Vận may của Trung Quốc có tới hay không khi nước này quay sang hợp tác với đối tác chiến lược là Nga, vốn đang giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Bắc Cực – một vị trí luân phiên trong vòng 2 năm?
Bất chấp sự nhiệt tình, những nỗ lực của Trung Quốc nhằm trở thành một tiếng nói quan trọng trong các vấn đề ở Bắc Cực đã vấp phải sự hoài nghi, thậm chí là sự cảnh báo từ các nước Bắc Cực và hầu như rất ít sáng kiến của Bắc Kinh thu về thành quả.
Với Trung Quốc, là một quan sát viên trong tổ chức này từ năm 2013, vị trí mới của Nga bắt đầu vào 20/5/2021 sẽ đem đến cho nước này cả những cơ hội và rủi ro.
Trung Quốc “mượn tay” Nga thực hiện tham vọng?
Trong khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gọi Trung Quốc là đối tác ưu tiên của Nga ở Bắc Cực thì ông cũng nhanh chóng khẳng định rằng ý ông là khu vực Bắc Cực của Nga, chứ không phải Hội đồng Bắc Cực, nơi Nga tập trung vào việc hợp tác với các nước Bắc Cực khác. Trung Quốc cũng nhận được đánh giá cao từ Đại sứ Nga tại Hội đồng Bắc Cực Nikolay Korchunov khi đã “kiềm chế” hơn so với phương Tây, các quốc gia mà ông Korchunov cáo buộc đang quân sự hóa Bắc Cực. Tuy nhiên, hiện vẫn cần xem xét liệu vị trí chủ tịch của Nga ở Hội đồng Bắc Cực có khiến Trung Quốc tham gia sâu hơn vào khu vực này, cũng như có đưa tới sự hợp tác kinh tế và phát triển lớn hơn giữa Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực hay không.
Quan hệ Nga – Trung trở nên sâu sắc kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và ngày càng có xu hướng được tăng cường sau khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp lệnh trừng phạt lên Nga vì đã sáp nhập Crimea năm 2014. Với Trung Quốc, những lựa chọn hạn chế của Nga với việc đầu tư và phát triển các dự án khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Bắc Cực là một cơ hội cho nước này khi các công ty của Trung Quốc có thể mua thêm cổ phần trong 2 dự án khí tự nhiên hóa lỏng Yamal và hợp tác với Nga trong những vấn đề liên quan.
Năm 2013, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc giữ 20% cổ phần trong dự án LNG đầu tiên của Yamal – một trong những dự án đầu tư lớn đầu tiên về năng lượng của Trung Quốc vào Nga. Quỹ Con đường Tơ lụa của Trung Quốc sau đó đã mua thêm 9,9% cổ phần năm 2016 và cung cấp thêm khoản nợ 813 triệu USD. Ngân hàng Xuất – Nhập khẩu Trung Quốc và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã cho Nga vay thêm 11 tỷ USD nữa. CNPC và Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) mỗi bên mua thêm 10% cổ phần của dự án khí tự nhiên hóa lỏng Yamal Arctic LNG 2 vào tháng 4/2019. Do các lệnh trừng phạt mà các công ty phương Tây khó có thể tiếp cận dự án nên một số công ty Trung Quốc trở thành những nhà thầu phụ cung cấp thiết bị cho Arctic LNG2.
Trong sách Trắng ngày 26/1/2018, Trung Quốc xác định chính sách Bắc Cực của nước này là một nỗ lực nhằm “hiểu, bảo vệ, phát triển và tham gia quản trị Bắc Cực, cũng như bảo vệ lợi ích chung của tất cả các quốc gia và cộng đồng quốc tế ở Bắc Cực, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững tại khu vực này”.
Trong khi nhiều nước giải thích cho sự tham gia của mình ở Bắc Cực là do lợi ích về những cơ hội vận chuyển cũng như tài nguyên trong khu vực thì Trung Quốc tự tuyên bố nước này là “quốc gia gần Bắc Cực” do tác động môi trường của sự thay đổi khí hậu ở Bắc Cực, mối liên hệ giữa Trung Quốc với động, thực vật ở Bắc Cực, lịch sử các hoạt động khoa học và kinh tế tại khu vực từ năm 1925 và những khoản đầu tư hiện nay.
Nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ đã bác bỏ việc Trung Quốc tự nhận là quốc gia “gần Bắc Cực”. Bất ngờ hơn, trong một tuyên bố, Đại sứ Nikolay Korchunov cũng cho rằng: “Không thể không tán thành với tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra hồi tháng 5/2019 rằng có 2 nhóm nước: ở Bắc Cực và không phải ở Bắc Cực. Vì thế việc Trung Quốc tự nhận là quốc gia gần Bắc Cực là điều mà chúng tôi không tán thành”.
Không giống như hầu hết các khu vực khác, Bắc Cực là “câu lạc bộ” của những quốc gia thuộc khu vực này và Trung Quốc phải dựa vào các đối tác khác để thúc đẩy các lợi ích của mình, đặc biệt là Nga. Sự tham gia của Trung Quốc vào các dự án khí tự nhiên hóa lỏng của Yamal đã cho thấy Bắc Kinh coi sự hiện diện kinh tế tại Bắc Cực giữ vai trò quan trọng như thế nào.
Quan hệ phức tạp giữa Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực
Trong những năm gần đây, Nga và Trung Quốc đã mở rộng sự hợp tác ở Bắc Cực. Hai nước thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại cấp ngoại trưởng (Đối thoại Nga – Trung về các vấn đề Bắc Cực từ năm 2015) và cấp chuyên gia (Diễn đàn Bắc Cực Trung – Nga, được Đại học St. Petersburg của Nga và Đại học Hải dương của Trung Quốc đồng tổ chức từ năm 2012). Năm 2015, Bộ phát triển vùng Viễn Đông Nga và Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia của Trung Quốc (NDRC) đã ký một thỏa thuận hợp tác về Tuyến Biển Bắc (NSR) và tới năm 2017, hai bên đã nhất trí sẽ hợp tác với nhau để phát triển “Con đường Tơ lụa trên băng”.
Năm 2019, Nga và Trung Quốc nhất trí thành lập trung tâm nghiên cứu Bắc Cực Nga – Trung, bổ sung thêm một lĩnh vực khác trong sự hợp tác hai bên ở Bắc Cực mà Nga vốn đã duy trì với nhiều quốc gia khác, trong đó có Mỹ.
Mặc dù có những hoạt động chung và hợp tác với nhau trên một vài khía cạnh nhưng giữa 2 đối tác chiến lược này vẫn tồn tại những khác biệt khó có thể xóa nhòa. Nga ban đầu đã phản đối tình trạng quan sát viên của Trung Quốc và một số quốc gia khác trong Hội đồng Bắc Cực cho tới khi họ đồng ý tôn trọng chủ quyền của các quốc gia Bắc Cực. Trên thực tế, chủ quyền vẫn là một điểm nghẽn giữa các bên. Nga đã nhấn mạnh chủ quyền ở Bắc Cực theo Điều 234 Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (kiểm soát các vùng biển bị băng bao phủ) nhằm đưa ra các quy định về hoạt động đi lại dọc Tuyến Biển Bắc nhưng những vị trí trên có thể hạn chế các hoạt động của Trung Quốc ở Bắc Cực.
Trong khi Nga và Trung Quốc hợp tác trong việc đi lại dọc Tuyến Biển Bắc (các tàu Trung Quốc, giống như các tàu khác phải trả phí và cần tàu phá băng Nga đi cùng), một số chuyên gia Nga cho rằng chính phủ nước này sẽ không chấp nhận cái gọi là “Con đường Tơ lụa vùng Cực”, vốn sẽ gộp Tuyến Biển Bắc vào một sáng kiến của Trung Quốc (Sáng kiến Vành đai, Con đường-ND), mặc dù Nga vẫn chưa công khai chỉ trích việc này.
Về dài hạn, bất kỳ sự cải thiện nào trong quan hệ giữa Nga với phương Tây đều khiến Trung Quốc gặp bất lợi bởi các chuyên gia Trung Quốc hiểu rõ công nghệ và sự hợp tác của nước này không phải lựa chọn đầu tiên của Nga ở Bắc Cực. Trung Quốc theo dõi rất sát sao bất kỳ tiến triển nào trong quan hệ Nga – Mỹ trong cuộc họp giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ở Reykjavík, Iceland bên lề cuộc họp của Hội đồng Bắc Cực. Tổng thống Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau đó đã có cuộc gặp trực tuyến nhằm đánh dấu việc hoàn thành 4 nhà máy hạt nhân do Nga xây dựng ở Trung Quốc. Sau cuộc gặp với ông Blinken mà Ngoại trưởng Nga miêu tả là “mang tính xây dựng”, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì đã tới Moscow để tiến hành một cuộc trao đổi chiến lược mà trong đó có thể bao gồm cả các vấn đề Bắc Cực .
Thậm chí nếu nhiều thách thức trong quan hệ Nga – Mỹ cản trở sự hợp tác hai bên ở Bắc Cực thì Nga vẫn có những đối tác khác ngoài Trung Quốc. Ông Korchunov, đặc phái viên Nga về vấn đề Bắc cực nhấn mạnh, Nga hy vọng sẽ hợp tác với tất cả các nước quan sát viên, trong đó có cả Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Chuyên gia về Bắc Cực tại St. Petersburg Alexander Sergunin nhận định tại một cuộc hội thảo của Quỹ Gorshakov hôm 1/6 rằng nhiều dự án giữa Nga và Trung Quốc vẫn chưa được thực hiện. Đề xuất của Tập đoàn Poly Trung Quốc đầu tư 5,5 tỷ USD nhằm phát triển dự án cảng Arkhangelsk vẫn chưa diễn ra, trong khi các dự án với Nhật Bản và Hàn Quốc đều được thúc đẩy bất chấp các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Tuy nhiên, mặc dù sẽ có một số cơ hội đối thoại mới giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Putin nhưng danh sách những vấn đề bất đồng giữa Nga và phương Tây vẫn còn rất dài. Điều này cũng có thể tác động đến quan hệ Nga – Trung và khiến Nga ủng hộ các tham vọng của Trung Quốc trong khu vực. Trong khi chưa có dấu hiệu nào cho thấy sự hợp tác quân sự Nga – Trung ở Bắc Cực thì các nhà phân tích đã chỉ ra khả năng hai bên sử dụng các thiết bị quân sự cho nghiên cứu khoa học.
Dù vậy, Trung Quốc đã chọn hợp tác với Phần Lan, chứ không phải với Nga về việc phát triển tàu phá băng nội địa đầu tiên là Xue Long 2. Trung Quốc cũng chưa đầu tư vào bất kỳ cảng nào của Nga ở Bắc Cực hay tiến hành tập trận chung với Nga ở vùng biển này.
Việc Nga đối phó với những tham vọng của Trung Quốc ở Bắc Cực sẽ tiết lộ về quy mô sự hợp tác Nga – Trung và những ưu tiên của Nga ở Bắc Cực. Cho tới nay, Nga đang nỗ lực đa dạng hóa các đối tác ở Bắc Cực và sử dụng vị trí chủ tịch Hội đồng Bắc Cực để thúc đẩy các lợi ích quốc gia – một chiến lược có thể sẽ tạo ra những rạn nứt với Trung Quốc khi Bắc Kinh nỗ lực cho một chính sách khu vực mở rộng./.
Theo VOV