Thời xa xưa, việc gia đình người Do Thái có một cô con gái lấy chồng không phải người Do Thái bị coi là “nỗi nhục” của cả gia đình và dòng họ, và người bố “từ con” bằng cách đào một nấm mộ giả coi như đứa con mình dứt ruột đẻ ra đã chết.
Đạo Do Thái và việc duy trì nòi giống
Việc thực hiện nghiêm ngặt các phong tục tập quán của Do Thái giáo giúp người Do Thái sàng lọc gen “xấu”, lấy và nhân giống gen “tốt”. Thực ra, không chỉ người Do Thái làm vậy, mà các dân tộc khác như người Hoa và Việt Nam cũng có những vần thơ để chọn người xứng đôi, vừa lứa như “Trai anh hùng, gái thuyền quyên”, “Nữ tuệ tam tài nguyên thị đối” (Gái giỏi trai tài nom thật đối), v.v…. Chắc chắn đây không chỉ là chuyện “tâm đầu, ý hợp” của trai gái, mà còn liên quan đến việc duy trì nòi giống sau này.
Nếu như người Đông Á chỉ dừng lại ở mức “khuyên răn” thì người Do Thái đã “luật hóa” và “hệ thống hóa” được việc chọn lọc có chủ đích thay cho việc chọn lọc tự nhiên, vô thức để “hoàn thiện” và “phát triển” gen của mình:
Một là, trong Đạo Do thái, Giáo sĩ (các Rabbis) là những người được chọn từ những người thông minh nhất. Các Rabbis là người diễn giải Kinh thánh có uy tín và trọng lượng nhất, duy trì các giá trị “chính thống” và được xã hội hết sức trọng vọng. Tuy là thầy tu, nhưng các Rabbis vẫn có con như những người bình thường, và thậm chí có rất nhiều con. Do có uy tín cao trong xã hội, nên họ dễ dàng chọn hôn thê và hôn thê được họ ưu tiên chọn thường là con cái của các học giả (scholars), rồi sau đó mới đến con các nhà buôn.
Hai là, không chỉ các Rabbis chọn như vậy, kinh thánh Do Thái thậm chí còn khuyên mọi người là nếu có tiền của thì hãy tìm cách cho con cái của mình lấy con gái của các học giả. Kinh thánh khuyến khích người Do Thái sinh nhiều con, cho rằng sinh 13 con thì sẽ có nhiều may mắn. Nhưng trên thực tế lại có các “phanh hãm” đối với người nghèo, người ít học là sinh ra con cái nhưng phải đảm bảo các điều kiện kinh tế và tài chính.
Chính điều này làm cho người nghèo, người ở tầng lớp thấp không “sinh tràn lan”, mà sinh có trách nhiệm và số người này chiếm tỷ lệ ngày một ít đi trong so sánh tương đối với những người có “gen” tốt, hoặc có điều kiện vật chất tốt hơn. Trải qua hàng ngàn năm chọn lọc có điều kiện như vậy nên việc có được nhiều gen tốt trong người Do Thái là điều dễ hiểu.
Ba là, trong quan niệm Do Thái chính thống, và ngay tại các khu vực người Do thái chính thống sinh sống hiện nay tại Israel, phụ nữ, con gái không bao giờ được “bén mảng” đến Nhà thờ. Trái lại, đàn ông dù bận công việc đến mấy cũng tìm cách đến nhà thờ vào lúc 6h chiều hàng ngày để làm lễ trước khi về nhà.
Tuy nhiên, phụ nữ Do Thái lại được xem là có “quyền năng” tuyệt đối trong việc duy trì nòi giống. Con của một phụ nữ Do Thái đương nhiên được coi là người Do Thái, còn con của người đàn ông Do Thái với một phụ nữ không phải Do Thái thì chỉ được coi là người Israel (nếu như sống ở Isael), chứ không được coi là người Do Thái. Thời xa xưa, việc gia đình người Do Thái có một cô con gái lấy chồng không phải người Do Thái bị coi là “nỗi nhục” của cả gia đình và dòng họ, và người bố “từ con” bằng cách đào một nấm mộ giả coi như đứa con mình dứt ruột đẻ ra đã chết.
Nhiều nhà thần học mà tôi có điều kiện tiếp xúc cho rằng Đạo Do Thái hiện là một trong số ít tôn giáo “giữ” được “kỷ cương” khá tốt. Tuy nhiên vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh câu chuyện này và cần nghiên cứu sâu hơn mới có câu trả lời thỏa đáng. Quả thực, bất kỳ tôn giáo lớn hoặc quan trọng nào đều đứng trước 3 thách thức lớn trong quá trình phát triển, đó là:
Duy trì được sự thống nhất, giữa các dòng, nhánh, xu hướng khác nhau trong cùng một tôn giáo, duy trì một đức tin chung trong thể thống nhất. Ví dụ, sự phân liệt rõ nhất thể hiện ở Đạo Hồi hiện nay với các dòng Shia, Suni, rồi nhánh Wahabis thuộc Suni, nhánh Alewite, Druze thuộc dòng Shia…, mà dòng, nhánh nào cũng cho mình mới là “chính thống”, còn những dòng, nhánh khác là “ngoại đạo”, cần bị loại bỏ để làm “trong sạch” Đạo Hồi;
“Đồng hành” cùng xã hội hiện đại, nhưng vẫn duy trì các giá trị, các nguyên tắc “cốt lõi” (tức tính chất “chính thống”, mặc dù việc diễn giải và tự nhận các tính chất này còn nhiều điều phải bàn);
Tránh việc tạo ra một tầng lớp “tăng lữ” mới, với các đặc quyền, đặc lợi, hủy hoại chính tôn giáo của mình.
Do Thái giáo cũng không phải là ngoại lệ, nhưng ít gặp các “vấn nạn” ở trên hơn, do:
Ngay khi ra đời, Do Thái giáo đã không có “vấn nạn”, đưa đến sự kình chống nhau sâu sắc giữa các dòng tu. Đạo Hồi chẳng hạn, ngay sau khi Nhà tiên tri Mohamed qua đời, sự giằng xé giữa những người cho rằng cần phải chọn người thừa kế hoặc có dòng màu trực hệ để “hướng đạo” hạy chọn những người có khả năng nhất trong việc kế thừa và phát triển di sản của Mohamed đã đưa đến việc phân chia Hồi giáo thành 2 nhánh lớn là Shia và Suni. Do Thái giáo cũng có những dòng hết sức cực đoan, thậm chí không công nhận Nhà nước Israel, nhưng họ vẫn hợp tác, và không đi đến chỗ đối đầu nhau bằng bạo lực. Những người có tác dụng giữ sự hòa hợp và thống nhất Đạo Do Thái là các giáo sĩ và Hội đồng giáo sĩ.
Trong hệ thống luật dân sự của Israel, còn có luật Do Thái Halakha tương tự như luật Sharia của Hồi giáo mà một số nước như Arab Saudi, Brunei… áp dụng. Halakha bao gồm 613 điều răn (commandments) với hệ thống tòa án riêng, và các “bản án” tôn giáo đối với người có đạo thậm chí còn đáng sợ và nghiêm khắc hơn các bản án dân sự.
Luật Halakha tồn tại trong mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, can thiệp sâu và điều chỉnh rất nhiều quy tắc, tập tục của đời sống xã hội. Nếu không tuân theo Halakha, các Rabbis có quyền rút “Phép thông công” (excommunicate) – tương đương với một bản án tử hình – và điều này cũng đồng nghĩa với việc khi qua đời, linh hồn người chịu hình phạt đó không được bay lên Thiên đàng.
Người theo Đạo chính thống Orthodox tin và tự chọn cho mình lối sống theo các giá trị truyền thống và nguyên tắc nguyên thủy. Tuy nhiên, họ không tìm cách áp đặt lối sống của mình hay kỳ thị những người thế tục. Bản thân các Giáo sĩ (Rabbis) và những người Orthodox không được hưởng đặc quyền, đặc lợi, họ thỏa mãn với cuộc sống thanh bạch của mình. Trong đạo Hồi chẳng hạn, những người Wahabbis cũng có cuộc sống thanh bạch, khắc khổ, nhưng điều nguy hại là họ lại tìm cách áp đặt lối sống của mình lên những dòng, nhánh khác.
Khác với các Đạo giáo khác là tìm mọi cách truyền đạo để mở rộng thành viên, càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, để trở thành một người Do Thái rất khó, phải có căn cứ, bằng chứng xác nhận tới ít nhất 4 đời trước đó và quy theo mẫu hệ. Họ cho rằng, đã là “thiên sứ nhà trời”, “được chúa chọn” thì chỉ có ít người được hưởng vinh dự, chứ đâu có thể kết nạp tràn lan, cứ vào đến synagogue (nhà thờ Do Thái) là trở thành Do Thái ngay được.
Trong những điều kiện khắc nghiệt thời kỳ Đế quốc La mã là bá chủ khu vực Trung Đông, để tránh bị truy đuổi và tận diệt, người Do Thái buộc phải cải đạo sang đạo Thiên chúa. Tuy nhiên họ lại cải đạo trở lại thành người Do Thái khi điều kiện cho phép. Bản thân Hitler là người rất căm thù dân Do Thái, một cộng đồng đoàn kết nhưng sống tách biệt với người bản xứ. Trong con mắt Hitler, đã sinh ra là một người Do Thái thì sẽ luôn luôn là một người Do Thái, cải đạo chẳng giúp ích gì, và quyết truy sát 1 người nếu tìm được bằng chứng trước đó 4 đời họ là người Do Thái.
Tản mạn thay lời kết: Chuyện ăn uống và tố chất của người Do Thái
Đồ ăn Kosher (Kosher food) là đồ ăn được chế biến và ăn theo kiểu Do Thái. Đối với người Do Thái Chính thống, việc sử dụng Kosher là điều gần như bắt buộc, còn đối với người thế tục thì tùy lựa chọn. Các canteen phục vụ tai các cơ quan chính phủ Israel như Bộ Ngoại giao hay Bộ Quốc phòng nghiễm nhiên là các nhà hàng phục đồ ăn Kosher. Đồ ăn Kosher hiện ngày càng trở nên phổ biến tại Israel và trên khắp thế giới và không chỉ người Do thái chính thống mới dùng. Hiện nay, có 100.000 loại thực phẩm Kosher khác nhau được bán trên phạm vi toàn thế giới.
Vậy Kosher là gì và ăn như thế nào? Trong Halakha quy định rất rõ, chi tiết và khá phức tạp, nhưng chung quy lại có một số điểm chính:
Về các thức ăn Kosher:
Một số con vật ăn được: chỉ ăn những con vật có móng chẻ, ăn cỏ và nhai thức ăn lại như bò, dê, cừu. Các con vật không ăn được là lợn, ngựa, và lạc đà. Lợn tuy có móng chẻ nhưng không nhai lại, còn ngựa, lạc đà tuy ăn cỏ nhưng không có móng chẻ.
Ăn các loài có cánh như gà, vịt, ngỗng, bồ câu… Không ăn các loài chim ăn thịt như diều hâu, chim ưng, đại bàng.
Ăn các loài cá có vây và vẩy như các hồi, cá ngừ, cá trích… Không ăn các con cá không vảy như lươn, các trê, cá tầm, tôm, tép, nghêu sò, ốc hến, các loài bò sát, côn trùng.
Các thức ăn trung tính như trái cây, nước trái cây, ngũ cốc, trứng gà vịt, mật ong, rượu vang, chè, café.
Về cách ăn đồ Kosher:
Chỉ uống sữa và các vật phẩm chế biến từ sữa của các con vật Kosher như bò, dê, cừu. Chỉ được dùng sữa và các vật phẩm chế từ sữa 6 tiếng sau khi dùng thịt, hoặc 30 phút trước khi ăn thịt chứ không được ăn, uống đồng thời. Đồ chế biến sữa và thịt, kể cả chậu rửa bát nhất thiết phải dùng riêng.
Lúa mì, gạo, và một số loại rau, củ nhất định thì ăn được. Không ăn, uống nước trái cây hoặc đồ chế biến từ các loại loại quả như cam, quýt, bưởi… dưới 3 tuổi.
Không ăn nội tạng động vật hay gia cầm; không ăn phần phía sau của con thú và không ăn thịt, cá đồng thời.
Khi ăn thịt phải lấy hết sạch máu và người chế biến phải học cách giết con vật sao cho con vật chết nhanh nhất, không đau đớn, nhưng lại ra được hết tiết. Thậm chỉ còn phải rửa sạch và ngâm miếng thịt trong nước 30 phút trước khi chế biến để ra hết máu.
Các nhà hàng Kosher nhất thiết phải do đầu bếp Do thái chính thống trực tiếp nấu nướng và bị phạt rất nặng, kể cả tước giấy phép kinh doanh, hành nghề nếu vi phạm.
Có lẽ trên thế giới không có dân tộc nào có kiểu ăn “kiêng, khem” phức tạp và rườm rà như người Do Thái chính thống. Các nhà hàng phục vụ đồ ăn Kosher thường đắt hơn từ 20-30% so với nhà hàng thông thường, vậy mà lúc nào cũng đông khách ăn.
Theo tôi, đây không chỉ là đồ ăn kiêng của người Do Thái, mà THỰC CHẤT KOSHER LÀ ĐỒ ĂN, CÁCH ĂN THÔNG MINH, KHOA HỌC, THẬM CHÍ LÀ LÝ TƯỞNG không chỉ của người Do Thái, mà của con người nói chung. Nếu chỉ khuyên nhủ thông thường sẽ ít người theo, nhưng khi khoa học được “phủ” một lớp màu tôn giáo thì Kosher đã trở nên thành món ăn kỳ ảo, mê hoặc và quyến rũ.
Tạm cắt nghĩa một số thứ:
Theo người Do Thái, con vật cũng như con người đều có linh hồn. Nếu làm cho con vật chết đau đớn thì nó sẽ oán trách và cả người thịt lẫn người ăn nó đều bị “quở phạt”. Do đó, giết nhanh để con vật mau chóng được hóa kiếp lên thiên đàng.
Khi con vật cắt được tiết nghĩa là con vật còn tươi, chứ không phải ăn đồ ôi. Thú tính và sự ngu muội của con vật nằm ở “dòng máu”, và ăn thú vật hay gia cầm có tiết sẽ làm con người lâu dần nhiễm “thú tính” và đầu óc trở nên trì độn, còn nòi giống đi đến chỗ thoái hóa.
Thịt ăn cùng với cá không còn tác dụng bổ dưỡng nữa, mà triệt tiêu lẫn nhau. Còn trái cây trong 3 năm đầu thường chứa nhiều chất, độc tố có hại cho cơ thể.
Uống sữa sau khi ăn thịt không tốt cho sức khỏe vì bản thân thịt nhiều chất đạm, lâu tiêu lại có thêm chất bổ dưỡng khác nữa làm cho cơ thể không thể hấp thụ nổi và dễ sinh bệnh.
Trong điều kiện thiên nhiên hết sức khắc nghiệt của vùng Bắc Phi – Trung Đông, việc ăn uống tốt giúp người Do Thái chống chọi tốt hơn với khí hậu khắc nghiệt, làm cho không chỉ thể trạng khỏe khoắn mà trí tuệ của họ cũng hơn người. Các cụ nhà ta chả nói bệnh vào từ mồm đó sao?
Như vậy, trải qua cả ngàn năm, với cuốn Kinh Thánh Hebrew, người Do Thái không chỉ thành công trong việc bảo tồn, mà còn phát triển bản sắc, văn hóa, tôn giáo của mình. Không những vậy, thông qua ăn uống, cuộc sống tinh thần lành mạnh, làm cho “gen Do Thái” vốn đã ưu việt, ngày một trở nên ưu việt hơn. Khác với các tôn giáo khác, người Do Thái không tìm cách phát triển tôn giáo của mình qua con đường truyền đạo như Đạo Hồi, Đạo Thiên chúa, hay Đạo Phật, mà tìm cách giữ sao cho Do Thái giáo càng “thuần khiết” càng tốt. Phải chăng những người được Chúa “chọn mặt gửi vàng” đâu có thể phát triển tràn lan được!
Có lẽ chính vì vậy mà cách đây từ trên 3.000 năm Nhà tiên tri Moses của người Do Thái đã lường trước điều này khi ông, ngay từ khi đó, đã hình dung ra rằng nếu người Do Thái làm theo các lời răn dạy của ông thì họ sẽ trở thành đối tượng bị săn đuổi và tận diệt của nhiều sắc dân khác và vì vậy đã chuẩn bị cho họ hành trang đầy đủ trong cả ngàn năm thiên di trước khi “trở về Jerusalem”. Điều ngạc nhiên là người Do Thái không than thân, trách phận mà họ coi đó là “sự thử thách” của Chúa trời đối với dân tộc Do Thái!
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị