Mục tiêu là nhằm phân bổ lực lượng quân đội trên để tránh trở thành mục tiêu tấn công mà vẫn duy trì sự cơ động cần thiết để tiếp cận những điểm trọng yếu như eo biển Đài Loan.
Indonesia, Thái Lan nổi lên đầy hứa hẹn
Mỹ đang xem xét lại sự hiện diện của lực lượng quân đội ở Ấn Độ – Thái Bình Dương, nhằm duy trì ảnh hưởng đối trọng với Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc thiết lập thêm các căn cứ quân sự mới, hay thậm chí là tiếp cận các cảng biển và đường băng cho phép các lực lượng Mỹ sử dụng luân phiên là không dễ dàng.
Năm nay, Washington đánh dấu mốc 1/4 thế kỉ kể từ thời điểm thống nhất rời căn cứ không quân Futenma từ khu vực đông dân cư tại Okinawa tới một nơi thưa thớt hơn. Tuy nhiên, việc này vẫn chưa thể hoàn tất, cho thấy những vấn đề khó khăn liên quan đến quá trình thiết lập và triển khai căn cứ quân sự của Mỹ.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn tiến hành các bước chuẩn bị cho những phương án trong tương lai. Trong bước đi được coi như ngoại giao quân sự, quân đội Mỹ đang duy trì sự hiện diện tại những vị trí chiến lược trọng yếu trong khu vực.
Tại một sự kiện trực tuyến do Hội đồng Đại Tây dương tổ chức, Quyền Bộ trưởng Lục quân Mỹ John Whitley nhấn mạnh quân đội Mỹ có thể “là đối tác tin cậy và chìa khoá để duy trì thông thương tới nhiều quốc gia”.
Whitley cũng nhấn mạnh nỗ lực nhằm gây dựng lòng tin, trong đó nêu cụ thể các nước Indonesia, Thái Lan và Ấn Độ – rằng trong tương lai có thể sẽ cho phép quân đội Mỹ có sự tiếp cận lớn hơn.
“Chúng tôi đang nói về Indonesia – họ muốn xây dựng một trung tâm huấn luyện binh sĩ”, Whitley nói.
“Và chúng tôi sẽ nói chuyện với họ về cách mà quân đội Mỹ có thể cung cấp sự hỗ trợ cần thiết. Ngoài ra, quân đội Mỹ cũng đang cung cấp với Thái Lan các xe bọc thép Strykers”.
Trong số các mối quan hệ hợp tác mà Whitley nhắc tới, mối quan hệ giữa quân đội Mỹ và Indonesia được cho là có chiều sâu nhất.
Tháng 10 năm ngoái, 125 binh sĩ Indonesia đã đến Fort Polk, Louisiana, để tham gia hoạt động đào tạo tại Trung tâm Huấn luyện cho Sự sẵn sàng chung.
Trong chuyến đi đầu tiên này, các binh sĩ Indonesia đã học cách bắn súng, di chuyển và phối hợp từ những binh sĩ Mỹ với kinh nghiệm chiến trường tại Iraq và Afghanistan.
Hiện Indonesia muốn có một trung tâm huấn luyện của riêng họ, Whitley nói.
Ở Thái Lan, Mỹ đang đàm phán về việc bán thêm các xe bọc thép Stryker sau khi quốc gia Đông Nam Á trở thành khách hàng đầu tiên của Mỹ với loại xe này vào năm 2019.
Thách thức của Mỹ
Thông thường, Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng quân đội ở những quốc gia trọng yếu. Nhật hiện đang là nơi đồn trú của 55.000 lính Mỹ, hầu hết là thuỷ quân và bộ binh, trong khi con số này ở Hàn Quốc là gần 26.400 lính. Guam hiện là nơi tập trung lớn các lực lượng Mỹ, trong khi quân đội nước này thường có các chuyến thăm và tập trận với Úc, Singapore và Philippin.
Tuy nhiên, với việc các tên lửa Trung Quốc hiện có thể phá hủy căn cứ Mỹ chỉ với một đòn tấn công, Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương do Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương trình lên Quốc hội Mỹ chỉ ra sự cần thiết triển khai nhiều lực lượng hỗn hợp mà không tạo thành mục tiêu dễ bị tấn công bởi kẻ thù.
Việc triển khai các lực lượng quân đội với khả năng tấn công chính xác là nhằm phá lá chắn chống tiếp cận/xâm nhập A2/AD của Trung Quốc, vốn được xác lập với mục đích đẩy quân đội Mỹ khỏi khu vực Biển Đông và Hoa Đông nằm trong chuỗi đảo thứ nhất.
Cụ thể, Mỹ đã bày tỏ ý định muốn thiết lập huy động lực lượng đặc nhiệm đa miền (MDTF) thứ hai ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, sau khi triển khai lực lượng này lần đầu ở Căn cứ chung Lewis-McChord, Bang Washington.
Lực lượng này sẽ được trang bị các vũ khí có khả năng tấn công sâu vào đất liền. Các lãnh đạo quân đội kì vọng lực lượng này sẽ gồm 500 quân nhân, bao gồm các thành phần khác nhau.
Trong tháng 4, Lầu Năm góc đã công bố ý định sẽ thiết lập lực lượng MDTF và Chỉ huy hoả lực mặt trận (Theater Fires Command) ở căn cứ Mỹ tại Wiesbaden, Đức, với khoảng 500 quân.
Trong hội thảo trực tuyến vào ngày 30/3 vừa qua do viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế tổ chức, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, tướng James McConville khi được hỏi thách thức chính trị để thuyết phục các đồng minh như Nhật Bản cho phép triển khai MDTF và các vũ khí tầm trung và dài trên lãnh thổ.
“Đây là một quyết định mang tính chính trị”, vị tướng bốn sao nói, “và sẽ được thực hiện dựa trên mối quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia đồng minh và đối tác, cũng như các lợi ích an ninh quốc gia”.
“Đây là điều mà mỗi nước đều sẽ phải cân nhắc, và xem họ có thể chấp nhận tới mức độ nào”, McConville nói.
Nhưng Tư lệnh Lục quân mỸ ở khu vực Thái Bình Dương, tướng Paul LaCamera, nói tại hội thảo trên rằng:”Chúng ta có hiệp ước với các đồng minh và sẽ hợp tác với họ”, đại ý rằng năm quốc gia đồng minh của Mỹ ở khu vực – Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Thái Lan và Philipipn – sẽ là các nước đầu tiên đàm phán vấn đề này với Mỹ.
Jeffrey Hornung, nhà nghiên cứu chính trị tại Rand Corp, nói rằng sức ép chính trị từ việc Nhật Bản cho phép đặt các vũ khí tầm xa sẽ là rất lớn.
“Làm thế nào bạn có thể thuyết phục cộng đồng địa phương việc triển khai hệ thống vũ khí tấn công của Mỹ, và do người Mỹ vận hành, khi mà bạn chắc chắn rằng hệ thống này sẽ là mục tiêu đầu tiên khi các vụ tấn công nổ ra?”
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị