Hơn 10 năm qua, dù bị tâm thần, ông Đợi mỗi ngày vẫn đi lượm ve chai và bổ củi thuê để kiếm tiền nuôi mẹ già.
Bà Nguyễn Thị Đẹt (94 tuổi, ngụ khu vực Thới Trinh A, P.Thới An, Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ) có 5 người con nhưng 2 người đã mất từ lâu. Hai người khác có gia đình nhưng nghèo, không thể chăm lo cho mẹ già. Ông Nguyễn Văn Đợi (54 tuổi) khù khờ nhưng lại là điểm tựa duy nhất của bà trong những năm tháng tuổi già.
Dù đã 50 tuổi nhưng tình thương của ông Đợi với người mẹ già vẫn cứ chân chất, hồn nhiên như một đứa trẻ nhỏ. Ông mắc chứng tâm thần nhẹ, không lấy vợ mà chỉ muốn sống cùng mẹ. “Tui điên mà, điên thì ai mà lấy đâu. Ở vậy nuôi bả được rồi”, ông Đợi cười xòa, tâm sự với PV PLO.
Một ngày chăm mẹ của người đàn ông khù khờ
Hơn 10 năm trước, khi còn khỏe, cụ Đẹt cùng người con trai khờ đi bổ củi thuê kiếm tiền sinh hoạt. Về sau, cụ già yếu và bệnh tật liên miên nên chỉ nằm một chỗ, cậy nhờ ông Đợi lo liệu.
Mỗi ngày, từ sáng sớm, ông Đợi đi nhặt ve chai, nhiều thì kiếm được 20.000 – 30.000 đồng. Những ngày có người thuê bổ củi, ông làm từ sáng đến chiều thu nhập được khoảng 100.000 đồng/ngày. Kiếm được bao nhiêu tiền ông gom lại để lo cho mẹ. Cũng có nhiều hôm không ai thuê bổ củi, nhặt ve chai không được nhiều, hai mẹ con ông phải tạm húp cháo qua ngày.
Cả ngày của ông chỉ quanh quẩn đi nhặt lon nước, chai nhựa bán kiếm tiền rồi đi chẻ củi thuê cho người ta. Thời gian còn lại thì thay tã cho má, rồi chạy ra sau nhà nhóm củi nấu nước, vo gạo nấu nồi cháo… Người khác nhìn vào thì thấy tẻ nhạt, còn với ông Đợi lại thấy vui.
Có lần được PV Trí Thức Trẻ hỏi: “Ở một mình nuôi má có thấy cực không?”, ông hồn nhiên trả lời:
– Cực gì trời, vui quá chừng luôn đó. Vui nên cười cả ngày nè! Hồi xưa má nuôi mình lớn, giờ tới lượt mình nuôi má.
“Tui thương má nhứt trên đời!”
Có lẽ điều khiến người ta ấn tượng nhất về người đàn ông khờ dại này là tình yêu thương của ông đối với mẹ già.
Ông Đợi chăm sóc mẹ rất chu đáo. Hôm nào nhặt ve chai được nhiều tiền, ông liền mua thức ăn ngon cho mẹ. Biết mẹ già sức yếu, ăn uống trệu trạo nên ông chịu khó chia nhiều cữ đút cho mẹ ăn. Tính người già lại giống như trẻ con, nhiều khi phụng phịu không muốn ăn, ông phải dỗ dành, năn nỉ đến khi mẹ dùng hết thức ăn.
Ông Đợi kể, buổi sáng, tranh thủ lúc má ngủ, ông ra chợ mua chút đồ ăn rồi đi lượm ve chai đem bán vì “phải đi sớm chứ má thức dậy không thấy mình ở nhà, má buồn. Có bữa tui đi hơi lâu má té xuống giường luôn. Nên bây giờ tui hông dám để má ở nhà một mình lâu.”
Mỗi lần đi làm về, ông Đợi đều nhanh chóng chạy đến bên giường, nắm đôi bàn tay gầy guộc, ôm mẹ vào lòng, nói: “Tội nghiệp má quá, thương má lắm đó”…
Họ hàng và những người biết ông Đợi, ai cũng vừa thương vừa cảm động trước tình cảm của ông dành cho mẹ. Một người hàng xóm nhà sát bên nói: “Tôi chưa thấy ai có hiếu như ông Đợi. Ổng làm cái gì cũng nghĩ tới mẹ, nói cái gì cũng mẹ”.
Điều khiến ông Đợi lo sợ nhất là một ngày nào đó không còn được thấy mẹ nữa “Bả mà đi rồi tui không biết làm sao à. Nhiều lúc nghĩ tới mà ứa nước mắt luôn. Bả nằm đó còn thấy mặt được chứ bả chết rồi sao mà thấy được mặt bả…”, ông nói với giọng đầy lo lắng.
Có lẽ bất cứ người cha người mẹ nào cũng mong muốn có con, cháu làm chỗ dựa khi đau ốm lúc cô quạnh tuổi già. Ông Đợi dù không lanh lợi, không nhiều tiền lắm của, đối với người khác ông ấy có thể không có gì cả, chỉ có một tâm hồn ngây dại, nhưng ông lại luôn giữ được chữ “Hiếu” trong tâm khiến người đời cảm phục. Thế mới nói, báo Hiếu không cần điều kiện, chẳng cần tiền, chẳng cần lợi, chỉ trọng tấm lòng của người con.
Thanh Hà (tổng hợp)