.Các lực lượng đặc công thường hoạt động sau chiến tuyến của kẻ thù, và Triều Tiên chắc chắn đầu tư xây dựng một đội quân như thế.
Một trong những bộ phận quan trọng nhất trong cỗ máy chiến tranh của Triều Tiên là lực lượng phụ thuộc nhiều nhất vào cái gọi là “kỹ năng sức mạnh người lính”. Triều Tiên được cho là có khả năng tổ chức lực lượng đặc công lớn nhất trên thế giới, với hai trăm nghìn người.
Lực lượng biệt kích của Bình Nhưỡng được huấn luyện để hoạt động trên khắp Bán đảo Triều Tiên và có thể xa hơn nữa, nhằm tạo ra một mối đe dọa phi đối xứng đối với kẻ thù.
Trong nhiều thập kỷ, Triều Tiên đã duy trì một lực lượng vũ trang ấn tượng, từ xe tăng đến bộ binh cơ giới, pháo binh, lực lượng dù và lực lượng đặc công. Các lực lượng thông thường của nước này đã phải đối mặt với sự lỗi thời về trang thiết bị và thiếu hụt nguồn cung sau khi Liên Xô sụp đổ.
Ví dụ, Triều Tiên có rất ít chiến xa phát triển dựa trên dòng xe tăng T-72 của Liên Xô những năm 1970, và hầu hết vẫn là phái sinh của dòng xe tăng T-62 từ những năm 1960.
Phần còn lại của quân đoàn thiết giáp Triều Tiên cũng đang ở trong tình trạng khó khăn tương tự, hoàn toàn thua kém các lực lượng của Mỹ và Hàn Quốc.
Để bù lại, Triều Tiên đã đề cao tầm quan trọng của các lực lượng đặc công. Nước này duy trì 25 lữ đoàn đặc công, được xây dựng để đảm nhận các nhiệm vụ từ tấn công khu phi quân sự (DMZ) tiền tuyến đến các nhiệm vụ nhảy dù và ám sát.
Cục Hướng dẫn Huấn luyện Bộ binh Hạng nhẹ, một bộ phận của Quân đội Nhân dân Triều Tiên, hoạt động tương tự như Bộ Chỉ huy Tác chiến Đặc công của Mỹ, phối hợp các lực lượng đặc công của Lục quân, Lực lượng Không quân Lục quân và Hải quân Nhân dân Triều Tiên.
Trong số hai trăm nghìn đặc công của Triều Tiên, khoảng 150 nghìn thuộc các đơn vị bộ binh hạng nhẹ. Cơ động bằng chân, nhiệm vụ tiền tuyến của họ là xâm nhập hoặc cắt ngang qua các phòng tuyến của đối phương để bao vây hoặc tổ chức các cuộc tấn công từ phía sau vào lực lượng đối phương.
Địa hình đồi núi của Triều Tiên có lợi cho các chiến thuật như vậy, cộng thêm mạng lưới đường hầm mà nước này đã đào xuyên qua DMZ ở một số nơi. Mười một trong số các lữ đoàn đặc công của Triều Tiên là các lữ đoàn bộ binh hạng nhẹ và có các đơn vị bộ binh hạng nhẹ nhỏ hơn nằm trong các sư đoàn tác chiến riêng lẻ.
Ba lữ đoàn khác là đặc công đường không. Các Lữ đoàn Dù 38, 48 và 58 tiến hành các hoạt động chiến lược bao gồm các đợt đổ bộ đường không chiếm giữ các địa hình và cơ sở hạ tầng quan trọng.
Lực lượng đổ bộ đường không Triều Tiên có thể sẽ tấn công vào các sân bay của đối phương, các tòa nhà chính phủ Hàn Quốc, các tuyến đường và đường cao tốc chính. Mỗi lữ đoàn được tổ chức thành sáu tiểu đoàn bộ binh đổ bộ đường không với tổng sức mạnh 3.500 người.
Tuy nhiên, các lữ đoàn đổ bộ đường không này không có khả năng hoạt động ở cấp tiểu đoàn hoặc cao hơn, và do thiếu phương tiện vận tải tầm xa nên không thể hoạt động ngoài Bán đảo Triều Tiên.
Cục Trinh sát của quân đội Triều Tiên duy trì bốn tiểu đoàn trinh sát riêng biệt. Được đào tạo và tổ chức cao, các tiểu đoàn năm trăm người này được huấn luyện để dẫn đầu một quân đoàn đi qua DMZ nguy hiểm. NI dẫn theo các nguồn tin nói, một tiểu đoàn thứ năm được tổ chức cho các hoạt động ở nước ngoài.
Các lực lượng đặc công thường hoạt động sau chiến tuyến của kẻ thù, và Triều Tiên sử dụng một số phương tiện, mặc dù thường lỗi thời, để đưa họ đến đó.
Đối với lực lượng mặt đất, một phương tiện rõ ràng để thâm nhập vào Hàn Quốc là thông qua DMZ dài 160 dặm và rộng 2,5 dặm.
Các đường hầm xuyên biên giới chưa lộ diện là một phương tiện khác. Về đường biển, Bình Nhưỡng có khả năng vận chuyển khoảng 5.000 quân /lượt, sử dụng mọi thứ, từ tàu thương mại đến tàu đổ bộ lớp Nampo, 130 thủy phi cơ lớp Kongbang, tàu ngầm ven biển Sang-O và tàu ngầm hạng trung Yeono.
Về đường hàng không, Triều Tiên có một đội bay gồm 200 vận tải cơ cánh quạt An-2 Colt. Có khả năng bay thấp và bay chậm để tránh radar, mỗi chiếc An-2 có thể chở tới 12 lính biệt kích, hạ cánh trên bề mặt không được che chắn hoặc thả dù xuống mục tiêu.
Triều Tiên còn cũng có một phi đội khoảng 250 máy bay trực thăng vận tải, hầu hết có nguồn gốc Liên Xô, một số máy bay trực thăng dòng Hughes 500MD của Mỹ không rõ mua từ đâu.
Theo Tiền Phong