TQ bắt đầu tăng cường đầu tư vào Uzbekistan nhưng không vì thế mà hình ảnh Bắc Kinh trở nên tích cực hơn, trái lại càng khiến người dân bản địa lo lắng.
Gặp khó ở Kazakhstan
Thực tế trước đó, tại Trung Á, Trung Quốc luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho Kazakhstan. Tuy nhiên, do các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc nổ ra rầm rộ ở Kazakhstan nên Trung Quốc đã bắt đầu điều chỉnh chiến lược. Trong những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng chú ý nhiều hơn đến Uzbekistan, một quốc gia quan trọng khác ở Trung Á.
Việc tăng cường hợp tác với Uzbekistan có thể giúp Trung Quốc cân bằng quan hệ với Kazakhstan.
Một số nhà phân tích Trung Á nói rằng, do chưa xuất hiện các cuộc biểu tình phản đối nên những hoạt động của Trung Quốc ở Uzbekistan được cho sẽ dễ thở hơn.
Sau khi Tổng thống Shavkat Mirziyoyev nhậm chức, ông bắt đầu thúc đẩy một loạt chính sách cải cách nhằm mở cửa đất nước, điều này mang đến cơ hội mới cho Trung Quốc nhằm tăng cường các hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư tại Uzbekistan.
VOA (Mỹ) dẫn lời một học giả Kazakhstan về các vấn đề Trung Quốc cho rằng, kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Trung Quốc và Kazakhstan đã suy giảm trong những năm gần đây, nhưng nó vẫn tiếp tục phát triển với Uzbekistan.
Kể từ năm 2010, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Kazakhstan liên tục giảm. Năm 2010, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 20 tỷ USD. Trong hai năm 2019-2020, kim ngạch thương mại giữa hai nước dao động trong khoảng 14 tỷ đến 15 tỷ USD. Còn trong những năm từ 2014 đến 2016, kim ngạch thương mại song phương hàng năm thậm chí không đạt 10 tỷ USD.
Quy mô nền kinh tế Trung Quốc là rất lớn và Kazakhstan giáp biên giới với Trung Quốc, do đó, quy mô thương mại quy mô nhỏ là rất không cân xứng.
Đầu tư của Trung Quốc vào Kazakhstan cũng đang giảm. Từ năm 2013 đến năm 2020, tỷ trọng đầu tư nước ngoài của Trung Quốc vào Kazakhstan đã giảm từ 9,3% xuống 4,7%.
Truyền thông Kazakhstan cho biết, Nga và Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Kazakhstan. Trong số các khoản nợ nước ngoài của Kazakhstan, Trung Quốc đứng thứ ba về quy mô. Còn trong số các nhà đầu tư nước ngoài của Kazakhstan, Trung Quốc cũng chỉ đứng thứ năm.
TQ quay sang Uzbekistan
Trong khi đó tại Uzbekistan, kể từ năm 2015, Trung Quốc đã vượt qua Nga và là đối tác thương mại lớn nhất của Uzbekistan trong nhiều năm. Theo số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Uzbekistan công bố, kim ngạch thương mại giữa Uzbekistan và Trung Quốc đạt hơn 7,6 tỷ USD trong năm 2019, tăng 16,8% so với năm 2018. Tuy nhiên, do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã giảm trong năm ngoái xuống còn 6,4 tỷ USD.
Uzbekistan đã mở lãnh sự quán tại Quảng Châu vào tháng 10 năm ngoái, trở thành lãnh sự quán thứ hai sau Thượng Hải với mục đích chính là phát triển hơn nữa quan hệ kinh tế và thương mại với Trung Quốc.
Mặc dù quy mô đầu tư của Trung Quốc mà Uzbekistan nhận được không lớn bằng Kazakhstan nhưng tốc độ tăng trưởng đầu tư của Trung Quốc vào nước này tăng rất nhanh, phủ rộng nhiều lĩnh vực như viễn thông, sản xuất xe tải hạng nặng, năng lượng, quân sự v.v…
Người phát ngôn Cục Thống kê Quốc gia Uzbekistan năm ngoái từng cho biết, Trung Quốc đã vượt qua Nga để trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Uzbekistan. Năm 2019, tỷ trọng đầu tư nước ngoài của Trung Quốc tại Uzbekistan đạt 26,2%. Tính đến đầu năm ngoái, số lượng công ty có vốn đầu tư Trung Quốc hoạt động tại Uzbekistan đã lên tới con số 1.650, so với 1.820 công ty có vốn của Nga.
Uzbekistan và Trung Quốc đang thảo luận về việc xây dựng dự án đường sắt từ Tân Cương qua Kyrgyzstan đến Uzbekistan. Đây có thể là một giải pháp thay thế cho tuyến đường vận chuyển từ Cảng Khorgas ở Tân Cương đến Kazakhstan.
Uzbekistan cũng đang xúc tiến các kế hoạch hợp tác ở Trung Á và Nam Á. Một số dự án này bao gồm xây dựng đường dây điện cao thế từ Uzbekistan đến Afghanistan, và đường sắt từ Uzbekistan qua Afghanistan đến Pakistan hoặc Ấn Độ. Uzbekistan rất kỳ vọng Trung Quốc tham gia các dự án này.
Mối quan hệ hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực an ninh cũng ngày càng được nâng cao. Quân đội Uzbekistan, vốn có truyền thống sử dụng các thiết bị do Nga sản xuất, đã bắt đầu mua các hệ thống tên lửa phòng không và các thiết bị quân sự khác từ Trung Quốc vào năm 2017. Cơ quan an ninh và tình báo của hai bên cũng ngày càng có nhiều tương tác và hợp tác trong các vấn đề Afghanistan. Truyền thông Uzbekistan cho rằng Trung Quốc có thể sẽ thiết lập một nền tảng hợp tác mới với Uzbekistan về các vấn đề Afghanistan. Hoặc Uzbekistan có thể tham gia vào cơ chế bốn bên Trung Quốc-Tajikistan-Pakistan-Afghanistan hiện có.
Ngoài ra, Trung Quốc và Uzbekistan cũng đang cùng phát triển và sản xuất vắc xin Covid-19. Lô 1 triệu liều vắc xin đầu tiên của Trung Quốc đã đến thủ đô Tashkent vào cuối tháng 3.
Gió có thể đảo chiều
Chuyên gia Nga Andrei Grozin nói rằng, dân số Uzbekistan có thể chiếm một nửa Trung Á, và cơ cấu dân số rất trẻ. Đất nước này có tiềm năng lớn về nhiều lĩnh vực như kinh tế, thị trường, chính trị nên rất có sức hút với nhiều quốc gia. Về mặt địa lý, Uzbekistan giáp với tất cả các nước ở Trung Á, phía nam giáp Afghanistan.
“Không chỉ Trung Quốc, mà tất cả các cường quốc muốn hoạt động ở Trung Á đều không thể tách rời Uzbekistan“, ông Grozin nói.
Theo ông này, quân đội Uzbekistan có năng lực tác chiến mạnh nhất Trung Á. Không những vậy, nhiều vấn đề ở Trung Á không thể giải quyết nếu không có sự tham gia của Uzbekistan, đặc biệt là vấn đề ở Afghanistan.
Năm hoặc sáu năm trước, Uzbekistan được coi là nước ít phụ thuộc nhất vào Trung Quốc ở Trung Á, nhưng hiện nay Trung Quốc chiếm khoảng 1/5 nợ nước ngoài của Uzbekistan. Sự phụ thuộc ngày càng sâu vào Trung Quốc cũng đã dần dần thay đổi thái độ của xã hội Uzbekistan đối với Trung Quốc.
VOA cho biết, theo một cuộc thăm dò tại Uzbekistan, trong năm 2019, có tới 65% người Uzbekistan rất ủng hộ các dự án đầu tư và hợp tác của Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng tại địa phương. Nhưng chỉ một năm sau đến năm 2020, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 48%.
Đồng thời, nhiều người Uzbekistan bắt đầu lo lắng về Trung Quốc. Số người Uzbekistan lo sợ nước này rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc đã tăng từ 7% vào năm 2019 lên 25% vào năm 2020.
Một số nhà phân tích Trung Á nhận định, Trung Quốc từng nghĩ rằng dựa vào đầu tư để lấy lòng người dân bản địa nhưng chiến lược này đã không hiệu quả ở Kazakhstan. Trung Quốc hiện đã quay sang Uzbekistan, khiến Uzbekistan trở thành một trong hai quốc gia quan trọng nhất ở Trung Á. Do đó, ảnh hưởng của Trung Quốc cũng sẽ mở rộng, nhưng hình ảnh của Trung Quốc có thể tồn tại ở Uzbekistan trong bao lâu mà không bị xấu đi rất đáng để quan sát.
Được biết, Uzbekistan đang nỗ lực đạt được sự cân bằng giữa ba lực lượng Trung Quốc, Nga và phương Tây. Cụ thể, Uzbekistan sẽ tăng cường mối quan hệ với Cộng đồng Kinh tế Á-Âu, Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể do Nga dẫn đầu và Ủy ban Hợp tác Các Quốc gia ngữ hệ Turk do Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị