Đây là nơi nắm giữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc và sở hữu vị trí chiến lược giữa Nga và Mỹ ở Vòng Bắc Cực.
Đòn giáng với Trung Quốc
Nằm trên trữ lượng uranium và đất hiếm chưa khai thác, Greenland nắm giữ chìa khóa kho báu khổng lồ. Tuy nhiên, nhiều người dân Greenland lo ngại về việc liệu họ có nên cho phép thế giới khai thác những tài nguyên ấy hay không khi xét tới những rủi ro mà khai khoáng có thể đem lại cho môi trường dễ tổn thương của Bắc Cực.
Và hòn đảo tuyết phủ xa xôi này đã gửi một thông điệp rõ ràng khi các cử tri Greenland trao chiến thắng hiếm hoi cho Inuit Ataqatigiit, một đảng xã hội dân chủ của vùng lãnh thổ này.
Với một vị lãnh đạo trẻ tuổi, Inuit Ataqatigiit tranh cử cùng thông điệp hứa hẹn chấm dứt hoạt động khai khoáng quy mô lớn ở miền Nam Greenland do một công ty của Australia dẫn đầu và nhận vốn đầu tư từ Trung Quốc.
“Người dân đã lên tiếng”, lãnh đạo đảng Mute Egede nói với hãng thông tấn Đan Mạch DR và cam kết sẽ chấm dứt sự phát triển của mỏ khoáng sản Kvanefjeld.
Kết quả bầu cử ở Greenland là một đòn giáng với Trung Quốc, vốn khai thác hơn 70% lượng đất hiếm của thế giới và mong muốn duy trì ưu thế áp đảo của mình trong khi nhu cầu gia tăng.
Greenland Minerals, công ty đứng sau dự án khai khoáng cho biết Kvanefjed có “tiềm năng trở thành nhà sản xuất đất hiếm phương Tây quan trọng nhất” và có thể là “nhà cung cấp đất hiếm toàn cầu quan trọng trong nhiều thập kỷ”.
Shenghe Resources Holding Co. (Trung Quốc), một trong những nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới là cổ đông lớn nhất của Greenland Minerals và sẽ đảm nhiệm công tác xử lý đất hiếm đầy phức tạp.
Đất hiếm được sử dụng để sản xuất các thiết bị công nghệ cao, bao gồm điện thoại di động, màn hình phẳng, ô tô điện, tuốc-bin gió và vũ khí. Vì vậy, loại khoáng sản này đã nổi lên như một quân bài mặc cả chủ chốt trong thương chiến Mỹ Trung. Bắc Kinh năm 2019 đã đe dọa sẽ ngừng xuất khẩu đất hiếm và khiến ngành sản xuất của Mỹ bị chững lại.
Greenland trước ngã ba đường
Nếu kế hoạch được tiến hành, mỏ Kvanefjeld sẽ làm gia tăng phát thải CO2 ở Greenland với mức ước tính 45%, theo WSJ. Đây là điểm đáng lo ngại ở một khu vực vốn đã chứng kiến tình trạng tan băng chưa từng thấy do biến đổi khí hậu. Thêm vào đó, uranium sẽ bị khai thác như một phần của quá trình khai khoáng, dẫn tới những nguy cơ rò rỉ và chất thải phóng xạ.
“Chúng ta đứng trước nguy cơ bị bỏ lại với một đất nước không thể được sử dụng làm gì nữa, một nơi bạn không thể săn bắn hay đánh bắt bởi tất cả bị ô nhiễm”, Mariane Paviasen thuộc Đảng Inuit Ataqatigiit, người vừa được bầu vào Quốc hội Greenland nói với DR.
Những người ủng hộ khai khoáng lại cho rằng mỏ khoáng sản có thể tạo ra hàng trăm triệu USD doanh thu và hàng trăm công ăn việc làm, giúp Greenland giữ một vị thế vững chãi hơn để tách khỏi Đan Mạch.
Hiện nay Greenland đang được coi là lãnh thổ tự trị của Đan Mạch và phụ thuộc vào quốc gia Scandinavia này ở quốc phòng cùng khoản trợ cấp hàng năm 624 triệu USD cho các dịch vụ cơ bản. Khảo sát cho thấy phần lớn dân số Greenland (57.000 người) mong muốn được tách khỏi Đan Mạch.
Tuy nhiên, một số người dân trên đảo nhìn nhận việc cho nước khác khai thác khoáng sản của mình là một dạng thực dân kiểu mới. “Đó là hình thức các nước đã phát triển kiểm soát các nước ít phát triển hơn thông qua các công cụ gián tiếp”, Aili Liimakka Laue, người Greenland nói với NPR.
Dự án Kvanefjeld đã gần xóa bỏ được các rào cản về quy định hồi đầu năm nay thì tranh cãi xung quanh việc có nên tiến hành khai khoáng hay không nổ ra, gây bất đồng trong chính phủ Greenland và khiến nước này tổ chức bầu cử sớm.
Miles Guy, chuyên viên tài chính của Greenland Minerals nói với WSJ rằng công ty đã đầu tư gần 100 triệu USD vào dự án.
Ngừng hoạt động khai khoáng có thể gửi một thông điệp “phản tác dụng” tới thế giới và tạo cảm giác Greenland có thái độ thù địch với các nhà đầu tư nước ngoài, giám đốc trung tâm nghiên cứu Polar Research and Policy Initiative Dwayne Menezes cảnh báo.
Ông nhấn mạnh, Inuit Ataqatigiit vẫn chưa kêu gọi cấm cửa toàn bộ hoạt động khai khoáng và thách thức tiếp theo của đảng này là làm rõ rằng Greenland “vẫn mở cửa cho hoạt động kinh doanh và vẫn là một nơi đầy hấp dẫn, ổn định cho đầu tư”.
Mặc dù Egede nói với hãng thông tấn Đan Mạch rằng chiến thắng của Inuit Ataqatigiit đồng nghĩa với việc dự án khai khoáng Kvanefjeld chính thức bị khai tử nhưng nhiều khả năng trong tương lai gần nó sẽ dừng lại ở mức đóng băng.
Ngoài việc nắm giữ trữ lượng đất hiếm lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc, Greenland còn sở hữu vị trí chiến lược giữa Nga và Mỹ ở Vòng Bắc Cực, có nghĩa là nơi này sẽ ngày càng thu hút sự quan tâm của các cường quốc thế giới.
Năm 2019, cựu Tổng thống Donald Trump Mỹ từng thúc đẩy các cố vấn thân cận xem xét liệu Mỹ có thể mua lại vùng lãnh thổ này từ Đan Mạch hay không. Và trong khi Mỹ xây dựng lực lượng ở Căn cứ Không quân Thule, tiền đồn của nước này tại phía Bắc Greenland thì Trung Quốc cũng đang rục rịch thiết lập sự hiện diện.
“Đây là một thông điệp rất rõ ràng người dân Greenland gửi cho Trung Quốc và thế giới: Kể cả khi phát triển kinh tế giúp Greenland có được độc lập thì vẫn không thể là lý do cho phá hoại môi trường”, Mikka Mered – giảng viên đại học kinh tế HEC (Pháp) nói với Liberation.
Bà Mered lưu ý một điểm: Cử tri từ 18-60 tuổi chủ yếu ủng hộ Inuit Ataqatigiit và kêu gọi chấm dứt dự án khai khoáng, trong khi những người hơn 60 tuổi nghiêng về ủng hộ Siumut và thúc đẩy Greenland độc lập về tài chính.
Với kết quả bỏ phiếu phản đối khai khoáng, người Greenland cũng đồng thời gửi thông điệp tới Mỹ và các nước châu Âu, vốn xem hòn đảo này như một “kho báu tài nguyên”, Mered nói.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị