Ông Lorenzana cho rằng, việc tiếp tục hiện diện của dân quân biển Trung Quốc ở khu vực đã bộc lộ ý đồ xâm chiếm thêm các thực thể trên biển.
Là một bên tham gia Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC), Trung Quốc nên kiềm chế các hoạt động làm ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh khu vực cũng như quốc tế, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Lorenzana nói trong tuyên bố hôm thứ Hai (5/4).
Tuyên bố của ông Lorenzana được đưa ra nhằm đáp trả lại lập luận của Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila về việc tàu cá của nước này hiện diện ở bãi Ba Đầu, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ông Lorenzana cũng nói thêm rằng, việc tiếp tục hiện diện của dân quân biển Trung Quốc ở khu vực đã bộc lộ ý định xâm chiếm thêm các thực thể trên biển.
Trung Quốc đã từng làm như vậy trước đây với bãi Scaborough, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines nhấn mạnh.
Philippines trước đó đã lên án việc hơn 200 tàu cá của Trung Quốc neo đậu ở khu vực đá Ba Đầu.
Tuy nhiên, Đại sứ quán Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc rằng các tàu này thuộc lực lượng dân quân biển. Đồng thời, tuyên bố đây là hoạt động tránh trú bình thường của các tàu cá Trung Quốc trong điều kiện thời tiết bất lợi.
“Tôi không phải kẻ ngốc. Thời tiết hiện vẫn tốt, vì vậy họ không có lý do nào để neo đậu lại. Các tàu này nên rời khỏi đây”, ông nói.
Hôm thứ Bảy, ông Lorenzana cũng cho biết vẫn còn 44 tàu Trung Quốc trong số họ trong khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines nhấn mạnh, Tuyên bố về Đường chín đoạn của Trung Quốc là không có bất kỳ cơ sở thực tế hoặc pháp lý nào. Điều này, cùng với cái gọi là quyền lịch sử mà Bắc Kinh đưa ra, đã bị Tòa Trọng tài thường trực quốc tế tại The Hague bác bỏ thẳng thừng.
Chiều 25/3, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng đã khẳng định, hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải của quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.
Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hơp với luật pháp quốc tế. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam , thiện chí thực hiện Công ước, nghiêm chỉnh tuân thủ DOC, đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán COC, đóng góp vào việc duy trì hoà bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển, bà Hằng nói.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị