Là kỳ tài võ học được gọi người ta gọi bằng “vua Kung Fu”, Lý Liên Kiệt cũng nhiều lần bị đem ra so sánh với Lý Tiểu Long. Nhưng bằng cách hành xử khôn khéo, ông đã nhiều lần thoát được “đòn hiểm” từ phía phóng viên.
Lý Liên Kiệt là một nam diễn viên võ thuật nổi tiếng người Trung Quốc. Ngoài vai trò diễn viên, ông còn được biết tới là nhà sản xuất, nhà hoạt động từ thiện.
Người Trung Hoa nhắc đến Lý Liên Kiệt là biểu tượng của sự ngạo nghễ về võ thuật truyền thống, là ông hoàng điện ảnh tầm cỡ thế giới. Ông cũng được gọi là vua Kung Fu, là nhất đại tông sư phiên bản “Diệp Vấn thế kỷ 21”.
Thế nhưng, ngay từ thuở nhỏ, giống như đàn anh Lý Tiểu Long, Lý Liên Kiệt không có một thể trạng tốt cho việc học võ. Ông yếu đuối, lại sống trong một gia đình có quá nhiều áp lực, nên nhiều lần đã định bỏ cuộc. Nhưng được sư phụ là võ sư Ngô Bân động viên, ông mới vượt qua được. Dần dần, sau những giải thi đấu nội địa, ông được nhiều người biết đến hơn. Thậm chí còn vinh dự từng biểu diễn võ thuật Trung Hoa tại Nhà Trắng năm 1974 cho Tổng thống Mỹ Richard Nixon xem.
Khi nhắc tới ông, người ta nghĩ ngay tới hình ảnh nhân vật Hoàng Phi Hồng.
Khác với quyền pháp đa dạng của Thành Long hay những đòn tiến công sắc bén của Chân Tử Đan, phong cách công phu của Lý Liên Kiệt có nét tiêu sái dứt khoát, như mây trôi nước chảy, mang đậm tính chính nghĩa, vô cùng bắt mắt. Những bộ phim kinh điển của Lý Liên Kiệt như “Thiếu Lâm Tự”, “Hoàng Phi Hồng, “Phương Thế Ngọc”… đã đưa ông lên tới đỉnh cao vinh quang, được cả thế giới biết đến.
Không chỉ có tài trong võ học và diễn xuất, trí tuệ cảm xúc của Lý Liên Kiệt cũng được truyền thông đánh giá rất cao. Điển hình như, trong một chương trình talkshow, Lý Liên Kiệt đã được một phóng viên hỏi rằng: “Nếu tiến hành thực chiến với Lý Tiểu Long, liệu anh có đủ tự tin chiến thắng hay không?”
Trong làng võ, Lý Tiểu Long là đàn anh của Lý Liên Kiệt, nếu nói bản thân sẽ chiến thắng đồng nghĩa hạ thấp trình độ của tiền bối, có thể để lại ấn tượng kiêu ngạo và vô lễ. Nhưng ngược lại, cũng không thể tự nói bản thân sẽ thua, hoặc không có tự tin để chiến thắng, khiến người xem cho rằng mình yếu đuối, nhu nhược.
Đối mặt với tình huống khó xử này, Lý Liên Kiệt đã mỉm cười, rồi điềm nhiên trả lời: “Đàn anh Lý Tiểu Long là một cao thủ công phu xuất chúng, cũng là người đã làm rạng rỡ nền Kung Fu của nước ta, đem tới ảnh hưởng mang tầm thế giới. Nhưng đó không còn là công phu truyền thống, mà đã trở thành môn nghệ thuật mới được đúc kết từ rất nhiều loại võ học khác nhau như karate, quyền anh, quyền Thái. Đó là lối đi riêng cho sự nghiệp võ thuật của anh ấy mà chúng ta không thể đặt lên bàn cân để so sánh được, vì đây vốn là hai phạm trù khác nhau.”
Trong làng giải trí Trung Quốc, nữ diễn viên Dương Mịch cũng là người được mệnh danh có EQ khá cao thông qua những câu trả lời phỏng vấn khôn khéo. Khi được hỏi có bao giờ lo lắng vì thấy Địch Lệ Nhiệt Ba hot hơn hay không, bà mẹ một con này đã trả lời không đắn đo: “Có gì mà phải lo lắng nhỉ? Cô ấy là nghệ sĩ của công ty chúng tôi, cô ấy càng hot, công ty lại nổi tiếng”.
Một câu nói đã có thể gạt đi ý đồ “khơi mào mâu thuẫn” của phóng viên với mối quan hệ không mấy hòa thuận giữa Dương Mịch và Địch Lệ Nhiệt Ba, giúp cô ghi điểm trong mắt công chúng.
Từ đây, có thể thấy rằng, EQ cao chưa chắc đã đưa bạn tới thẳng thành công, nhưng sẽ giúp bạn vượt qua rất nhiều hiểm cảnh dẫn tới thất bại.
Không phải tự nhiên mà Bill Gates đã phải nói rằng: “Tôi từng có cái nhìn rất ngây thơ về những kỹ năng khác và nghĩ rằng, nếu ai đó có IQ cao, họ sẽ giỏi tất cả mọi thứ.”
Trong buổi trò chuyện với tác giả, nhà soạn nhạc, diễn viên Lin-Manuel Miranda ở thành phố New York (Mỹ) hồi năm 2018, vị tỷ phú tự thân sau đó đã hiểu ra, có nhiều hình thức thông minh khác nhau, và chìa khóa để thành công là tìm thấy kiểu thông minh mà chúng ta sở hữu.
Trước kia, trí tuệ và sự thông minh, được thể hiện bằng chỉ số IQ là nhân tố quan trọng hàng đầu để bạn được mọi người coi trọng. Nhưng dần dần, người ta cũng nhận ra, chỉ số cảm xúc EQ cũng cần đầu tư phát triển mạnh mẽ vì đó là nền tảng giúp bạn tồn tại tốt nhất ở bất cứ đâu, trong bất cứ công việc gì, dù là cuộc sống gia đình hay bên ngoài xã hội.
EQ có thể cho thấy tiềm năng của một người. Chẳng hạn như, giữa một người thông minh kiểu thông tuệ kiến thức trong sách vở và một một người thông minh kiểu lanh lẹ trong ứng xử cuộc sống, ai sẽ là người dễ tồn tại hơn?
Ngày nay, rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có trí thông minh cảm xúc tốt thì hiệu suất làm việc sẽ càng cao. Bởi vậy, trong quá trình tuyển dụng và hoạt động, các công ty cũng ưu tiên ứng viên nào có chỉ số EQ và luôn chú trọng quá trình đào tạo, trau dồi thêm kỹ năng ứng xử, giao tiếp thông thường.
Trong một nghiên cứu năm 1998, Daniel Goleman – là một nhà tâm lý học của Đại học Harvard và là tác giả của những cuốn sách về trí thông minh cảm xúc bán chạy nhất, ông khẳng định một điều: EQ là yếu tố xác định 80% – 90% sự khác biệt giữa một nhà lãnh đạo xuất sắc với một nhà lãnh đạo trung bình.
Tương tự như vậy, tỷ phú Warren Buffett cũng nói: “Thành công trong đầu tư không liên quan gì tới chỉ số IQ. Nếu bạn chỉ thông minh ở mức trung bình, điều bạn cần là khí chất”. Cho thấy, ông đánh giá EQ là yếu tố tác động mạnh đến hạnh phúc và thành công cho nhà lãnh đạo và chủ doanh nghiệp.
Đây là những mối liên hệ mật thiết giữa chỉ số trí tuệ cảm xúc và con đường dẫn tới thành công của một người mà ai cũng dễ dàng nhận ra. Chính vì điều đó, chúng ta cần làm việc thật chăm chỉ, phấn đấu để trau dồi EQ của bản thân, liên tục áp dụng nó vào thực tế để sửa đổi và rút kinh nghiệm.
Không giống IQ là chỉ số bẩm sinh đã có, chúng ta có thể điều khiển những nỗ lực và cố gắng của bản thân để nâng cao khả năng đối nhân xử thế của mình, qua đó phát triển trí tuệ cảm xúc theo phương hướng tích cực. Cả quá trình này đã biểu hiện một loại trí tuệ cảm xúc tốt nhất: Cố gắng trau dồi một tư duy về sự phát triển không ngừng và sử dụng tri thức của bạn theo cách bạn có thể tự hào.
Dương Mộc-Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị