Các lãnh đạo nhóm G7 ngày 13/6 chỉ trích Bắc Kinh về vấn đề Tân Cương, Hồng Kông và yêu cầu một cuộc điều tra đầy đủ và kỹ lưỡng tại Trung Quốc về nguồn gốc đại dịch Covid-19.
“Chúng tôi kêu gọi tiến hành kịp thời, minh bạch một cuộc điều tra Giai đoạn 2 về Nguồn gốc dịch Covid-19 trên cơ sở khoa học của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), do các chuyên gia dẫn dắt, bao gồm – theo đề xuất trong báo cáo của các chuyên gia – ở cả Trung Quốc,” tuyên bố của các lãnh đạo G7 ngày 13/6 nêu.
Sau khi thảo luận hồi cuối tuần qua để đi đến lập trường nhất quán về Trung Quốc, G7 đã ban hành tuyên bố chung mang tính chỉ trích cao nhằm vào hàng loạt những vấn đề nhạy cảm nhất đối với Bắc Kinh, trong đó có vấn đề Đài Loan.
7 nhà lãnh đạo nhấn mạnh “tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan, và cổ vũ giải pháp hòa bình cho các vấn đề giữa hai bờ eo biển”.
“Chúng tôi cũng quan ngại sâu sắc về tình hình ở biển Hoa Đông và biển Đông, đồng thời phản đối mạnh mẽ bất kỳ ý đồ đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng,” tuyên bố chung có đoạn.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc như một sức mạnh dẫn dắt toàn cầu đang được xem là một trong số sự kiện địa chính trị đáng kể nhất trong thời kỳ gần đây, bên cạnh Liên Xô tan rã và Chiến tranh lạnh kết thúc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden mô tả Bắc Kinh là đối thủ cạnh tranh chiến lược chủ chốt của Mỹ và tuyên bố đối đầu với sự “lạm dụng kinh tế” của Trung Quốc.
“Tôi cho rằng chúng ta đang trong một cuộc đua với Trung Quốc…,” ông Biden nói trong cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh tại Cornwall, Anh.
“Và tôi nghĩ rằng cách chúng ta hành động và liệu chúng ta có tập hợp lại với nhau như một nền dân chủ hay không sẽ quyết định thế hệ con cháu chúng ta có nhìn lại 15 năm kể từ bây giờ và nói, ‘Họ có đứng ra không? Các nền dân chủ có can dự, có mạnh mẽ như đã từng hay không?'”
“Tôi rời cuộc họp với các đồng nhiệm với lòng tin rằng họ cũng bị thuyết phục như thế… Do đó tôi cho là mọi người sẽ thấy rằng chỉ cần ứng phó một cách thẳng thắn với Trung Quốc.”
Tuyên bố của G7 về kêu gọi WHO tiếp tục điều tra nguồn gốc Covid-19 được đưa ra vài tuần sau khi Tổng thống Biden chỉ thị cộng đồng tình báo Mỹ tăng cường nỗ lực điều tra nguồn gốc virus corona mới SARS-Cov-2 và báo cáo trong vòng 90 ngày.
Trước đó, báo cáo tình báo Mỹ phát hiện một số nhà nghiên cứu của Viện Virus học Vũ Hán (WIV) ngã bệnh và nhập viện tháng 11/2019. Tình tiết này làm bùng lên sức ép buộc chính quyền Biden thúc đẩy các cuộc điều tra về virus liên quan đến Bắc Kinh.
“Chúng ta chưa có được quyền tiếp cận các phòng thứ nghiệm để xác định rằng có hay không hậu quả của việc – từ trong chợ mua bán – dơi tiếp xúc với các loại động vật trong môi trường gây ra dịch Covid-19, hay liệu đó có phải là một thử nghiệm xảy ra tồi tệ trong phòng thí nghiệm,” Tổng thống Mỹ nêu.
Trong cuộc họp tại Anh, các lãnh đạo G7 cũng cam kết tăng cường và điều phối năng lực sản xuất vắc xin toàn cầu trên tất cả các lục địa, nâng cao hệ thống cảnh báo sớm và rút ngắn chu kỳ phát triển vắc xin, phương pháp điều trị và xét nghiệm an toàn, hiệu quả từ 300 ngày xuống còn 100 ngày.
Kết thúc hội nghị G7 tại Anh, Tổng thống Biden sẽ tới Brussels để dự hội nghị thượng đỉnh của liên minh NATO, sau đó là hội nghị thượng đỉnh tại Geneva với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 16/6.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị