Hai bên giống như thể một cặp đôi đang ly thân. Tuy nhiên họ nhận ra rằng mối quan hệ này vẫn phải duy trì vì những đứa con, Jeff Moon, Viện Chiến lược China Moon nhận định
Quan hệ Mỹ – Trung như “cặp đôi ly thân”
Trong khi Washington đang lên một chiến lược mang tính đồng nhất với các đồng minh nhằm đối phó với ảnh hưởng từ Trung Quốc – điều được thể hiện sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tới Nhật và Hàn Quốc, có một số ưu tiên khác, bao gồm biến đổi khí hậu và hồi phục kinh tế, đòi hỏi sự hợp tác nhất định với Bắc Kinh.
Trong khi đó, mặc dù Trung Quốc có thể nhìn nhận Mỹ như một quyền lực đang xuống dốc, và chẳng sớm thì muộn có thể sẽ hoàn toàn xoá bỏ ảnh hưởng của Washington ở khu vực, Bắc Kinh cũng thừa nhận điều này đòi hỏi một quá trình và ở thời điểm này thì chưa thể xảy ra.
“Cả hai phía sẽ phải cùng nỗ lực xuống thang”, Richard Boucher, nhà nghiên cứu tại viện Watson nhận định.
“Quan hệ hai bên giống như thể một cặp đôi đang ly thân và đều muốn ly dị”, Jeff Moon, chủ tịch viện Chiến lược Moon nhận định. “Tuy nhiên họ nhận ra rằng mối quan hệ này vẫn phải duy trì vì những đứa con”.
Theo nhiều chuyên gia, cuộc gặp Mỹ – Trung diễn ra trong bối cảnh hai bên đều có những ràng buộc và một danh sách dài những yếu tố có thể ảnh hưởng tới triển vọng đi đến một giải pháp chung.
Sau nhiều năm liên tục đối đầu với chính quyền Tổng thống Trump, Bắc Kinh khó có thể để dư luận trong nước coi đánh giá ở thế yếu trong những vấn đề cốt lõi, đặc biệt là về Tân Cương, Hồng Kông và Đài Loan.
Trong khi đó, chính quyền mới của Tổng thống Biden đang đối mặt với chỉ trích ngày càng lớn từ Đảng Cộng hoà trước số lượng tăng vọt người nhập cư qua biên giới với Mexico, lại càng không muốn thể hiện hình ảnh yếu thế trước Trung Quốc.
Do đó giới quan sát dự đoán Washington có thể sẽ đẩy mạnh các vấn đề nhân quyền và an ninh xoay quanh Đài Loan và Biển Đông.
Trong bối cảnh hiện nay, quan chức hai bên đều tỏ rõ sự thận trọng và khẳng định sẽ không có bất kỳ tuyên bố chung hay các thông báo quan trọng sau cuộc gặp, dự kiến sẽ kéo dài cho đến thứ Sáu.
Một vấn đề khác đáng lưu ý là tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ đưa 24 quan chức Hồng Kông và Trung Quốc vào danh sách trừng phạt. Cho dù đây chỉ là thủ tục khi danh tính những người này đã được công bố trước đó, thời điểm đưa ra tuyên bố ngay trước cuộc gặp cho thấy quan điểm cứng rắn của Washington.
Trung Quốc mong muốn cuộc gặp này nhiều hơn Mỹ
Một số nhà quan sát cho rằng Trung Quốc mong muốn cuộc gặp này nhiều hơn phía Mỹ, nhất là khi Washington vẫn chưa công bố cụ thể chính sách về Trung Quốc và hình thành quan hệ rõ ràng hơn với các đối tác và đồng minh.
Điều này thể hiện ở địa điểm tổ chức cuộc gặp tại Alaska, đòi hỏi các quan chức Trung Quốc phải di chuyển qua Thái Bình Dương, trong khi trước đó một ngày ông Blinken vẫn còn đang ở Seoul. “Điều quan trọng với chúng tôi là cuộc gặp diễn ra trên đất Mỹ”, Thư ký Nhà trắng Jen Psaki nói trong cuộc họp báo từ đầu tuần.
Lo ngại lớn từ phía Trung Quốc trước cuộc gặp này là phía Mỹ sẽ có thể xây dựng một liên minh hiệu quả tại Ấn Độ – Thái Bình Dương với sự tham gia của phần lớn các quốc gia phương Tây.
“Trung Quốc có lẽ sẽ muốn trì hoãn tiến trình này bằng cách tập trung vào những vấn đề hai nước có cùng quan tâm như biến đổi khí hậu, trong khi Mỹ muốn thể hiện rõ cái giá mà Trung Quốc phải trả khi tiếp tục con đường hiện tại sẽ chỉ tiếp tục gia tăng”, John Lee, nhà nghiên cứu tại viện Hudson đánh giá.
Về khía cạnh khác, khi hầu hết các quốc gia tại châu Á hướng tới Mỹ vì vấn đề an ninh quốc phòng, các nước này đều duy trì quan hệ kinh tế trọng yếu với Trung Quốc.
“Đừng gây sức ép buộc các đồng minh phải chọn bên, điều đó sẽ chỉ gây phản ứng ngược”, Lee Seong-hyon, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc tại Viện Sejong ở Seoul nói.
Các chuyên gia cho rằng có thể có những chi tiết cho thấy hai bên sẵn sàng tìm giải pháp để cải thiện quan hệ, dù chỉ là rất nhỏ, bao gồm việc mở lại các lãnh sự tại Houston và Thành Đô; kế hoạch gặp mặt tiếp theo; hay những từ ngữ mơ hồ về thúc đẩy kinh tế toàn cầu, hướng đi cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên hay giảm thiểu tác động từ biến đổi khí hậu.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị