Nổi tiếng trong giới bất động sản với tên gọi Minh Him Lam, nhưng thực ra trước khi trở thành ông chủ quyền lực của Tập đoàn Him Lam, doanh nhân này nổi danh với cái tên Minh “xoài” bởi một thương vụ buôn bán kinh điển….
“Điều kiện cần là kiến thức, điều kiện đủ là gan to”. Đó là lời khuyên khởi nghiệp của doanh nhân Dương Công Minh – biệt danh Minh “xoài”. Từng phá sản, phải bán nhà trả nợ trong những ngày đầu tiên lập nghiệp khởi sự kinh doanh, hai chữ “gan to” trở nên đặc biệt rõ ràng trong quan điểm làm giàu của vị doanh nhân này.
“TÔI LÀM QUAN KHÔNG ĐƯỢC MỚI ĐI LÀM GIÀU”
Ông Dương Công Minh sinh năm 1960 tại Bắc Ninh, trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 1984, ông tốt nghiệp Ngành vật giá thuộc Đại học Kinh tế kế hoạch, nay là Đại học Kinh tế Quốc dân. Sau khi tốt nghiệp và hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông Minh trở thành sĩ quan, làm việc tại công ty xuất nhập khẩu thuộc Bộ Quốc phòng tại miền Nam.
Dương Công Minh tự đánh giá mình hội tụ đầy đủ yếu tố thuận lợi để “làm quan”: tốt nghiệp đại học chính quy, gia đình cách mạng, học hết đại học thì đi nghĩa vụ quân sự, lại có người “đỡ đầu” làm trong ngành quân đội.
Nhưng trái ngang ở chỗ cô gái ông yêu lại là con gái của một quan chức chế độ cũ ở Sài Gòn. Chàng trai khi ấy đứng trước 2 lựa chọn khó khăn: nếu chọn làm quan thì sẽ phải từ bỏ người yêu, ngược lại, nếu chọn nghe theo tiếng gọi của tình yêu thì sẽ cánh cửa “quan lộ” gần như đóng lại. Trước sự can ngăn của cơ quan đơn vị, ông vẫn nhất quyết cưới người mình yêu là vợ của ông bây giờ.
“Điều kiện cần thì mình có, nhưng mình lại không có điều kiện đủ, thế nên tôi buộc phải chuyển sang làm giàu. Người Việt Nam đầu tiên ai cũng muốn làm quan, làm quan không được thì mới chuyển sang làm giàu. Tôi cũng như thế và bắt đầu từ đó”, ông chủ Him Lam từng kể lại.
Sau khi xuất ngũ, ông về quê tìm đường làm giàu, tình cờ được người bạn đưa lên Lạng Sơn chơi và phát hiện một mối làm ăn mới. Nhận thấy người Trung Quốc sang Việt Nam mua chuối rất nhiều, không lâu sau, ông cùng bạn bè tìm đường xuất khẩu thức quả này sang nước bạn.
Sau chuối là xoài. Năm đầu, ông Minh cùng bạn xuất khẩu có lãi rất hấp dẫn, một lời một. Đến năm thứ hai thì tiếp tục duy trì. Ông cho biết mình chỉ muốn xuất khoảng 10 xe xoài. Nhưng với món lời hấp dẫn lên đến 20 triệu đồng/xe, vào khoảng năm 1988-1989 thì giá trị rất lớn, thế nên bạn ông đã vay mượn để huy động đến 110 xe xoài.
Nhưng trong số 110 xe, có đến 100 xe hàng không đạt chất lượng, xoài non, nhanh hỏng, khiến ông Minh lỗ sạch vốn, phải bán nhà trả nợ. Biệt danh “Minh xoài” cũng từ giai thoại này mà xuất hiện.
“HIM LAM KHÔNG PHẢI CÔNG TY GIA ĐÌNH TRỊ, MÀ LÀ ĐỘC TRỊ”
Từ vụ làm ăn lỗ sạch vốn, ông Minh phải bán ngôi nhà 1.000m2 trên đường Cộng Hòa để trả nợ cho bạn.
Trong quá trình làm thủ tục bán ngôi nhà 1.000m2, ông Minh có cơ hội tiếp xúc nhiều với môi giới nhà đất. Tuy nhiên những năm 1989, môi giới thường đòi giá rất cao khi giúp ai đó bán nhà, thường lên tới 1/7 giá bán nhà cho phí lo thủ tục.
“Nhà tôi nếu bán là 350 triệu đồng nhưng hợp thức hóa giấy tờ mất 50 triệu đồng. 50 triệu nhiều quá, tôi tự đi làm, tổng cộng hết 3 triệu đồng”, ông Minh nhớ lại.
Ông Minh tự mày mò tìm hiểu cách làm thủ tục, rồi chỉ lấy giá bằng 1/10 so với giá nhà. Công ty Him Lam ra đời từ đó, trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên làm về nhà đất được mở tại Tp.HCM. Cái tên Him Lam được lấy cảm hứng từ tên địa danh gắn với chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu, mang theo khát vọng của người sáng lập, cũng có thể gây được tiếng vang như thế trong tương lai.
Ngày thành lập Him Lam cũng là ngày ông Dương Công Minh một lần nữa đưa ra quyết định liều lĩnh, khi vừa phá sản đã vay nóng, vay lãi suất cao để khởi nghiệp, đồng thời thuê thêm nhân sự kiến trúc sư, kỹ thuật. Nhưng lúc ấy, ông cho rằng bản thân chẳng còn gì để mất, cùng lắm là về âm, nhưng âm về tài sản, còn dương về kiến thức, trình độ, kinh nghiệm, bản lĩnh. Cái lớn nhất là bản lĩnh.
Ra đời từ năm 1994, hiện Him Lam đã có hơn 30 đơn vị thành viên và liên kết, tiến hành đầu tư và xây dựng trên 70 dự án nhà ở, khu đô thị mới, hầu hết các dự án đều ở vị trí gần trung tâm thành phố.
Tại TP. HCM, doanh nghiệp này là chủ đầu tư một số dự án như: Dự án Chung cư Him Lam Riverside (tổng vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng); Dự án Chung cư Him Lam Phú An (tổng vốn đầu tư 1.770 tỷ đồng); Dự án Chung cư Him Lam Chợ Lớn (tổng vốn đầu tư 2.700 tỷ đồng).
Tại Hà Nội, thành viên của Him Lam Group là chủ đầu tư các dự án Biệt thự sinh thái Long Biên (tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng), dự án Him Lam Vạn Phúc (tổng vốn đầu tư 800 tỷ đồng).
Ngoài ra, Tập đoàn Him Lam tiếp tục phát triển thêm các dự án thuộc lĩnh vực nghỉ dưỡng, resort, điển hình như Sân golf Long Biên và sân golf Tân Sơn Nhất hay khu du lịch – nghỉ dưỡng cao cấp có tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng, quy mô 50ha tại đảo Hòn Dấu tại quận Đồ Sơn, Tp. Hải Phòng.
Một trong những lần hiếm hoi xuất hiện trước ông chúng, ông Dương Công Minh đã tuyên bố: “Him Lam không phải là công ty gia đình trị mà là độc trị. Chỉ mình Dương Công Minh là người quyết định thôi”. Quả đúng như vậy, có thời điểm, ông nắm giữ đến 99% cổ phần tại Him Lam.
Ở thời kỳ đỉnh cao, Him Lam từng là doanh nghiệp bất động sản đầu ngành nhưng ông Dương Công Minh khẳng định: “Chúng ta đang có một doanh nghiệp siêu lớn là Vingroup, người tạo nên những sản phẩm thị trường chưa từng có, như các tiểu thành phố. Chúng tôi, Him Lam, Novaland hay cả HD Mon Holding… cũng muốn được như Vingroup.
Cái mà chúng ta nên học ở đây là Vingroup, chứ không nên học Him Lam, Novaland, vì dù sản phẩm của chúng tôi tốt, nhưng không thể tạo nên những thứ có tính cộng đồng và xã hội, đi đầu như Vingroup.
Anh Vượng là một con người đặc biệt, tạo nên những sản phẩm không chỉ Việt Nam cần mà thế giới cũng cần, những thứ chỉ cần đi đến thế là cùng rồi. Tạo nên những sản phẩm như thế thì cần phải có gan to, thứ hai là nhiều tiền. Anh Vượng thì tiền huy động dễ lắm, nhưng cũng có tầm nhìn rộng và dám làm”.
NHỮNG MỐI DUYÊN VỚI CÁC NHÀ BĂNG
Đi lên từ bất động sản nhưng tham vọng của đại gia Minh “xoài” chưa dừng lại ở đó. Định hướng trở thành một công ty đa ngành, Him Lam đã tham gia sáng lập Ngân hàng Thương mại Cổ phần Liên Việt (LienVietBank, sau đổi tên thành LienVietPostBank) vào năm 2008, đồng thời trở thành cổ đông lớn nhất bằng việc nắm giữ 15% cổ phần.
Cá nhân ông Dương Công Minh không nắm giữ cổ phần của ngân hàng nhưng vợ ông Minh, bà Lê Thị Vân Thảo cùng em gái Dương Thị Liêm sở hữu gần 5% cổ phần.
Năm 2017, ông Minh lại có duyên với Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank). Để tránh sở hữu chéo, trước khi có tên trong Hội đồng quản trị Sacombank, Him Lam của ông Dương Công Minh đã phải công khai chính thức thoái vốn khỏi Liên Việt và ngày thực hiện là 23/6/2017, chỉ cách đúng 1 tuần so với thời điểm ông nhận chiếc ghế nóng nhất ở Sacombank.
Đồng thời, ông Minh cũng từ bỏ chức Chủ tịch HĐQT tại 4 công ty: Công ty Cổ phần Him Lam, Công ty Cổ phần Dụng cụ Thể thao Bảo Long, Công ty Cổ phần Phát triển Xín Mần, Công ty Cổ phần Chứng khoán Liên Việt. Tuy nhiên, nhiều đồn đoán rằng ông Minh vẫn có những mối liên hệ gián tiếp với Him Lam.
Thời điểm bước vào Sacombank, ông Minh được đánh giá là đứng trước thách thức lớn, khi ngân hàng này đang trải qua giai đoạn “đại phẫu” vì những “u nhọt” do Southern Bank đem đến sau khi nhận sáp nhập vào năm 2015, còn nợ xấu dự tính mất 3-5 năm để xử lý.
Đến 2020, sau 3 năm tái cơ cấu, Chủ tịch HĐQT Sacombank Dương Công Minh tự hào vì đã đưa nhà băng này về vị thế vốn có. Tuy vậy, ông vẫn chỉ nhận mình là Minh Him Lam. Vị doanh nhân giải thích: “Thực ra biệt danh của một người được hình thành thông qua công việc, sự nghiệp chính của người đó trong giai đoạn thành công nhất của cuộc đời. Sự nghiệp chính của tôi là ở Him Lam, nhờ Him Lam, nhờ bất động sản mà tôi mới có điều kiện để tham gia vào ngành ngân hàng. Anh Đặng Văn Thành cũng vậy, trước khi làm ngân hàng, anh Thành đã làm 1 số ngành nghề khác nhưng chưa nổi bật như khi tham gia sáng lập và quản trị Sacombank. Ở Sacombank, anh Thành mới khẳng định được mình trên thương trường. Chính vì vậy, mặc dù bây giờ anh Thành không còn ở Sacombank nhưng thương trường vẫn gọi anh là Thành Sacombank”.
Nhìn lại cuộc đời thăng trầm của mình, ông Minh cho rằng may mắn chiếm 30% sự thành công, nhưng lại cho chính chúng ta tạo ra, phải do mình tự vận động.
“Tôi vẫn hay nói với nhân viên câu “há miệng chờ sung”, nhưng há miệng dưới gốc cây sung mới có cơ hội. Muốn há miệng chờ sung thì phải mò ra gốc cây sung. Đi ngoài đường quả sung nó rơi cũng không vào mình đâu”, ông từng chia sẻ tại một tọa đàm khởi nghiệp 3 năm trước.
“Kiến thức có, kinh nghiệm có, cơ hội có mà gan nhỏ thì cũng không làm được. Khi chúng ta thấy cơ hội rồi thì phải máu lửa lên”, Chủ tịch Him Lam đúc rút.
Hoàng Thùy-Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị