Từ khoảng cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, liên tục có những nhân chứng trong và ngoài nước công khai tuyên bố đã nhìn thấy ‘rồng biển’ ngoài khơi Vịnh Hạ Long. Báo chí truyền thông cũng đưa tin về các trường hợp này.
Theo tài liệu của Hải quân Pháp ghi chép thời chiến tranh ở Việt Nam, vào tháng 7/1897, đại uý Lagresille, chỉ huy pháo thuyền Avalanche cùng các thủy thủ khi ở địa phận Vịnh Hạ Long đã vô tình bắt gặp 2 con vật có hình thù to lớn kỳ lạ. Thân hình chúng trông như rắn, di chuyển uốn lượn dưới mặt nước, dài khoảng 20m, thân to đến 2-3m. Vì sợ hãi nên các thủy thủ trên tàu đã bắn đại bác về chúng khiến chúng lặn sâu xuống biển.
Sau đó vào ngày 15/2/1898, cũng trên con tàu này đại úy Lagresille và thủy thủ đoàn lại bắt gặp 2 con thủy quái trên. Lần này đoàn thủy thủ không hoảng sợ như lần trước mà thay vào đó là tò mò. Đại úy ra lệnh cho tàu đuổi theo tiếp cận 2 con thủy quái, thấy động chúng liền bơi đi, tàu liên tục đuổi theo suốt 35 giờ.
Trong lúc rượt đuổi, các thủy thủ muốn dồn chúng vào vùng nước nông để dễ bắt, nhưng chúng dường như biết ý nên liền quay ra hướng biển sâu. Lúc tiếp cận gần thủy quái, đại úy Lagresille mới nhìn thấy rõ, ông mô tả đầu chúng giống đầu hải cẩu nhưng to gấp đôi.
Một trường hợp khác là vào buổi sáng ngày 12/2/1904, đại uý hải quân Pháp Peron, chỉ huy tàu Chateurenault đang tuần tra khu vực hòn Con Cóc, Vịnh Hạ Long, thì bắt gặp một sinh vật lạ nổi trên mặt biển, nhìn từ xa trông giống một mỏm đá, khi tiến lại gần thì nó bơi ra xa. Thuyền trưởng cho thuyền đuổi theo, lúc đến Cát Bà cũng là thời điểm tiếp cận gần còn thủy quái nhất, thì thấy nó như con cá chình khổng lồ, da màu xanh rêu, có đốm vàng nhạt, sau một đoạn thời gian thì lặn sâu xuống biển.
Những câu chuyện trên vào thời đó đã được đăng trên một tờ báo tiếng Pháp có tên ‘Haiphong Nouvelles’ với tựa đề “Dragon apparaît sur la baie d’Halong” (Rồng xuất hiện trên vịnh Hạ Long).
Tờ tạp chí của Anh là Fortean Times cũng từng đưa tin các nhà hải dương học cho rằng nhiều nơi ngoài khơi Vịnh Hạ Long đã nhiều lần xuất hiện loài rắn biển khổng lồ.
Tháng 3/2010, tạp chí Fortean Times đưa tin một người ngoại quốc có biệt danh Steve0606 khi du dịch ở vùng biển Vịnh Hạ Long, trong lúc anh ngồi trên mui tàu ngắm cảnh thì đột nhiên trông thấy một con vật kỳ lạ nhô lên khỏi mặt nước, cách thuyền 3m.
Con thủy quái này có bề rộng lưng khoảng 1,5 – 3m, thân không có vảy, màu xanh nâu, đuôi hình tròn dài khoảng 2 – 2,4m. Con vật bơi ở độ sâu chưa đến 1m, anh nhận thấy nó có chiều dài từ 5 – 6m nhưng không nhìn rõ đầu, lối bơi của nó có phần tương tự loài cá nược. Sau khi kể lại cảnh tượng nhìn thấy cho thủy thủ đoàn, anh được biết đó là một loại thủy quái mà người dân ở đây hay gọi là “rồng biển.”
Không chỉ người nước ngoài nhìn thấy, những người dân bản địa đánh bắt cá ở khu vực này cũng từng bắt gặp thủy quái.
Ông Nguyễn Đình Hùy làm nghề đánh bắt cá kể rằng khoảng đầu thập kỷ 80, một đêm ông cùng một số ngư dân trong Hợp tác xã Phù Long đi đánh bắt cá ở khu biển Rãng Le. Khi đến đảo Đại Thành, có người trên tàu phát hiện một khối đen từ biển nổi lên chỉ cách tàu vài chục mét. Thủy thủ bẻ lái để tránh đâm vào vật lạ thì thấy nó chuyển động rồi bơi song song theo tàu, nhìn kỹ thì thấy sinh vật lạ này vô cùng to lớn, có đầu như cá heo, thân màu vàng nhạt, mắt to như 2 cái bát.
Không chỉ Vịnh Hạ Long, vùng nước Sông Hồng cũng là địa điểm mà thủy quái hay xuất hiện.
Theo VTC News, ông Phạm Văn Đông, người dân sống ở ven Sông Hồng từng kể: vào những năm 1960-1970, khi ông còn trẻ thường nghe các cụ trong làng kể về rất nhiều chuyện liên quan đến thuồng luồng khổng lồ dưới sông. Thời đó những câu chuyện này ai ai cũng biết. Ông nói các cụ mô tả con thuồng luồng có thân dài 30m, to như cây cột đình, đầu màu đen giống rắn. Vì loài vật này thường xuyên xuất hiện nên không ai dám lội xuống sông.
Nói về vấn đề thủy quái, Cố GS. Võ Quý – nhà bảo tồn thiên nhiên hàng đầu Việt Nam từng nhận định: “Từ trước, khoa học đã phát hiện được nhiều điều kỳ bí của thiên nhiên mà ban đầu cũng chỉ dựa vào những thông tin ở dạng đồn thổi. Về giả thuyết loài rắn biển trên là biến thể của loài ngư long tồn tại từ thời tiền sử cũng có phần nào cơ sở.
Có thể có những loài động vật mà tổ tiên chúng đã bị tuyệt chủng cách đây hàng chục triệu năm, giờ cũng còn đang tồn tại ở đâu đó trong thiên nhiên mà khoa học chưa phát hiện được, đặc biệt là dưới đại dương. Khoa học càng phát triển bao nhiêu thì sự phát hiện càng bất ngờ bấy nhiêu.”
Tử Vi (t/h)