất nhiều người đều đã nhận được tín hiệu cảnh báo từ thiên nhiên trước khi đại địa chấn Đường Sơn xảy ra nhưng chẳng mấy ai chú ý. Người ta cho rằng thời tiết oi bức khó chịu đến con người còn thấy bức bối nên gà chó, động vật không yên là chuyện thường. Mưa mấy ngày liền cũng có thể khiến nước giếng đột nhiên dâng cao, chẳng có gì là khó hiểu.
Đúng 3 giờ 42 phút ngày 28/7/1976, trận động đất hủy diệt đã bất ngờ nổ ra. Chỉ 10 giây địa chấn đã để lại hậu quả kinh hoàng. Gần 700 nghìn người thương vong, 85% công trình xây dựng bị phá hủy hoàn toàn hoặc không thể sử dụng được tiếp. Thiệt hại kinh tế của trận động đất ước tính lên tới 10 tỷ Nhân dân tệ (khoảng hơn 23 nghìn tỷ đồng theo thời giá hiện tại).
Tượng Phật rơi lệ sau động đất
Lạc Sơn Đại Phật là một bức tượng chạm khắc hình Phật Di Lặc đang ngồi với cặp mắt hơi mở, từ bi nhìn xuống chỗ hợp lưu của ba con sông: Mân Giang, Đại Độ và Thanh Y bên dưới.
Bức tượng bằng đá này cao 71,2 mét, được khắc vào thời nhà Đường, nay nằm ở miền nam tỉnh Tứ Xuyên, cách huyện Lạc Sơn khoảng 3 km về phía Đông. Bức tượng đá đối mặt với núi Nga Mi, dưới chân tượng Phật có dòng sông chảy ngang qua.
Bức tượng này cần tới 90 năm để hoàn thành với hy vọng rằng những con thuyền đi qua nơi đây sẽ được bình yên vô sự, vượt qua được vùng nước dữ. Phải chăng vì được tạo ra với mục đích bảo hộ cho con người nên mỗi khi có tai nạn to lớn xảy ra tượng Phật này đều rơi lệ?
Tháng 7 năm 1976, cặp mắt của tượng Phật một lần nữa nhắm lại lần thứ 3. Điều này xảy ra ngay sau trận động đất ở Đường Sơn. Hai mắt tượng Phật nhắm lại và chảy nước mắt, bức tượng Phật cũng thể hiện một gương mặt giận dữ.
Vì sao sự việc tượng Phật chảy nước mắt lại xảy ra nhiều như vậy? Rốt cuộc, điều đó là muốn cảnh báo hay gửi gắm điều gì đến con người chúng ta?
Cổ nhân nói: “Ông trời có đức hiếu sinh” hay “Trời không tuyệt đường người”. Họ cho rằng khi đại kiếp nạn sắp xảy ra trong tương lai, Trời Đất, Thần linh đều sẽ bằng cách nào đó cảnh báo cho con người tìm nơi bình an.
Tất cả các loại động vật lớn nhỏ, nhất là côn trùng có cánh và loài chim đều rất nhạy cảm, có thể biết trước được thảm họa sắp xảy ra. Người ta nói rằng chúng có “giác quan thứ 6”. Chỉ có con người là vẫn mê mờ, không nhìn ra được cảnh báo của Thần Phật dành cho mình. Chẳng ai ngờ rằng một trận đại hủy diệt sắp ập xuống đầu.
Người ta chính là dùng những quan niệm người thường để giải thích những điều dị thường kia. Tri thức khoa học có thể giúp con người cảm thấy hiểu biết hơn một chút, nhưng đồng thời cũng lại khiến họ trở nên phong bế, không thể nhìn ra chân tướng – sự thật, đôi khi vì thế mà còn trở nên yếu đuối hơn.
Người ta vẫn thường quên rằng, con người cũng là một phần của vũ trụ bao la này, hơn nữa chỉ là một hạt bụi nhỏ bé nhất. Khả năng của người ta vì thế cũng rất hữu hạn. So với nhiều loài động vật, chúng ta dường như lại kém nhạy cảm hơn rất nhiều. Rất nhiều loài vật có “giác quan thứ 6”, đoán trước được tai họa từ nhiều ngày, nhiều tháng trước. Chỉ có con người là cứ mãi mê mờ…
Kiên Định