Từ một đứa trẻ được chẩn đoán bị bại não, Hà Nghi Đức đã trở thành thần đồng với loạt thành tích không tưởng: 4 tuổi chèo thuyền, 5 tuổi lái máy bay, 7 tuổi viết tự truyện, 11 tuổi tốt nghiệp đại học.
Cha mẹ nào cũng muốn con cái trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình. Ở tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), một người cha đã lựa chọn phương pháp nuôi dạy con kiểu “đại bàng” vô cùng khắc nghiệt, dấy lên nhiều cuộc tranh luận trên mạng xã hội.
Con của ông chính là Hà Nghi Đức – cậu bé 9 năm trước gây xôn xao dư luận vì cởi trần chạy bộ dưới trời mưa tuyết. Dưới sự giáo dục của cha mình, cậu đạt được nhiều thành tích không ai ngờ tới: 4 tuổi chèo thuyền, 5 tuổi lái máy bay, 7 tuổi viết tự truyện, 11 tuổi tốt nghiệp đại học.
Điều này khiến người ta tò mò rằng cậu bé đã thật sự trải qua những gì?
Huấn luyện khắc nghiệt để cứu sống con
Hà Nghi Đức chào đời vào năm 2008. Chẳng vui mừng được bao lâu, cha mẹ cậu đã phải nhận tin dữ từ bác sĩ: đứa trẻ có khả năng bị bại não do sinh non.
Cha của Hà Nghi Đức là ông Hà Liệt Thắng – giám đốc một doanh nghiệp tư nhân ở thành phố Nam Kinh. Thay vì bỏ cuộc, ông quyết định sẽ đích thân chăm sóc và nuôi dạy kỹ lưỡng con mình, để đứa trẻ có thể lớn lên khỏe mạnh. Ông giao lại công ty cho cấp dưới, rồi một thân một mình đưa con sang Mỹ chữa trị để vợ không buồn lòng.
Bản thân Hà Liệt Thắng cũng từng là giáo viên khi còn trẻ. Sau một hồi tìm tòi, nghiên cứu, tham khảo ý kiến chuyên gia, ông đã thiết kế một chương trình đào tạo đặc biệt cho con trai mình. Vừa ra khỏi lồng ấp, cậu bé được cha cho vào chậu nước 25 độ C để tập bơi 1 tiếng/ngày.
Hơn 1 tuổi, cha con Hà Nghi Đức quay trở về Trung Quốc. Quá trình giáo dục lúc này được đẩy lên một tầm cao mới. Ông Hà Liệt Thắng muốn con phát triển toàn diện cả 10 khía cạnh: cơ thể, trí thông minh, đạo đức, cảm xúc, lòng dũng cảm, khả năng phản biện, tinh thần, sự linh hoạt, ý chí và tài chính.
Chưa đầy 2 tuổi, Hà Nghi Đức đã nhận mặt được 3.000 chữ Hán và bắt đầu học phép toán cộng, trừ, nhân, chia. Cứ đến cuối tuần, cậu lại cùng cha leo lên tận đỉnh núi Tử Kim Sơn; con đi trước, cha theo sau. Ngoài ra, đứa trẻ này còn thực hiện nhiều bộ môn thể thao khác như đi bộ nhanh 2km, chạy bộ, đi scooter, kéo dây, leo cầu thép…
Lúc nhỏ, Hà Nghi Đức thường cùng cha đi khắp nơi, mỗi ngày ít nhất 10 km. Mới 2 tuổi rưỡi, cậu đã có thể một mình đi dạo giữa đám đông tại Hội chợ triển lãm Thế giới Thượng Hải suốt 3 ngày. Khi Hà Nghi Đức lên 3 tuổi, gia đình lại đưa cậu sang Mỹ sống.
Ở trường mẫu giáo tại New York (Mỹ), học lực của Hà Nghi Đức nhanh chóng vượt qua bạn bè đồng trang lứa. Cậu chuyển từ lớp bé lên lớp nhỡ chỉ trong 1 tuần, chuyển sang lớp lớn trong 2 tuần sau đó.
Cởi trần chạy giữa trời tuyết ở New York
Vào sáng đầu năm 2012, Hà Nghi Đức và cha đón năm mới bằng việc chạy nộ trên đường phố New York. Khi ấy, nhiệt độ ngoài trời đang là -13 độ C, nhưng cậu chỉ mặc mỗi đồ lót và đi giày thể thao.
Người cha đã quay lại cảnh này và đăng tải lên mạng xã hội, gây xôn xao dư luận chỉ sau 1 đêm. Trong video, Hà Nghi Đức vừa khóc lóc, vừa đòi bỏ cuộc. Thế nhưng, được sự động viên của bố, đứa trẻ này đã hoàn thành hết quãng đường, thậm chí còn tập chống đẩy trên tuyết.
Đoạn video nhanh chóng trở thành tâm điểm chỉ trích của cư dân mạng. Bởi lẽ, chẳng cha mẹ bình thường nào lại dám để con chạy bộ trong thời tiết khắc nghiệt như vậy. Nhiều người tỏ ra hoài nghi hoặc phản đối gay gắt phương pháp huấn luyện con theo kiểu “đại bàng” của Hà Liệt Thắng. Một số người còn cho rằng đây chỉ là chiêu trò để nổi tiếng.
Dù vậy, Hà Liệt Thắng không vì những lời nhận xét của người mà dao động, kiên định với phương pháp giáo dục “đại bàng” của mình. Ông chỉ đơn giản là không muốn con trở thành một bông hoa trong lồng kính.
“Lúc đó, bác sĩ nói với tôi rằng thằng bé chỉ có thể sống đến năm 3 tuổi. Tôi muốn con được sống lâu hơn nữa”, người cha nhớ lại.
“Tự dưng tôi nghĩ đến việc chó con cùng bú chung một bầu sữa. Có con lớn lên thành chó cảnh sát, có con lại chỉ biết rong chơi suốt ngày? Tại sao vậy?”. Chính vì vậy, Hà Liệt Thắng quyết tâm thay đổi số phận của con trai mình.
Thần đồng 5 tuổi lái máy bay, 11 tuổi tốt nghiệp đại học
Thời gian đầu huấn luyện con, Hà Liệt Thắng bị gia đình phản đối kịch liệt. Nhưng khi thấy cậu bé ngày càng tốt hơn về cả thể chất lẫn tinh thàn, không ai còn nói gì nữa. 4 tuổi, Hà Nghi Đức đã trở thành thí sinh nhỏ tuổi nhất tham gia thi chèo thuyền. 5 tuổi, cậu dành chiến thắng trong cuộc thi tính nhẩm toàn quốc.
Không lâu sau, đứa trẻ này đã lái chiếc máy bay siêu nhẹ đầu tiên của Trung Quốc đến Công viên động vật hoang dã Bắc Kinh. Hà Nghi Đức bĩnh tĩnh tự mình thực hiện chuyến bay, không cần thêm sự trợ giúp từ người hướng dẫn bên cạnh và nhận về vô số lời khen.
Năm 6 tuổi, Hà Nghi Đức lại chuyển hẳn về Trung Quốc để học tiểu học. Cha bố trí thời gian biểu chi tiết cho cậu mỗi ngày: thức dậy lúc 6h45 sáng và đi ngủ lúc 8h30 tối. Ngoài các môn trên trường, đứa trẻ này còn học thêm cả Taekwondo và cờ vua. Nếu có thời gian, cha sẽ đích thân kèm cặp thêm cho cậu nâng cao kiến thức.
Để trau dồi kỹ năng kinh doanh, Hà Nghi Đức được cha đưa tới các trung tâm thương mại để học hỏi, rồi thử đi bán báo một mình trên tàu điện ngầm. Ngoài giờ học, đứa trẻ này cũng có thời gian nghỉ ngơi, đi du lịch và giao lưu với các bạn đồng trang lứa khác.
Năm Hà Nghi Đức lên 7 tuổi, cha dẫn cậu đến Cục Thương mại và Công nghiệp Nam Kinh, thành lập một công ty cho cậu đứng tên. Đứa trẻ này trở thành cổ đông lớn nhất doanh nghiệp với 40% cổ phần. Công ty cũng đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư mạo hiểm trên cả nước.
Hà Liệt Thắng cũng mời giáo viên tới nhà để dạy học cho con mình. Năm 8 tuổi, Hà Nghi Đức đã hoàn thành chương trình phổ thông bằng cách tự học. Với sự ủng hộ của cha, cậu bé này đã đăng ký thi và trúng tuyển vào Đại học Nam Kinh. Sau 2 năm học hành chăm chỉ, Hà Nghi Đức chính thức tốt nghiệp đại học Nam Kinh khi mới chỉ 11 tuổi.
Giáo dục con theo kiểu “đại bàng” có thực sự tốt?
Hà Liệt Thắng cho biết, con trai ông sẽ học tiếp lên thạc sĩ và tiến sĩ. “Thằng bé muốn trở thành doanh nhân trong lĩnh vực chế tạo người máy”, ông nói. Người cha này cũng tuyên bố sẽ hỗ trợ con trai hết mình về tài chính, nhưng sẽ để cậu tự lập sau 18 tuổi.
Bất chấp việc những thành tích ấn tượng trên, nhiều người vẫn không đồng tình với phương pháp giáo dục “đại bàng” của người cha. Trước khi đại bàng có thể bay lên trời, nhiều con đã rơi xuống vách núi bỏ mạng.
Hà Nghi Đức có thể thành công, nhưng đây chỉ là một trường hợp hiếm hoi, không có nghĩa là phương pháp giáo dục này hoàn toàn khả thi. Nếu thất bại, nó sẽ để lại vết đen trong cuộc đời đứa trẻ. Bản thân Hà Nghi Đừng cũng chia sẻ rằng mình từng rất ghét phương pháp giáo dục của cha. Sau này lớn lên, cậu mới hiểu và cảm thông hơn cho cha mình.
Có thể thấy, sở dĩ phương pháp giáo dục hà khắc này của Hà Liệt Thắng thành công bởi vì con trai ông không những phản đối mà còn tìm được niềm vui từ đó. Ông cũng không ép buộc mà giải thích cho con những lợi ích tiềm tàng nếu con làm theo.
Trên thực tế, nhiều gia đình lại chọn theo phương án giáo dục hạnh phúc, cho trẻ tự làm những gì mình thích. Tuy nhiên, họ quên rằng trẻ con chưa đủ phán đoán và tự chủ. Đối với trẻ, dù có thích đến mấy, nếu gặp khó khăn thì sẽ rút lui. Vì vậy, cha mẹ tốt nhất nên rèn con vào khuôn khổ, giúp trẻ học được tính kiên trì mới có thể thành công trong tương lai.
Giáo dục hạnh phúc không phải là bỏ mặc không quan tâm; giáo dục hà khắc cũng chỉ là dựa theo tài năng mà bồi dưỡng. Phụ huynh cần biết rằng, con mình là độc nhất vô nhị, không thể áp dụng các phương pháp giáo dục một cách mù quáng, mà nên xây dựng chương trình phù hợp với từng đứa trẻ. Đó mới là cách nuôi dạy con tốt nhất.
Dù giáo dục bằng cách nào, điều quan trọng nhất là phải trau dồi ý chí và nhân cách cho con cái mình. Có như vậy, các phương pháp giáo dục khác mới có cơ hội thành công.
(Theo qq, sohu)-Linh Hân-Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị