Trong khi đó, quan chức TQ cho rằng, TQ đang bị đối xử bất công bởi dù nước này có nỗ lực cải thiện “tích cực” thế nào thì vẫn bị phương Tây chỉ trích.
Trong những ngày qua, Bắc Kinh một lần nữa dùng chiến thuật ngoại giao chiến lang để đối đầu với chính phủ các nước và các công ty nước ngoài về vấn đề nhân quyền ở Tân Cương.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đăng trên dòng tweet vào ngày 25/3, so sánh bức ảnh chụp những người lao động da đen và chủ trang trại trên cánh đồng bông ở Mississippi, Mỹ năm 1908 với bức ảnh những nông dân tươi cười trên cánh đồng bông ở Tân Cương năm 2015. Dòng tweet ám chỉ Mỹ, quốc gia có lịch sử sử dụng nô lệ, không đủ tư cách để chỉ trích Trung Quốc.
Cùng ngày, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa cũng đưa ra bức ảnh cánh đồng bông ở Tân Cương, nhấn mạnh rằng “gần 70% bông của Tân Cương đã được cơ giới hóa và không có cáo buộc lao động cưỡng bức ở Tân Cương”.
Trước đó, vào ngày 21/3, Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp đã thông báo về việc chấm dứt kỷ nguyên “ngoại giao cừu non” trên trang thông tin và tài khoản Twitter chính thức.
Trong cuộc đối thoại cấp cao Mỹ-Trung diễn ra ở Alaska mới đây, trưởng đoàn phía Trung Quốc Dương Khiết Trì đã đưa ra những lời lẽ đanh thép, phản bác gay gắt ngay trước truyền thông khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhắc đến Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông, ví dụ “Mỹ không đủ tư cách để nói chuyện với Trung Quốc một cách trịch thượng, người Trung Quốc sẽ không bị lừa vì chiêu trò này”.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Antonio Rubio nói với VOA (Mỹ) rằng: “Các quan chức Trung Quốc thường chỉ làm điều đó trong các cuộc họp kín. Đây có thể là lần đầu tiên tôi thấy thái độ đó trong một cuộc họp công khai. Tôi nghĩ, đây là hành vi được nội bộ Bắc Kinh rất tán thành“.
“Tôi nghĩ rằng ngoại giao chiến lang sẽ trở thành một hình thức ngoại giao chủ đạo [của Trung Quốc]”, Giáo sư Quan hệ quốc tế và Chính trị học tại Đại học Bucknell, Mỹ, Zhu Zhiqun nói. “Bởi vì nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nói, chúng ta [Trung Quốc] có thể ngang tầm nhìn thế giới được rồi. Nhưng liệu chiến lược này có ích cho Trung Quốc hay không lại là một vấn đề khác“.
Cưỡi trên lưng cọp
Thuật ngữ ngoại giao chiến lang xuất hiện vào khoảng năm 2019. Vào thời điểm đó, một trong những người đại diện cho hình thức ngoại giao này là người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên. Ông Triệu đã sử dụng tài khoản Twitter để phản bác những tiếng nói chỉ trích Trung Quốc. Kể từ đó, các nhà ngoại giao khác của Trung Quốc đã gia nhập hàng ngũ này.
Giáo sư Zhu cho rằng trên thực tế, từ quan điểm đối nội, ngoại giao Trung Quốc bắt đầu mang tính công kích kể từ năm 2008. Năm 2008, Trung Quốc đăng cai thành công Thế vận hội Mùa hè và đến năm 2010 GDP của nước này đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Ông nói: “Trong những năm gần đây, Bắc Kinh thường kêu gọi các giới phải có tinh thần chiến đấu và quảng bá sâu rộng câu chuyện tốt đẹp về Trung Quốc. Điều này khuyến khích các nhà ngoại giao, hoặc người phát ngôn của Bộ Ngoại giao, có lập trường cứng rắn hơn“.
Về môi trường bên ngoài, ông Zhu chỉ ra, Trung Quốc bị các nước phương Tây chỉ trích về các chính sách đối nội, đặc biệt là các chính sách ở Tân Cương và Hồng Kông, “cho nên giới chức ngoại giao Trung Quốc như cưỡi hổ khó xuống. Đối nội cần nâng cao tình cảm chủ nghĩa dân tộc trong khi đối ngoại, không thể thể hiện sự yếu đuối, đồng nghĩa tình trạng này rất khó thay đổi trong thời gian ngắn”.
Sói chiến cô độc
Với tác động tích lũy của ngoại giao chiến lang, chiến thuật “hiếu chiến” này cũng đã mang lại một số rắc rối cho Trung Quốc.
Trong năm qua, quan hệ của Trung Quốc với các cường quốc tiếp tục xấu đi. Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong 40 năm. Các nước phương Tây và Trung Quốc đã sa vào loạt khẩu chiến về nhiều vấn đề như đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ, Covid-19, Luật An ninh Quốc gia đối với đặc khu hành chính Hồng Kông v.v….
Về mặt tuyên truyền, Trung Quốc phản đối các cáo buộc về đại dịch Covid-19 cùng màn “ăn miếng trả miếng” trả đũa kinh tế đối với các nước khác, điều này càng làm tổn hại hình ảnh quốc tế của Trung Quốc.
Một cuộc khảo sát do Gallup thực hiện tại Mỹ ngày 16/3 cho thấy, 45% người Mỹ hiện coi Trung Quốc là kẻ thù số một của Mỹ, con số này đã tăng gấp đôi so với một năm trước.
Trên toàn thế giới, một cuộc thăm dò do Trung tâm Nghiên cứu Pew ở Mỹ thực hiện trên 14 quốc gia phát triển cho thấy quan điểm tiêu cực của nhiều quốc gia đối với Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục.
“Tác động của ngoại giao chiến lang thực sự gây bất lợi cho không gian chiến lược và sự phát triển trong tương lai của Trung Quốc, bởi vì ngoại giao chiến lang kết hợp với những yếu tố trên khiến thế giới hoàn toàn không tin tưởng vào Trung Quốc“, Giáo sư Xia Ming, thuộc Đại học New York nói.
Susan Shirk, Giáo sư tại Đại học California, San Diego và từng là Phó trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề châu Á – Thái Bình Dương, nói với The New York Times rằng Bắc Kinh đang khuyến khích các nhà ngoại giao thể hiện thái độ gay gắt, điều này khiến mọi cuộc đàm phán đều trở nên khó hơn. Nhưng về lâu dài, Trung Quốc đang gieo mầm mống của sự ngờ vực và cuối cùng sẽ làm tổn hại đến lợi ích của chính họ.
Trong khi đó, cựu phóng viên Bloomberg tại Trung Quốc Peter Martin nói rằng, một nhà ngoại giao Trung Quốc giấu tên than vãn rằng: “Chúng tôi cảm thấy điều đó rất không công bằng. Bất kể chúng tôi làm gì, chúng tôi muốn cải thiện hình ảnh quốc tế của Trung Quốc hay giải thích các chính sách của Trung Quốc ra sao thì Mỹ và các nước phương Tây vẫn sẽ chỉ trích chúng tôi“.
Ông Martin nói, điều này cho thấy nhiều nhà ngoại giao Trung Quốc thực sự nghĩ rằng họ chỉ phòng thủ và đang bảo vệ lợi ích quốc gia.
Giáo sư Zhu nhận định: “Bởi vì mục đích của ngoại giao là để kết bạn nhiều hơn. Nếu kết quả của ngoại giao tạo ra nhiều kẻ thù, bất kể phương thức là gì, thì ngoại giao của bạn là một thất bại. Tình hình mới nhất là hình ảnh quốc tế của Trung Quốc không hề được nâng cao, có nghĩa là có vấn đề“.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị