Bất chấp việc Trung Quốc không ngừng đổ tiền cho các dự án ở Sierra Leone và nhiều quốc gia Tây Phi khác, người dân địa phương vẫn không thể hài lòng với những hoạt động của Bắc Kinh.
Theo tờ Bưu Điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), làn sóng phản đối Trung Quốc đang ngày càng gia tăng ở Sierra Leone khi người dân ngày càng lo ngại về các nhà máy đánh bắt cá được Bắc Kinh tài trợ xây dựng ở đây. Theo họ, các nhà máy này sẽ phá hủy rừng nhiệt đới nguyên sinh cũng như nguồn đánh bắt cá, đe dọa môi trường nghiêm trọng và cuối cùng sẽ “đẩy” người dân rời đi.
Dự án 55 triệu USD gây tranh cãi của Bắc Kinh
Nhiều nguồn tin truyền thông cho biết, Trung Quốc đã bí mật tài trợ cho Sierra Leone 55 triệu USD để xây dựng một nhà máy sản xuất bột cá trên một bãi biển và khu rừng nhiệt đới lân cận vẫn còn hoang sơ.
Tuy nhiên, Bắc Kinh và cả chính phủ Sierra Leone đều phủ nhận. Theo tuyên bố của Bắc Kinh, đây là dự án cảng đánh cá công nghiệp và “nó sẽ không gây ra một thảm họa sinh thái nghiêm trọng” như cáo buộc. Trong một tuyên bố, Đại sứ quán Trung Quốc tại Freetown cũng khẳng định, những lo ngại về rủi ro môi trường là không có cơ sở và khẳng định Sierra Leone nắm hoàn toàn quyền sử dụng và quản lý dự án này.
Tham tán kinh tế và thương mại của Đại sứ quán Trung Quốc Du Zijun cho biết, dự án này được gọi là “Black Johnson” sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp thủy sản Sierra Leone phát triển hơn nữa. Ông cũng nhấn mạnh, đây là dự án bến cảng cá chứ không phải là một “nhà máy sản xuất bột cá”. “Cáo buộc Sierra Leonean bán đất cho Trung Quốc là không có căn cứ”, ông Du Zijun nhấn mạnh thêm. Ông cũng nói rằng, những cáo buộc rằng Trung Quốc “không chú ý đến bảo vệ môi trường và phá hủy môi trường sinh thái chỉ là giả thuyết và hoàn toàn giật gân”.
Bộ thủy sản Sierra Leonean xác nhận về thỏa thuận này nhưng cũng bác bỏ thông tin xây dựng nhà máy sản xuất bột cá ở đây. Họ khẳng định, đây là nhà máy sử dụng đánh bắt hiện đại để xuất khẩu cá. Bộ này cho biết đã chi 1,3 triệu USD để bồi thường cho những người sẽ phải di dời.
Mặc dù vậy, thỏa thuận trị giá 55 triệu USD này đang hứng chỉ trích gay gắt từ các nhà bảo tồn, các chủ sở hữu đất và các nhóm vận động. Theo họ, dự án này thực sự sẽ gây ra “thảm họa sinh thái và con người” vì có thể sẽ phá hủy rừng nhiệt đới, làm mất nguồn cá và gây ô nhiễm các hệ sinh thái biển.
Theo các nhà bảo vệ môi trường, dự án này sẽ gây ra những hậu quả tai hại đối với tài nguyên biển, khiến các loài chủ chốt bị tiêu diệt và gây nguy hiểm cho an ninh lương thực của Sierra Leone. Quỹ Công lý Môi trường cho rằng, khi nhà máy này đi vào hoạt động, các loài thủy hải sản quan trọng cho an ninh lương thực và sinh kế của địa phương sẽ bị đánh bắt theo kiểu “tận diệt”.
Đầu tháng này, “Nhóm chủ sở hữu đất đai Black Johnson” gửi một bản kiến nghị tới Tổng thống Julius Maada Bio, thúc giục nhà lãnh đạo Sierra Leone hủy bỏ thỏa thuận này. Nguyên nhân chủ chốt mà họ đưa ra là do nó sẽ phá hủy các khu rừng nhiệt đới và hệ sinh thái nguyên sơ cũng như làm cạn kiệt nguồn cá.
“Chúng tôi kêu gọi chính phủ cần can thiệp ngay lập tức nhằm kịp thời ngăn chặn thảm họa sinh thái và con người… Chính quyền đã bán đất rừng nhiệt đới và bãi biển vốn cần được bảo tồn cho Trung Quốc. Mục đích xây dựng là để sản xuất bột cá”, nhóm này tuyên bố.
Mối bất an từ đội tàu cá Trung Quốc
Những lo ngại về dự án mới nhất này càng làm lộ rõ mối bất an ngày càng tăng trong cộng đồng ngư dân dọc theo bờ biển Đại Tây Dương của Liberia, Ghana, Nigeria, Senegal và Guinea, nơi đội tàu đánh bắt cá xa bờ của Trung Quốc đang dần xâm chiếm.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, do Trung Quốc đã cạn kiệt nguồn cá, nên đội tàu đánh cá của họ đã phải lùng sục khắp nơi, bao gồm cả Tây Phi và các nước láng giềng như Hàn Quốc, quốc gia mới đây đã tố hàng trăm tàu cá Trung Quốc hoạt động trong vùng biển nước này, gây thiệt hại về sản lượng và môi trường.
Theo tiến sĩ Miren Gutierrez, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Phát triển Hải ngoại có trụ sở tại London (Anh), đội tàu đánh cá xa bờ của Trung Quốc được trang bị công nghệ thiết bị hiện đại để đến hoạt động tại các ngư trường xa sau khi đã khai thác “cạn kiệt” vùng biển của chính họ.
“Bờ biển trải dài 5.500 km của Tây Phi là nơi có ngành công nghiệp đánh bắt cá đa dạng và phong phú nhất thế giới”, tiến sĩ Miren Gutierrez nhận định. Bà cho biết, 518 tàu cá của Trung Quốc treo cờ của các nước Châu Phi đã hoạt động tại khu vực này. Đây là khu vực giới chức các nước khó thực thi các biện pháp pháp luật và các tàu cá đã đăng ký trong nước thường bị hạn chế hoạt động.
“Không có gì lạ khi 20% sản lượng Đánh cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) toàn cầu ước tính chỉ đến từ 6 quốc gia Tây Phi tiếp giáp (Mauritania, Senegal, Gambia, Guinea-Bissau, Guinea và Sierra Leone)”, tiến sĩ Gutierrez, vốn cũng là tác giả của một báo cáo về đội tàu đánh bắt xa bờ của Trung Quốc, nói.
Bà cho biết, các tàu Trung Quốc đang đánh cá theo các thỏa thuận bí mật đã ký với chính quyền sở tại.
Nhưng các thỏa thuận này hứng chỉ trích vì đánh bắt quá mức, đặc biệt là ở Guinea-Bissau, Bờ Biển Ngà, Liberia, Cape Verde, Mauritania, Senegal và Gambia. Mặc dù có các tàu châu Âu hoặc Nga, nhưng “Trung Quốc là đội tàu lớn nhất thế giới với hơn 16.000 tàu có khả năng đánh bắt xa bờ”, theo nghiên cứu năm 2020 của Viện Phát triển Hải ngoại.
Con so này “khủng” hơn rất nhiều so với ước tính của chính phủ Trung Quốc là 3.000. Trong khi đó, Liên minh châu Âu và Mỹ có chưa đến 300 tàu hoạt động ngoài vùng biển của họ.
Hồi tháng 12-2020, Mỹ tuyên bố Trung Quốc là nước vi phạm IUU tồi tệ nhất ở Thái Bình Dương, nhưng Bắc Kinh bác bỏ và cho rằng đây “chỉ là một lời nói dối”.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị