Các cuộc không kích ở Syria cuối tháng 2 vừa qua nhằm chứng minh rằng “nước Mỹ đã trở lại” và Washington sẵn sàng giành lại vị thế đỉnh cao về sức mạnh toàn cầu.
Ngày 25/2, theo mệnh lệnh của Tổng thống Joe Biden, Quân đội Mỹ đã thực hiện các cuộc không kích vào một địa điểm ở miền Đông Syria, nơi có sự hiện diện của các nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn, giết chết 17 tay súng.
Chỉ một tháng sau khi làm tổng thống, tại sao ông Biden, một nhân vật có vẻ “hiền lành” và chín chắn, lại quyết định ra lệnh tấn công quân sự ở Syria?
Khẳng định vai trò lãnh đạo toàn cầu
Các cuộc không kích nhằm chứng minh rằng “nước Mỹ đã trở lại” và Washington sẵn sàng trở lại đỉnh cao của sức mạnh toàn cầu.
Kể từ khi lên nhậm chức và thành lập chính quyền mới, ông Joe Biden, Ngoại trưởng Tony Blinken cùng Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J. Austin III đã nhiều dịp tuyên bố, cả ở cấp độ song phương và đa phương, rằng nước Mỹ đã trở lại, khôi phục chủ nghĩa đa phương và hệ thống Liên Hợp Quốc, khẳng định vai trò của họ trong NATO và thúc đẩy quan hệ với các đồng minh châu Âu.
Tuy nhiên, sự trở lại này không thể chỉ được hiểu một cách đơn giản là Mỹ tái gia nhập các liên minh mà thay vào đó, Washington còn tái khẳng định vai trò lãnh đạo toàn cầu của mình.
Để nâng cao uy tín của Mỹ với các nước NATO và với các đồng minh ở châu Âu và Trung Đông, ông Biden cần phải làm một điều gì đó lớn lao để chứng minh cam kết của Washington với vai trò lãnh đạo toàn cầu.
Thực tế, cuộc không kích diễn ra ngay sau một loạt cuộc gặp giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu tại Hội nghị Thượng đỉnh G7, Hội nghị An ninh Munich và với các bộ trưởng quốc phòng NATO, tất cả đều được thiết kế để tăng cường đoàn kết nội khối.
Điều này cho thấy, cuộc không kích đã được chính quyền Joe Biden thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của các đồng minh châu Âu.
Đòn đánh trực diện nhằm vào Iran và Nga
Các cuộc không kích có mục đích rõ ràng là nhằm vào Iran và Nga, mặc dù địa điểm tấn công là ở Syria. Nhà Trắng biện minh rằng, hành động này là lời đáp trả các cuộc tấn công tên lửa vào lực lượng liên minh do Mỹ dẫn đầu ở Iraq hồi giữa tháng 2 trước đó.
Tuy nhiên, trên thực tế, các cuộc không kích được tiến hành khi cuộc điều tra về vụ tấn công bằng tên lửa ở Iraq vẫn đang diễn ra. Tại sao lại như vậy? Iran đã và đang dần khép cơ hội cho Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran.
Năm 2018, chính quyền Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký kết vào năm 2015 dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama và áp đặt các biện pháp trừng phạt toàn diện đối với Iran, từ phong tỏa tài chính cho đến cấm xuất khẩu dầu.
Năm sau đó, Iran đã áp dụng chiến lược “cắt lát salami”, bỏ qua quy định hạn chế đối với việc làm giàu uranium và số lượng máy ly tâm, cùng một số hoạt động khác.
Khi ông Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm 2020 đã làm dấy lên hy vọng lớn ở Iran rằng Mỹ có thể quay trở lại thỏa thuận hạt nhân. Iran đang thúc giục Washington hành động nhanh hơn để quay trở lại thỏa thuận bằng cách cố gắng gây thêm áp lực.
Tháng 12/2020, Quốc hội Iran – cơ quan bị chi phối bởi những người theo đường lối cứng rắn, đã thông qua đạo luật ấn định thời hạn hai tháng để Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt.
Chính quyền Biden nhận thức được cam kết của các đồng minh châu Âu đối với thỏa thuận hạt nhân Iran và có ý định đảo ngược “sai lầm” của người tiền nhiệm Donald Trump nhưng lại không thích chính sách gây áp lực tối đa mà đòi hỏi Iran phải hạn chế chương trình hạt nhân trước khi muốn nới lỏng trừng phạt.
Về phần mình, Iran yêu cầu Mỹ phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trước, đồng thời tuyên bố “không có cửa” cho việc đàm phán lại nội dung của thỏa thuận ban đầu.
Rõ ràng, Mỹ – một quốc gia quen ra lệnh và thực hiện những gì họ coi là vai trò lãnh đạo thế giới, nhận thấy không thể dung thứ cho lập trường cứng rắn của Iran. Vì vậy, với các cuộc không kích ở Syria nhằm vào các nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn, Washington muốn gửi một thông điệp tới Tehran: Như vậy là đã đủ!
Đồng thời, cuộc không kích vẫn còn một mục tiêu nữa đó là Nga, quốc gia đóng vai trò hỗ trợ quan trọng cho Syria.
Ông Biden đã nêu bật cái gọi là “các mối đe dọa” từ Nga và Trung Quốc kể từ khi nhậm chức như từng thể hiện trong chiến dịch tranh cử. Để tăng cường đoàn kết với các đồng minh và tái lập sức mạnh cho NATO, Mỹ cần phải tìm ra kẻ thù chung: nước Nga. Việc tiến hành cuộc tấn công quân sự ở Syria là một lời cảnh báo đối với Moscow.
Cuộc không kích đồng nghĩa với việc Mỹ không hề coi trọng chính phủ Syria, mà thực tế là Nga. Washington tin rằng họ có thể phát động các cuộc tấn công ở bất cứ đâu mà họ mong muốn mà không cần đưa ra thông báo hoặc cảnh báo trước cho một trong hai quốc gia này.
Bên cạnh đó, Mỹ còn muốn khẳng định lại ảnh hưởng của mình ở Trung Đông, nhất là khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tích cực mở rộng ảnh hưởng của Moscow ở Syria nói riêng và khu vực nói chung.
Washington luôn coi Trung Đông là khu vực ảnh hưởng truyền thống của mình và đương nhiên không muốn xuất hiện bất cứ thế lực nào khác chi phối tình hình tại đây.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị