Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì từng có màn đối đầu căng thẳng với cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton vào năm 2010 tại hội nghị Diễn đàn khu vực ASEAN ở Hà Nội.
Ông Dương Khiết Trì, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, đang tạo ra “cơn sốt” lớn trong công chúng nước này với những phát ngôn cứng rắn nhằm vào các quan chức Mỹ, trong khuôn khổ đối thoại cấp cao Mỹ-Trung Quốc diễn ra tại Alaska hai ngày 18-19/3 vừa qua.
Hơn 10 năm trước, người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc cũng từng có màn đụng độ “nảy lửa” với Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Hillary Clinton. Phản ứng và tuyên bố trịch thượng của đại diện Trung Quốc lúc ấy đã chỉ trích trong suốt nhiều năm sau này.
Bà Clinton “quật ngã” Trung Quốc bằng vài câu nói
Trong cuốn hồi ký Hard Choices (Những lựa chọn khó khăn) xuất bản năm 2014, bà Clinton tiết lộ tình huống diễn ra trong hội trường phiên họp của hội nghị Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 17, tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 7/2010 – thời điểm bà Clinton giữ chức Ngoại trưởng Mỹ và ông Dương Khiết Trì làm Ngoại trưởng Trung Quốc.
Theo đó, tại phiên họp Ngoại trưởng Clinton tuyên bố rằng một giải pháp hòa bình cho vấn đề bất đồng lãnh thổ tại khu vực biển Đông nằm trong “lợi ích quốc gia” của Mỹ.
Bà đại diện cho chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama thúc đẩy một giải pháp đa phương cho vấn đề biển Đông, trong khi Bắc Kinh thời điểm đó hướng tới các đối thoại song phương với từng bên tranh chấp.
Bà Clinton nói Mỹ có “lợi ích quốc gia đối với tự do hàng hải, tiếp cận cởi mở với các vùng biển chung ở châu Á, tôn trọng luật pháp quốc tế ở biển Đông” và bày tỏ sự ủng hộ đối với một “tiến trình ngoại giao hợp tác”.
“Đến cuối tuyên bố, tôi thấy Dương Khiết Trì giận tái cả mặt!” – bà Clinton thuật lại trong hồi ký.
“Ông ta yêu cầu ngưng phiên họp 1 tiếng đồng hồ trước khi trả lời. Khi trở lại, nhìn thẳng vào mắt tôi, ông Dương Khiết Trì bác hẳn chủ đề biển Đông và cảnh báo mọi can thiệp từ bên ngoài.”
Tạp chí New Republic (Mỹ) dẫn một số báo cáo nói ông Dương đã đột ngột đứng dậy rồi rời khỏi hội trường cuộc họp sau tuyên bố của bà Clinton và trở lại sau khoảng 1 tiếng đồng hồ, rồi bắt đầu một bài phát biểu “độc diễn” kéo dài suốt 30 phút.
Washington Post dẫn lời các quan chức Mỹ và châu Á cho hay, ông Dương cáo buộc Mỹ âm mưu chống lại Bắc Kinh trong vấn đề biển Đông và thậm chí có thái độ đe dọa nhằm vào các quan chức khu vực có mặt.
“Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác là nước nhỏ, thực tế là vậy,” ông Dương Khiết Trì nói trong khi nhìn thẳng vào Ngoại trưởng George Yeo của Singapore, và ông Yeo cũng nhìn lại.
Thông điệp của bà Clinton được cho là thể hiện sự “áp đảo” theo hướng cứng rắn hơn nhằm vào sự trỗi dậy của Trung Quốc, khi trước đó Washington dường như không can thiệp với những động thái gây hấn của Bắc Kinh nhằm vào các láng giềng trong khu vực.
Sự bùng nổ bất thường của ông Dương Khiết Trì
Cựu Ngoại trưởng lý giải, cụm từ “lợi ích quốc gia” mà bà đưa ra tại phiên họp đã được lựa chọn cẩn thận nhằm “chơi xỏ lại khái niệm ‘lợi ích cốt lõi’ mà Trung Quốc trước đó không lâu còn gắn liền với các yêu sách bành trướng” phi lý trong khu vực.
Thông cáo do Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát đi ngày 25/7/2010 nói rằng Ngoại trưởng Mỹ Clinton đã đề cập mạnh mẽ về quan hệ giữa vấn đề biển Đông với các lợi ích của Mỹ, tầm quan trọng và cấp bách của việc duy trì tự do hàng hải trên biển Đông, phản đối sự ép buộc và đe dọa hay sử dụng vũ lực ở biển Đông.
Thông cáo nói Ngoại trưởng Dương Khiết Trì đã “có sự can thiệp” với phát biểu của bà Clinton bằng cách tung ra “hàng loạt câu hỏi” hướng đến giải thích quan điểm và lập trường của Bắc Kinh, cũng như phản đối quốc tế hóa vấn đề biển Đông.
Sự bùng nổ của ông Dương tại một diễn đàn ngoại giao đa phương như trên được đánh giá là điều bất thường, và cho thấy sự “thất thế” của Bắc Kinh trước Washington.
Chỉ trong vài câu nói ngắn gọn, bà Clinton đã thay đổi nhận thức của Trung Quốc về sự yếu kém và thụt lùi trong vị thế của Mỹ khi ít can thiệp vào vấn đề khu vực. Không chỉ chuyển hướng chính sách của Mỹ với Trung Quốc, Washington đã dựng nên rào cản đáng kể đối với tham vọng hướng đến vị thế thống trị toàn cầu của Bắc Kinh thời điểm đó.
Tại cuộc họp báo sau phiên họp tại Hà Nội, bà Clinton đã không đề cập tình huống thiếu kiềm chế của Ngoại trưởng Trung Quốc, mà chỉ đánh giá trao đổi diễn ra “hết sức hiệu quả”, đồng thời liệt kê các lập trường của Mỹ.
Phát ngôn “nước lớn, nước nhỏ” của Dương Khiết Trì bị bà Hillary Clinton nhận xét “không phải lý lẽ thuyết phục trong khuôn khổ hội nghị này”. Đáng chú ý, 10 năm sau đó, câu nói này của ông Dương tiếp tục bị Washington chỉ trích trong tuyên bố mang tính bước ngoặt của Ngoại trưởng Mike Pompeo ngày 13/7/2020.
“Thế giới quan về những kẻ săn mồi của CHND Trung Hoa không có chỗ đứng trong Thế kỷ 21 này,” ông Pompeo công kích thẳng thừng đối với câu nói của ông Dương Khiết Trì.
Bản tuyên bố của Pompeo là một bước ngoặt tiếp theo trong chính sách biển Đông của Mỹ, khi Washington bác bỏ hầu hết tuyên bố chủ quyền mà Bắc Kinh áp đặt ở khu vực biển Đông, bao gồm “Đường chín đoạn” phi lý.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị