Ngày nay, nỗi sợ về việc Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ đã thúc đẩy một số nước Đông Nam Á xích lại gần Mỹ hơn nữa dưới thời Tổng thống Biden.
Sau một sự khởi động chậm chạp, có các dấu hiệu cho thấy chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có khả năng thúc đẩy các nước Đông Nam Á đến chỗ có quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc.
Trước việc Trung Quốc ngày càng hung hăng xác lập chủ quyền phi pháp trên khắp Biển Đông, các quốc gia nhỏ hơn và có tuyên bố chủ quyền ở đây đang ngày càng nghiêng sang phương án hợp tác mạnh mẽ hơn với Mỹ nhằm bảo vệ các lợi ích chính đáng của mình và đối trọng với Trung Quốc.
Sau nhiều tháng đàm phán khó khăn, Philippines sắp giữ lại Thỏa thuận Các lực lượng Viếng thăm Philippines-Mỹ (VFA) – thỏa thuận này thiết yếu cho việc duy trì lực lượng quân sự lớn của Mỹ triển khai tới Đông Nam Á.
Văn bản cuối cùng của VFA đang chờ chữ ký của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Malaysia từ tránh va chạm chuyển sang công khai chỉ trích Trung Quốc
Nước láng giềng của Philippines, là Malaysia, cũng đã vứt bỏ chính sách ngoại giao lặng yên trong nhiều thập kỷ với Trung Quốc, chuyển sang công khai chỉ trích Trung Quốc và trực diện thách thức các động thái bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông .
Tuần này (cuối tháng 5 và đầu tháng 6/2021), Malaysia đã công kích sự “xâm nhập” của Trung Quốc, và đã cho chiến đấu cơ cất cánh để xua đuổi máy bay quân sự Trung Quốc tiến sâu vào khu vực 60 hải lý ngoài khơi bang Sarawak trên đảo Borneo.
Theo không quân Malaysia, không quân của Trung Quốc đã triển khai một phi đội các vận tải cơ chiến lược Xian Y-20 và Ilyushin il-76 – các phi cơ này bay theo đội hình chiến thuật “in-trail” ở độ cao từ 7.014-8.229m mà không thèm phản ứng lại kiểm soát không lưu Malaysia nhiều lần cố bắt liên lạc.
Không quân Malaysia ra thông cáo nói rõ: “Vụ việc này là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia và an toàn bay”. Không quân nước này đã triển khai máy bay tiêm kích cất cánh từ sân bay ở Labuan để theo dõi và răn đe động thái “khả nghi” của Trung Quốc có tiềm năng là mang mục đích thù địch.
Nhận được thông báo từ bên quân đội, Bộ Ngoại giao Malaysia lập tức triệu Đại sứ Trung Quốc để yêu cầu giải thích về việc 16 chiếc phi cơ quân sự của Trung Quốc xâm nhập không phận Malaysia.
Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein – một cựu bộ trưởng nội vụ và quốc phòng có kinh nghiệm sâu sắc trong ứng phó với Bắc Kinh , đã bày tỏ sự phản đối thông qua phương thức ngoại giao và yêu cầu Trung Quốc giải thích hành động mà ông này gọi là “xâm phạm không phận và chủ quyền của Malaysia”.
Thông cáo của Ngoại trưởng Hishammuddin có đoạn: “Quan điểm của Malaysia là rõ ràng – có quan hệ ngoại giao hữu nghị với các nước không đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ nhượng bộ trong các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia của chúng tôi”. Chi tiết này cho thấy Malaysia không hề mềm trong thái độ về Biển Đông bất chấp việc có thay đổi đột ngột về chính phủ tại nước này trong năm 2020 vừa qua.
Trung Quốc luôn nói rằng các động thái trên của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) là hoạt động thường kỳ “tuân thủ nghiêm” luật pháp quốc tế mà không có thành kiến trước chủ quyền của các nước láng giềng.
Nhưng có vẻ bị bất ngờ trước phản ứng quyết đoán của Malaysia lần này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhanh chóng nhấn mạnh đến hợp tác, và khẳng định “Trung Quốc và Malaysia là hàng xóm thân thiện với nhau, Trung Quốc sẵn lòng tiếp tục tham vấn hữu nghị song phương với Malaysia để cùng duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Chính quyền mới của Malaysia kế thừa chính sách Biển Đông của tiền nhiệm
Đảng đối lập của Malaysia – Pakatan Harapan, vốn có quan điểm cứng rắn đối với các hoạt động đầu tư của Trung Quốc cũng như các động thái bắt nạt của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời kỳ đảng này cầm quyền từ giữa năm 2018 đến đầu năm 2020. Pakatan Harapan hiện đã hối thúc chính phủ lựa chọn một “kế hoạch hành động rõ ràng” phản ứng lại một sự cố “gây quan ngại” về ý đồ của Bắc Kinh ở vùng biển tranh chấp.
Dưới thời cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad, đảng Pakatan Harapan đã thay đổi căn bản mối quan hệ vốn êm ả với Bắc Kinh. Đảng này tố cáo Bắc Kinh thực hiện “chủ nghĩa thực dân kiểu mới” và đã hủy một số dự án cơ sở hạ tầng lớn của Trung Quốc do vướng các scandal tham nhũng.
Đảng Pakatan Harapan cũng có quan điểm cứng rắn ở Biển Đông bằng việc chính thức xác lập yêu sách của Malaysia về thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông tại Liên Hợp Quốc, công khai gọi yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc là lố bịch, thậm chí còn đe dọa kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế.
Đáng nói nữa, Malaysia còn đối đầu với tàu Trung Quốc trên Biển Đông.
Ngay cả vị quốc vương vốn rất tế nhị của Malaysia cũng kêu gọi chính phủ vừa được bầu hãy “luôn nhạy cảm trong lĩnh vực hàng hải và áp dụng một chiến lược ủng hộ các khát vọng địa chính trị của chúng ta”.
Năm 2020, chính phủ Malaysia với thái độ hoài nghi Trung Quốc, đã bị thất bại trong bầu cử nhưng điều này vẫn không làm thay đổi đáng kể chính sách đối ngoại của Malaysia. Mặc dù giọng điệu ôn hòa hơn với Trung Quốc, đương kim Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin vẫn tiếp tục phần lớn chính sách Biển Đông của người tiền nhiệm.
Trong cuộc đối đầu nguy hiểm giữa một tàu khoan thăm dò dầu khí của Malaysia với một tàu khảo sát của Trung Quốc vào năm 2020, Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein đã ra một thông cáo với những ngôn từ mạnh mẽ, nhắc nhở Trung Quốc rằng “Malaysia vẫn kiên định trong cam kết bảo vệ lợi ích và quyền lợi của mình ở Biển Đông”.
Nói chung Malaysia tránh sự liên minh quân sự quá mức với Mỹ nhưng quan điểm cứng rắn của nước này trong vấn đề Biển Đông cho thấy họ ngày càng cởi mở trong việc mở rộng hợp tác quốc phòng với chính quyền Mỹ thời Biden để kiềm chế các tham vọng của Trung Quốc./.
Theo VOV