Đó là mô hình trồng bông giấy (cây hoa giấy) của ông Nguyễn Văn Nhì-còn gọi là ông Năm Nhì, ở ấp Đông Lợi, xã Thành An, huyện Mỏ Cày Bắc. Ông Nhì là thành viên của Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú huyện Mỏ Cày Bắc (tỉnh Bến Tre).
Đó là mô hình trồng bông giấy của ông Nguyễn Văn Nhì (còn gọi là ông Năm Nhì), ở ấp Đông Lợi, xã Thành An. Ông là thành viên của Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú huyện Mỏ Cày Bắc (tỉnh Bến Tre).
Năm 2008, ông Năm Nhì phát hiện 2 gốc bông giấy có bộ rễ to, dài gần 1m. Mừng quá, ông nghĩ ra cách làm gốc bông giấy có bộ rễ như cây bông sứ Thái Lan.
Ông Năm Nhì phấn khởi kể lại: “Năm 2006, tôi xin 2 khúc bông giấy Mỹ của người bạn ở Chợ Lách. Mỗi khúc dài khoảng 2 tấc về ghim vào gốc bưởi trồng bằng đất cát cồn. Vào mùa nắng hạn năm 2008, tôi xịt nước tưới bưởi, vô tình xịt nước quá mạnh trúng gốc bông giấy lòi rễ khá to, dài gần 1m, trắng như củ cải. Tôi nghĩ rằng, bông giấy chịu cát cồn nên chiết nhánh nhân giống”.
Ông chiết ra 20 khúc bông giấy Mỹ trồng vào chậu cát cồn có đường kính 8 tấc, cao 5 tấc. Hai năm sau, ông Năm Nhì bán mỗi cây bông giấy được 2,5 triệu đồng.
Năm 2012, phần trên gốc bông giấy Mỹ là các cành lớn dần, lá xanh tốt, ông cắt mỗi đoạn dài 1,5 tấc để giâm cành lên 300 cây.
Cứ sau 1 năm trồng, bông giấy Mỹ với bộ rễ to, ông Năm Nhì bán được 1 triệu đồng/cây, để thêm 1 năm nữa bán được 2,5 triệu đồng.
Cây bông giấy để càng lâu, rễ càng to, rất đẹp, giá bán càng cao.
Ông Năm Nhì cho biết thêm: “Sau nhiều năm trồng bông giấy, tôi thấy lá của nó lớn rất mau, xanh tươi, không bị sâu rầy. Cây bông giấy chịu khô hạn (nhưng phải tưới nước vào mùa nắng), chịu phèn, chịu nước mặn khoảng 5%o, không chịu ứ nước, kỵ phân chuồng vì làm cây dễ chết”.
Từ 2 khúc bông giấy ban đầu, đến nay, ông Năm Nhì đang trồng hơn 10,000 cây bông giấy Mỹ loại lớn và nhỏ trên 7.000m2 đất để lấy cành và rễ.
Năm 2020, ông Năm Nhì bán 500 cây bông giấy Mỹ có bộ rễ khá bắt mắt, với giá từ 1 – 5 triệu đồng/cây thu về trên 1 tỷ đồng.
Say mê với nghề trồng bông giấy Mỹ lấy rễ, ông Năm Nhì nói: “Trồng bông giấy đầu tư chi phí thấp, dễ hơn trồng cam, bưởi gấp trăm lần nên tôi đang tìm đất mua để trồng thêm bông giấy”.
Từ năm 2018 đến nay, ông Năm Nhì đã nhân rộng mô hình trồng bông giấy Mỹ lấy rễ cho 40 hộ ở các xã: Thành An, Hòa Lộc, Tân Bình và Tân Thanh Tây.
Anh Trần Hoàng Văn ở xã Thành An, huyện Mỏ Cày Bắc (tỉnh Bến Tre) cho biết, năm 2019, anh mua 110 cây bông giấy Mỹ của ông Năm Nhì về trồng trên 200m2 đất. Năm 2020, anh Văn bán 110 cây bông giấy 8 tháng tuổi được 33 triệu đồng.
“Tôi mua 35 ngàn đồng/cây, trồng thành phẩm bán 300 ngàn đồng/cây. Từ lúc trồng đến bán, tôi chỉ tốn 3 ngàn đồng tiền phân Urê và phân lân, còn lại chỉ là tưới nước vào mùa nắng. Nói thật, trồng bông giấy quá dễ, nếu có bộ rễ đẹp thì bán càng dễ hơn”, anh Trần Hoàng Văn nói.
Anh Lê Văn Châu, ở ấp Phú Thuận, xã Phú Mỹ, người thường xuyên vào dịp Tết Nguyên đán mua hoa kiểng ở Bến Tre đi bán tại Hà Nội nói: “Năm qua, tôi đi bán mai và bông giấy ở Hà Nội. Ngoài đó, khách hàng rất thích bông giấy của ông Năm Nhì vì có bộ rễ quá đẹp. Một chậu bông giấy “Mỹ thường” của ông Năm Nhì với bộ rễ đẹp, được ghép “Mỹ cẩm thạch” ra Hà Nội bán giá 3,5 triệu đồng trở lên, đắc như tôm tươi”.
Đối với 40 hộ ông Năm Nhì đã nhân rộng mô hình “Trồng bông giấy lấy rễ” làm nguyên liệu để ghép các loại bông giấy khác, ông hứa bao tiêu sản phẩm. Đầu tháng 4-2021, ông bao tiêu sản phẩm mua lại 2 cây bông giấy 3 năm tuổi của chú Bảy Đỉnh ở chung ấp Đông Lợi, với giá 8 triệu đồng (4 triệu đồng/cây).
Hoàng Vũ (Báo Đồng Khởi)