Tình hình Myanmar đang có nguy cơ bùng nổ thành một cuộc nội chiến kéo dài, đẩy cuộc sống của người dân vào cảnh khó khăn.
Nguy cơ chiến tranh
Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Trương Quân đã kêu gọi các nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ hơn để giải quyết cuộc đối đầu ở Myanmar, cảnh báo rằng bạo lực quy mô lớn có thể dẫn đến tình trạng hỗn loạn và “thậm chí là một cuộc nội chiến.”
Ông Trương cũng cảnh báo rằng “bất kỳ xử lý sai lầm nào” có thể dẫn đến căng thẳng hơn nữa ở Myanmar. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ lời kêu gọi của các quốc gia Đông Nam Á về việc chấm dứt ngay lập tức tình trạng bạo lực, thực hiện các cuộc đàm phán như một bước đầu tiên hướng tới giải pháp sau khi cuộc đảo chính quân sự ngày 1/2 ở Myanmar đã lật đổ nhà lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi và đảng của bà, đảo ngược nhiều năm của quá trình tiến tới dân chủ.
Hội đồng Bảo An một lần nữa yêu cầu khôi phục nền dân chủ và trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ – bao gồm cả bà Suu Kyi, lên án việc sử dụng bạo lực chống lại những người biểu tình ôn hòa và cái chết của hàng trăm thường dân.
Ông Trương gọi Myanmar là “một nước láng giềng thân thiện”, ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực ngoại giao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đặc phái viên của Liên hợp quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener, và bày tỏ hy vọng họ sẽ đạt được kết quả. Ông nói: “Trung Quốc không muốn áp đặt các biện pháp trừng phạt.”
Ông nói: “Chúng ta thực sự nên tạo ra một môi trường thuận lợi hơn để đưa đất nước trở lại bình thường và tìm ra một giải pháp chính trị thông qua các cuộc đối thoại giữa các chính đảng có liên quan trong khuôn khổ hiến pháp và luật pháp”.
Đi tìm giải pháp
Trong gần 5 thập kỷ, Myanmar đã dưới sự điều hành của quân đội đã vấp phải sự cô lập và các lệnh trừng phạt quốc tế. Khi các tướng lĩnh nới lỏng sự kiểm soát, đỉnh điểm khi bà Suu Kyi trở thành lãnh đạo trong cuộc bầu cử năm 2015, cộng đồng quốc tế đã phản ứng bằng cách dỡ bỏ hầu hết các lệnh trừng phạt và tăng cường đầu tư vào đất nước. Cuộc đảo chính diễn ra sau cuộc bầu cử vào tháng 11 mà đảng của bà Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo.
Ông Trương nói: “Đó chủ yếu là một vấn đề liên quan đến sự khác biệt trong cuộc bầu cử. Các đảng phái chính trị có thể tìm ra giải pháp cho vấn đề đó. Vì vậy, đó là lý do tại sao Trung Quốc thích các nỗ lực ngoại giao hơn.”
“Đó là lý do tại sao Trung Quốc đang làm việc rất chặt chẽ với các bên liên quan, kêu gọi họ thực sự kiềm chế để không đi đến cực đoan, tránh bạo lực, tránh thương vong và cố gắng tìm ra giải pháp bằng đối thoại. Đó là lý do tại sao hội đồng hiện cũng đang ủng hộ hết mình cho các nỗ lực ngoại giao của ASEAN,” ông nói.
Ông Trương được hỏi liệu Trung Quốc có lo ngại rằng Myanmar có thể rơi vào cuộc nội chiến hay không, vì quân đội của họ đang chiến đấu với các dân tộc thiểu số Kachin và Karen, những người duy trì lực lượng vũ trang của riêng họ, đồng thời đối đầu với những người biểu tình ủng hộ dân chủ – giữa các thông tin rằng dân thường, chủ yếu là sinh viên , hiện đang được đào tạo cách sử dụng vũ khí ở các vùng dân tộc.
Ông Trương đáp: “Chúng tôi cũng có những lo ngại tương tự. Chúng tôi tin rằng với những nỗ lực ngoại giao, chúng ta có thể tránh được sự leo thang căng thẳng hơn nữa.”
“Khi sự leo thang ngày càng căng thẳng hơn, sẽ có nhiều đối đầu hơn, và nếu đối đầu nhiều hơn thì sẽ có nhiều bạo lực hơn, và với nhiều bạo lực hơn thì sẽ có nhiều thương vong hơn, khi đó chúng ta có thể đi sai hướng hơn nữa. Nó cũng có thể có nghĩa là một tình hình hỗn loạn ở Myanmar và thậm chí là một cuộc nội chiến.”
Ông Trương cho biết Trung Quốc cũng rất lo ngại về ảnh hưởng nhân đạo của cuộc khủng hoảng – trích lời đặc phái viên LHQ Schraner Burgener, người đã chỉ ra rằng ngày càng có nhiều người nghèo mất việc làm, công chức từ chối làm việc để phản đối chính quyền.
Cuộc khủng hoảng đã khiến các gia đình trong và xung quanh thành phố Yangon “bị buộc phải vật lộn” để kiếm ăn, lâm vào cảnh nợ nần và cố gắng tồn tại.
Ông Trương cảnh báo rằng khi tình hình xấu đi hơn nữa, “chắc chắn một thảm họa hoặc khủng hoảng nhân đạo sẽ không thể tránh khỏi, vì vậy chúng ta cần cố gắng hết sức để tránh điều đó.”
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị