Cuối tháng trước, 4 tàu tuần duyên Trung Quốc đã áp sát 3 tàu đánh cá Nhật Bản, khiến các tàu tuần tra của lực lượng tuần duyên Nhật phải xuất hiện bảo đảm an toàn cho các tàu cá.
Kỷ lục mới của cảnh sát biển Trung Quốc
Lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc đã liên tục xâm nhập vào vùng biển quanh quần đảo tranh chấp Senkaku (Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư, cách Đài Loan khoảng 170 km về phía đông bắc) do Nhật Bản kiểm soát từ 1895, ở Biển Hoa Đông, đánh dấu kỷ lục về số ngày liên tiếp: 112 ngày.
Các tàu Trung Quốc đã đi qua khu vực tiếp giáp quanh quần đảo này vào thứ Sáu, đánh dấu ngày thứ 112 liên tiếp, theo Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản, vượt qua kỷ lục 111 ngày liên tiếp trước đó từ tháng 4 đến tháng 8 năm 2020.
Trung Quốc cũng xâm phạm lãnh hải Nhật Bản 4 ngày trong tháng 4 và 5 ngày trong tháng 5. Từ tháng 1 đến tháng 5, Trung Quốc đã đi vào vùng biển này tổng cộng 20 ngày.
Điều này đã dẫn đến một số vụ tàu Trung Quốc áp sát tàu cá Nhật Bản. Ngày 29/5, bốn tàu tuần duyên của Trung Quốc đã áp sát 3 tàu đánh cá của Nhật Bản, khiến các tàu tuần tra của lực lượng tuần duyên Nhật Bản phải xuất hiện bảo đảm an toàn cho các tàu cá.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cho biết những hành động này của các tàu Trung Quốc “là không thể chấp nhận được” tại một cuộc họp báo hôm thứ Sáu. Ông nói: “Chúng tôi sẽ thực hiện tất cả các biện pháp có thể để giám sát và thu thập thông tin tình báo một cách thận trọng.
Các tàu chiến của hải quân Trung Quốc cũng đã được phát hiện xung quanh quần đảo Nansei, một chuỗi đảo kéo dài từ Nhật Bản đến Đài Loan. Vào ngày 31/5, ba tàu, bao gồm một tàu khu trục tên lửa, đã đi qua bờ biển phía nam của tỉnh Kagoshima, tiến vào Thái Bình Dương. Vào tháng 4, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đã đi giữa đảo chính của chuỗi đảo Okinawa và đảo Miyako 2 lần.
Đài Loan là nguyên nhân?
“Năm nay là một năm đặc biệt đối với Bắc Kinh vì là năm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc”, Rumi Aoyama, giáo sư tại Đại học Waseda ở Tokyo, nói.
“Nước này đang tập trung vào các vấn đề chủ quyền để thể hiện sức mạnh”, GS Aoyama nói thêm.
“Sự hợp tác với Hoa Kỳ và Châu Âu sẽ đóng vai trò như một biện pháp ngăn chặn. Và chúng tôi cũng cần một cơ chế để ngăn chặn những diễn biến bất ngờ bằng cách thiết lập một kênh [liên lạc] với Trung Quốc.”
Trung Quốc đã có quan điểm từ những năm 1970 rằng quần đảo Senkaku thuộc chủ quyền nước này. Khi Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo vào năm 2012, các tàu Trung Quốc bắt đầu đi vào lãnh hải thường xuyên hơn. Vào tháng 2, Trung Quốc đã ban hành một đạo luật mới trao cho lực lượng hải cảnh có quyền sử dụng vũ khí trong một số trường hợp, dẫn đến việc gia tăng các hoạt động xung quanh quần đảo Senkaku.
Một số người trong chính phủ Nhật Bản tin rằng Trung Quốc đang cố gắng gây áp lực với Nhật Bản, nước đã can dự nhiều hơn vào vấn đề Đài Loan.
Hồi tháng 4, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhấn mạnh “tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan” trong tuyên bố chung sau cuộc gặp tại Washington.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1969, hòn đảo này được các nhà lãnh đạo hai quốc gia đề cập đến trong một tài liệu sau khi kết thúc thượng đỉnh. Nhật Bản cũng cam kết “tăng cường khả năng phòng thủ quốc gia của mình để tăng cường hơn nữa liên minh và an ninh khu vực.”
Trung Quốc lên án 2 quốc gia, cáo buộc họ can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Một số quan chức chính phủ Nhật Bản và các nhà lập pháp đảng cầm quyền lo ngại rằng tùy thuộc vào hành động của Nhật Bản, Trung Quốc có thể tăng cường xâm nhập vào lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku, có thể dẫn đến leo thang vô tình giữa lực lượng bảo vệ bờ biển của các nước.
Nhật Bản đặt mục tiêu hợp tác với Mỹ và châu Âu để thúc giục Trung Quốc kiềm chế. Lãnh đạo các nước có kế hoạch thảo luận về sự đe dọa liên tục của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Đông trong Hội nghị thượng đỉnh G7, sẽ được tổ chức tại Vương quốc Anh bắt đầu vào tuần tới.
Đồng thời, Nhật Bản có kế hoạch tăng cường hợp tác an ninh với các nước châu Âu như Anh và Pháp, bên cạnh việc tăng cường quan hệ an ninh giữa các quốc gia thuộc Tứ giác kim cương (nhóm QUAD) gồm Nhật, Mỹ, Úc và Ấn Độ.
Nhật Bản cũng sẽ tìm cách đối thoại trực tiếp với Trung Quốc. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết, Tokyo sẽ liên hệ với Bắc Kinh và tiếp tục theo dõi tình hình.
Vào tháng 3, các quan chức quốc phòng của hai quốc gia đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến để thảo luận về một cơ chế tránh va chạm ngẫu nhiên trên biển và trên không.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị