Hôm nay chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn một câu chuyện được gọi là trường hợp luân hồi chuyển kiếp “thần kỳ nhất trong các thần kỳ”, và còn được xác thực bởi các nghiên cứu khoa học nghiêm ngặt…
Ngày 5 tháng 5 năm 1957, tại thị trấn nhỏ Hexlam của Northumberland đã xảy ra một vụ tai nạn rất đau lòng. Mà câu chuyện của chúng tôi cũng được bắt đầu từ đây.
Thiệt mạng trong một vụ tai nạn xe, hai chị em luân hồi chuyển kiếp “về nhà”
Hôm đó là một ngày chủ nhật, cũng là ngày mà các gia đình ở địa phương đi nhà thờ làm lễ. John Pollock cùng vợ mình là Florence Pollock và hai cô con gái nhỏ gồm Joanna 11 tuổi và Jacqueline 6 tuổi, cả nhà cùng nhau đi đến nhà thờ làm lễ.
Khi cả gia đình của John đi gần đến nhà thờ, chỉ còn rẽ qua một ngã rẽ, rồi băng qua một con đường là đến nơi, hai cô gái gái nhỏ giống như thường ngày, vội vàng buông tay cha mẹ mình ra và vui vẻ chạy về phía nhà thờ. Nhưng vào lúc hai bé gái sắp chạy sang đường, đột nhiên có một chiếc xe ô tô lao đến và cán qua người của hai bé gái. Hai bé gái bị thương rất nặng, không kịp đưa đi bệnh viện, cả hai cùng thiệt mạng ngay tại chỗ.
Vợ chồng John và Florence gặp phải một cú sốc quá lớn, cùng một lúc mất đi hai cô con gái, từ đó họ luôn chìm trong đau buồn và nỗi nhớ. Mãi cho đến nửa năm sau, Florence lại mang thai lần nữa, sau đó Florence sinh đôi được hai bé gái vào ngày 4 tháng 10 năm sau, chị gái tên Gillian, em gái tên Jennifer. Sự chào đời của cặp chị em song sinh cũng làm dịu bớt nỗi đau mất con của hai vợ chồng John cách đây một năm rưỡi.
Nhưng khi cặp chị em song sinh này lớn lên khoảng hai tuổi và bắt đầu học nói, đã xảy ra rất nhiều chuyện kỳ lạ khiến mọi người vô cùng kinh ngạc. Ví dụ, chưa từng có người nào nói cho hai bé gái song sinh này biết về chuyện của hai chị gái Joanna và Jacqueline đã mất của chúng, nhưng hai bé gái song sinh nay lại biết rất rõ, thậm chí ngay cả chuyện bí mật mà hai chị gái chưa từng nói với người ngoài thì hai bé cũng đều biết.
Ngoài ra, Vợ chồng John và Florence còn phát hiện ra vết bớt trên người hai bé gái song sinh giống hệt với vết sẹo trên người hai cô con gái đã qua đời của họ. Vết bớt màu trắng trên mặt Jennifer nằm ở vị trí giống với vết sẹo trên mặt của Jacqueline. Gillian có một nốt ruồi ở eo bên trái giống hệt với vết bớt trên người chị gái Joanna đã mất của cô bé.
Hai bé gái song sinh này và hai người chị gái đã qua đời của chúng có những thói quen và sở thích giống nhau, hơn nữa rõ ràng là cũng thừa kế ký ức của hai người chị gái đã mất. Giọng điệu và cách nói chuyện của Gillian rất giống Joanna, còn Jennifer thì cực kỳ giống Jacqueline. Mặc dù hai người là chị em song sinh, nhưng Gillian thể hiện giống chị gái hơn, lúc nào cũng luôn bảo vệ Jennifer.
Khi mới lên hai tuổi, Gillian và Jennifer đã biết đòi ba mẹ lấy hai con búp bê của hai chị gái đã mất. Hơn nữa hai cô bé còn biết rõ đồ chơi nào là của Joanna, đồ chơi nào là của Jacqueline, và có thể gọi đúng tên hai con búp bê ngay lập tức. Joanna và Jacqueline từng dùng tên của mình để đặt tên cho búp bê.
Khi hai bé gái song sinh nói chuyện thường hay nhắc đến những chuyện của Joanna và Jacqueline. Gillian biết rất rõ về những chuyện của Joanna vào năm cô bé 11 tuổi, còn Jennifer biết rõ mọi sinh hoạt hàng ngày của Jacqueline lúc 6 tuổi.
Khi hai bé gái song sinh lên một tuổi, vợ chồng John và Florence đã dọn nhà đến bờ biển phía đông bắc nước Anh, khi hai bé gái song sinh lên bốn tuổi, hai vợ chồng lại dẫn chúng về lại thị trấn Hexlam trước đây. Hai bé gái song sinh rõ ràng rất quen thuộc với thị trấn nhỏ này, khi đi ngang qua chỗ mà hai người chị đã mất từng học trước đây, hai bé gái song sinh la lên: “Trước đây chúng ta thường đến nơi này chơi, trường học ở ngay góc rẽ, bên đó là cầu trượt mà chúng ta thường hay chơi”. Hai bé gái song sinh này còn nói ra được tên của công viên địa phương và yêu cầu ba mẹ đưa chúng đến đó.
Nhưng khi chúng bước sang đường, chúng có một nỗi sợ rất mãnh liệt đối với những chiếc xe đang qua lại, mỗi lần có một chiếc xe chạy qua, chúng đều theo bản năng ôm lấy ba mẹ để tìm kiếm sự che chở. Không chỉ như vậy, mà hai bé gái song sinh này còn nói đến vụ tai nạn xe năm xưa đã cướp đi mạng sống của hai chị em, mặc dù không có bất cứ người nào nói cho chúng biết về chuyện đó cả.
Gillian miêu tả lại cảm giác máu chảy ra từ mũi và miệng, đó chính là bộ dạng của Joanna trong vụ tai nạn xe năm đó. Gillian còn xoa đầu Jennifer và nói rằng có máu chảy ra từ mắt của mình, Jennifer liền nói: “Đừng nói nữa, đáng sợ quá, chị giống như một quái vật màu đỏ vậy”. Gillian và Jennifer từng giật mình tỉnh giấc trong lúc ngủ rất nhiều lần, sau đó cả hai ôm chặt lấy nhau, vợ chồng John và Florence đều nghe thấy cả hai hét lên: “Chiếc xe đó lao về phía chúng ta rồi!”
Nghe đến đây chắc mọi người có thể đoán ra được rồi, hai bé gái song sinh này chính là hai chị em trong vụ tai nạn xe năm đó tái sinh chuyển kiếp, quay trở về gia đình ban đầu của mình. Và ký ức của kiếp trước cũng được hai bé gái mang đến kiếp này.
Giáo sư Ian Stevenson, nhà tâm thần học phụ trách điều tra nghiên cứu về ký ức kiếp trước của hai chị em song sinh này cho rằng: Ngoài đầu thai chuyển kiếp ra, không có lý do nào khác hợp lý hơn để giải thích về biểu hiện và ký ức của hai chị em.
Sau khi Gillian và Jennifer lên 5 tuổi, những ký ức tiền kiếp không bình thường đó không còn xuất hiện nữa.
Chúng tôi từng giới thiệu ông Ian Stevenson vừa là bác sĩ vừa là giáo sư của trường đại học, khi còn sống ông đã bỏ ra hơn hai mươi năm để tập trung vào nghiên cứu các trường hợp về ký ức tiền kiếp và luân hồi chuyển kiếp. Trường hợp của hai bé gái song sinh người Anh này là một câu chuyện được nói đến trong cuốn sách “Các trường hợp luân hồi ở Châu Âu” của ông, và đây cũng một trong những trường hợp luân hồi chuyển kiếp khiến người ta phải suy ngẫm nhiều nhất.
Lính Nhật tử trận tại Myamar, báo mộng yêu cầu tái sinh
Cảnh tượng khủng khiếp trong vụ tai nạn xe ở kiếp trước khiến cho hai bé gái song sinh trước 5 tuổi đều sợ những chiếc xe chạy ngang qua bên cạnh, còn câu chuyện mà chúng tôi sắp kể dưới đây, nhân vật chính lưu giữ ký ức bị thiệt mạng trong chiến tranh ở kiếp trước mãi cho đến khi cô ấy sắp 30 tuổi, cũng vô cùng bất hạnh. Ký ức mãnh liệt về cái chết cùng với sự quyến luyến con cái và gia đình ở kiếp trước có sự ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời sau khi tái sinh sang một kiếp sống mới.
Nhân vật chính trong câu chuyện này tên là Ma Tin Aung Myo, ra đời vào năm 1953 tại Upper Burma, cũng chính là một ngôi làng nhỏ hẻo lánh tên Nathul ở Myanmar ngày nay.
Trong khoảng thời gian từ năm 1942 đến năm 1945, quân đội Nhật từng chiếm đóng ngôi làng Nathul. Vì vậy các máy bay ném bom của quân đội Khối đồng minh thường hay bay đến ngôi làng nhỏ này để tấn công quân Nhật. Khi máy bay ném bom đến, chúng sẽ thả bom xuống và tiến hành càn quét mặt đất. Mùa xuân năm 1945, quân đội Nhật rút khỏi ngôi làng này, và các cuộc ném bom cũng theo đó mà kết thúc.
Tháng 12 năm 1953, có một bé gái chào đời tại ngôi làng Nathul, người nhà đặt tên cho cô bé này là Tin Aung. Người nhà của cô bé nhìn thấy có một vết bớt nhỏ sẫm màu ở phần bụng dưới của đứa bé gái sơ sinh này.
Khi mẹ của Tin Aung mang thai cô bé được vài tháng, từng mơ thấy có một lính Nhật to khỏe đi theo bà ấy, và nói là muốn cùng sống với bà ấy. Trong mơ, người lính Nhật này chỉ mặc quần ngắn, không mặc áo, và thắt một sợi dây nịt bản to ở phần lưng. Sau đó mẹ của Tin Aung lại mơ thấy cùng một giấc mơ như vậy thêm hai lần nữa, cũng có nghĩa là mẹ của Tin Aung liên tiếp mơ thấy người lính Nhật này ba lần, mỗi lần cách khoảng từ năm đến mười ngày.
Mẹ của Tin Aung nhớ ra, người lính Nhật trong giấc mơ của bà ấy chính là đầu bếp trong quân đội Nhật đã đến chiếm đóng ngôi làng của bà ấy trong giai đoạn Chiến tranh thế giới thứ II năm đó. Tuy rằng chiến tranh đã qua đi 8 năm, nhưng trong mơ, mẹ của Tin Aung vẫn cảm thấy sợ hãi.
Cùng với sự trưởng thành của Tin Aung, tính tình và thói quen của cô bé càng ngày càng giống một đứa con trai. Khi còn nhỏ, Tin Aung luôn chơi cùng với các bạn nam, và đặc biệt thích chơi trò giả làm binh lính, thích chơi những cây súng đồ chơi. Tin Aung đòi ba mẹ mình mua súng đồ chơi cho cô bé chơi, và nói rằng tương lai muốn trở thành một người lính. Còn các chị và các em trai của Tin Aung chưa từng chơi trò giả làm binh lính, và cũng chưa từng đòi mua súng đồ chơi.
Khi mẹ Tin Aung muốn mặc quần áo con gái cho Tin Aung, cô bé liền ném sang một bên. Khi bị mẹ mắng và ép phải mặc quần áo con gái, cô bé nói rằng mình mặc quần áo con gái là sẽ đau đầu và bị ngứa toàn thân, mặc quần áo con trai thì lại rất dễ chịu. Thậm chí Tin Aung còn khoe với mọi người rằng cô bé không có bất cứ một bộ quần áo con gái nào cả. Sự xung đột vây quanh chuyện quần áo vẫn duy trì đến khi Tin Aung lên lớp 5, khi đó nhà trường yêu cầu con gái phải mặc quần áo nữ sinh thì mới được đi học, nhưng Tin Aung cương quyết không nghe theo. Dưới sự kiên trì của nhà trường, cuối cùng Tin Aung 11 tuổi đã lựa chọn nghỉ học.
Hầu hết các cô gái ở Myanmar đều để tóc dài, nhưng Tin Aung lại để tóc ngắn. Cô bé còn nói muốn có một sợi dây nịt bản rộng để bảo vệ cho bụng của cô không bị lạnh.
Ngoài ra, Tin Aung còn tự mình đổi tên cho mình, thêm vào một chữ “Myo” ở phía cuối, tên Tin Aung Myo, cô bé cảm thấy như vậy sẽ khiến cái tên của mình trở nên nam tính hơn.
Tại Myanmar, mọi người thường hay thêm một chữ “Ma” ở phía trên tên của nữ giới, để thể hiện sự kính trọng, có cảm giác giống Ms. trong tiếng Anh. Nhưng Tin Aung không thích điều này chút nào, cô bé hy vọng mọi người hoặc gọi mình là Maung Tin Aung Myo – Maung là cách xưng hô của người Myamar dành cho nam giới, giống như Mr. trong tiếng Anh, hoặc là không cần bất cứ tôn xưng nào cả, cứ gọi thẳng tên mà cô bé đã đổi, đó chính là Tin Aung Myo. Vậy trong bài viết dưới đây chúng ta sẽ gọi cô bé là Tin Aung Myo.
Myanmar nằm ở vùng nhiệt đới, Tin Aung Myo không thích khí hậu nóng bức tại đây, và cũng không ăn quen đồ ăn cay ở địa phương, ngược lại cô bé rất thích ăn cá sống và đồ ngọt. Cô bé thường nói rằng muốn đi đến Nhật Bản, cô bé vừa nói vừa khóc, nói rằng mình “nhớ nhà”. Thế là, người nhà cô đều gọi cô là “người Nhật”.
Khi Tin Aung lên 4 tuổi, có một hôm ba cô bé đi ra chợ, khi đó trên bầu trời có một chiếc máy bay lướt qua trên đầu họ. Tin Aung Myo sợ đến phát khóc, lặp đi lặp lại rằng “con muốn về nhà! Con muốn về nhà!..”, từ đó về sau, mỗi lần có máy bay bay ngang qua là cô bé đều sợ đến rùng mình và òa khóc, hoàn toàn trái ngược với tính cách mạnh mẽ thường ngày.
Người nhà hỏi cô bé đã xảy ra chuyện gì, sau đó cô bé kể cho gia đình nghe một “câu chuyện” không thể nào tưởng tượng nổi. Tin Aung Myo kể rằng: Kiếp trước cô bé là một người lính Nhật, sinh ra tại miền bắc Nhật Bản, từng theo quân đội đi đến ngôi làng nhỏ này, đóng quân tại nơi đây. Cô bé bị bắn chết trong một lần máy bay của Khối đồng minh xả đạn ở tầm thấp. Tin Aung Myo còn nhớ rất rõ ràng và kể lại rằng, khi đó người lính Nhật đứng cạnh một đống củi to và đang chuẩn bị nấu ăn, chỉ mặc một chiếc quần đùi, thắt một sợi dây nịt bản to, trên người không mặc áo. Một phi công của máy bay ném bom đã phát hiện ra anh ta, và đã dùng một khẩu súng máy ngắm về phía anh ta mà bắn. Anh ta chạy vòng quanh đống củi, muốn né tránh đạn, trong lúc đó bỗng có một viên đạn bắn vào bụng dưới của anh ta, anh ta bị trúng đạn liền ngã xuống và chết ngay tại chỗ. Tin Aung Myo còn nói với người nhà của mình rằng, người lính Nhật đó đã lấy vợ sinh con ở quê hương của mình, từng mở một cửa hàng nhỏ trước khi nhập ngũ. Cô bé nhớ là kiếp trước mình có 5 đứa con, con cả là con trai. Nỗi nhớ dành cho những đứa con ở kiếp trước khiến cho Tin Aung Myo rất muốn quay trở về Nhật Bản, nỗi nhớ mãnh liệt này khiến Tin Aung Myo thường xuyên nằm khóc trên giường.
Giấc mơ của mẹ Tin Aung Myo trong lúc đang mang thai cũng chứng thực được ký ức tiền kiếp của cô bé. Người mẹ nói, nơi chết của người lính Nhật tại đống củi mà Tin Aung Myo đã miêu tả cách nhà của họ chưa đến 100m. Còn một minh chứng khác nữa, sau khi Tin Aung Myo chào đời, người mẹ ngay lập tức để ý thấy vết bớt nhỏ sẫm màu ở bụng dưới của Tin Aung Myo, đó cũng chính là vị trí mà người lính Nhật của kiếp trước bị trúng đạn và khiến anh ta thiệt mạng.
Mãi cho đến tháng 5 năm 1981, khi Tin Aung Myo 28 tuổi, Tin Aung Myo vẫn thường xuyên nói về cuộc sống trong quân đội cùng những người đàn ông đánh trận. Sau khi trưởng thành, Tin Aung Myo đã quen với thức ăn của Myanmar và không còn nhắc đến chuyện muốn đi Nhật Bản nữa. Những ký ức về cái chết mãnh liệt cùng với nỗi nhớ dành cho con cái ở kiếp trước đã có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời của Tin Aung Myo sau khi tái sinh.
Câu chuyện này được trích từ “12 trường hợp ở Thái Lan và Myanmar” trong cuốn sách “Trường hợp về các kiểu luân hồi” được viết bởi giáo sư Ian Stevenson.
Chúng tôi đã từng giới thiệu rằng Myanmar là một đất nước theo tín ngưỡng Phật giáo, mọi người đều tin vào hiện tượng “tái sinh”, vì vậy, trường hợp của Tin Aung Myo được người nhà và những người trong thôn chấp nhận và thấu hiểu.
Có lẽ mọi người cũng đã từng nghe nói đến một truyền thuyết dân gian tại Trung Quốc như thế này, chính là sau khi con người chết đi, sau khi linh hồn chịu đủ hình phạt ở các Diêm La Điện dưới âm phủ rồi, linh hồn sẽ bị đưa xuống một điện tiếp theo phía bên dưới theo thứ tự, cuối cùng được đến điện thứ mười, chuẩn bị tái sinh. Trước khi tái sinh, sẽ bị bắt uống canh mê dưới Âu Vong Đài do thần Mạnh Bà cai quản, gọi là canh Mạnh Bà, để quên hết những chuyện xưa của kiếp trước, bắt đầu đi vào cõi hồng trần trong mê lầm lần nữa, chìm đắm trong danh, lợi và tình của thế tục.
Chúng tôi tin rằng thông qua những câu chuyện về ký ức liên quan đến tiền kiếp mà chúng tôi chia sẻ trong chương trình này, mọi người đều có thể tìm được cảm hứng tâm linh từ trong đó, chúng tôi cảm thấy những con người và những sự việc mà chúng ta gặp được trong cuộc sống thường ngày, bất luận là mang đến vui vẻ hay là đau thương, thật ra đều có nguyên nhân của nó cả. Nếu như chúng ta có thể hoặc ít hoặc nhiều thoát khỏi được sự trói buộc của danh, lợi và tình cảm, thì sẽ có thể đưa ra lựa chọn sáng suốt trong rất nhiều tình huống.
Ảnh minh họa: Chụp màn hình video Epoch Times
Theo Epoch Times-Châu Yến biên dịch