Chỉ tính riêng tiền bán trứng và bán con, mỗi tháng, gia đình ông Trí thu về hơn 19 triệu đồng tiền lãi.
Ốc nhồi có tên gọi khác là ốc bươu đen. Đây là một loại vật nuôi rất phù hợp với khí hậu nhiệt đới tại Việt Nam. Trong mấy năm trở lại đây, mô hình nuôi ốc bươu đen đang mang lại những hiệu quả kinh tế, thu nhập cao cho người nông dân.
Đã có nhiều người nông dân từ hai bàn tay trắng, sau khi tự mần mò, tìm hiểu đã phát triển cả trang trại nuôi ốc bươu, đem lại nguồn thu lớn.
Tại Sóc Trăng, mô hình nuôi ốc bươu đen của ông nông dân Võ Minh Trí, ấp Trường Phú, xã An Mỹ (Kế Sách) là một ví dụ điển hình. Chia sẻ về lý do bén duyên với việc nuôi ốc, tờ Sóc Trăng Online cho hay, việc nuôi ốc này đến với ông Trí cũng chỉ là một sự tình cờ chứ không phải có kế hoạch hay tính toán gì trước.
“Trước đây mương vườn của gia đình không nuôi gì, chỉ thấy có vài con ốc bươu đen nên tôi nảy sinh ý tưởng phát triển đàn ốc số lượng nhiều để nuôi bán ốc thịt. Thế là mỗi buổi sáng, tôi dạo quanh các ao trong khu vườn cây ăn trái của gia đình, dùng vợt vớt hết số lượng trứng ốc đem vào nhà dùng thùng xốp đựng trứng cho trứng nở từ từ.
Thời gian đầu, chưa có kinh nghiệm nên số lượng trứng đem vào nhà ấp nở đạt chưa đến 50% và sau thời gian nghiên cứu thì lượng trứng ốc nở đạt gần 100% như môi trường ngoài tự nhiên”, ông Trí nói.
Được biết, ốc bươu đen thích hợp nuôi ở độ sâu 0,5 – 0,8m, độ pH từ 6,5 – 8,0. Nhiệt độ 25 – 32 độ C, ngoài vùng nhiệt độ này ốc sẽ dừng ăn và tìm nơi trú ẩn, nếu vào mùa đông nhiệt độ xuống dưới 10 độ C ốc sẽ chết nếu không được bảo quản.
Trước khi thả con giống, ao hồ cần phải được xử lý, nên bón vôi để trung hòa độ pH, loại bỏ các loại thiên địch có thể ăn ốc như cá trắm đen (trắm ốc), ba ba, cá chép. Thức ăn đa dạng từ bèo cám, bèo hoa dâu, bèo tai tượng cho đến các loại rau, củ quả.
Nói về nguồn thức ăn của ốc, ông Trí cho biết, con ốc bươu đen rất dễ nuôi bởi bất cứ rau, củ, quả nào ốc cũng ăn được nhưng loại ốc thích ăn nhất là mít chín, đu đủ chín, hai loại trái cây này giúp ốc lớn nhanh kèm với đó ốc sinh sản lượng trứng nhiều.
Hiện tại, ông Trí đã nuôi ốc được 3 năm. Theo đúng quy trình, ốc bươu đen nuôi khoảng 4 – 6 tháng sẽ sinh sản, 1kg trứng nở trung bình từ 8.000 – 10.000 con. Số lượng trứng ốc gia đình ông thu về khoản 3 – 4kg/2 ngày.
Trứng ốc sau 2 tuần sẽ nở và tiếp theo ốc con được nuôi dưỡng thêm 2 tuần nữa là xuất bán được, giá bán ốc con là 500 đồng/con. Bình quân mỗi tháng số ốc con được bán ra thị trường là 30.000 con, còn trứng ốc bán từ 1 – 3kg/tháng, giá ốc trứng là 1,5 triệu đồng/kg. Như vậy, mỗi tháng, chỉ tính riêng phần bán trứng và ốc con gia đình ông Trí đã bỏ túi hơn 19 triệu đồng.
Ốc con sau 4 – 5 tháng có thể bán ốc thương phẩm. Khi ốc đạt trọng lượng từ 25 – 30 con/kg là lúc thích hợp nhất để thu hoạch ốc để gối vụ hoặc giãn mật độ ốc trong ao hồ. Tại ao nhà ông Trí, ốc 6 tháng có đạt trọng lượng tầm 20 – 30 con/ký, thương lái đến tận nhà thu mua từ 55.000 – 60.000 đồng/kg, mỗi tháng xuất bán được 200kg ốc thịt, thu về số tiền 12 triệu đồng.
Ốc thường được thu hoạch vào chiều muộn hoặc sáng sớm. Chúng bám kín vào những miếng mít chín vàng nằm trên mặt nước. Trong thời gian tới, người nông dân này dự tính tăng số lượng đàn ốc sinh sản để thu số lượng trứng mỗi ngày từ 4 – 5kg cũng như tăng sản lượng đàn ốc thịt lên 400 – 500 kg/tháng để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị