Vốn là loại đặc sản có giá trị kinh tế cao nên con rươi được nhiều người dân ở xã Vĩnh Lập (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) đầu tư nuôi trồng và khai thác. Cũng vì thế mà nhiều người từng bán sạch nhà cửa để theo đuổi con rươi đến cùng.
Trước đây vùng đất bãi xã Vĩnh Lập (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) thường được người dân trồng lúa nhưng năng suất không cao.
Cứ đến tháng 9, tháng 10 âm lịch hằng năm, khi có nước rươi người dân lại đổ xô đi vớt. Do canh tác lúa, sử dụng thuốc sâu nhiều, môi trường sống không tốt nên lượng rươi ít.
Sau này, người dân bỏ ruộng đi làm công nhân các nơi nên một số hộ trong xã Vĩnh Lập bàn nhau thuê lại khu đất đó để khai thác rươi.
Năm 2013 một nhóm hộ đã thuê, mua lại đất ở khu vực đất đồng Bầu của xã Vĩnh Lập để khai thác rươi. Muốn mua thì phải có tiền, nhiều hộ đã vay mượn ngân hàng, thế chấp sổ đỏ, thậm chí vay lãi ngày để làm rươi.
Bà Vũ Thị Nụ ở thôn Tú cho biết: “Khi bắt đầu ra bãi làm rươi, gia đình tôi phải mượn thêm 3 “sổ đỏ” của anh em, cùng với sổ của nhà là 4 để thế chấp ngân hàng. Ngoài ra, chúng tôi vay mượn bên ngoài hơn 1 tỷ đồng để mua thêm ruộng, quây bờ vùng, cải tạo đất làm rươi”.
Đến nay gia đình bà Nụ có hơn 9 mẫu đất bãi khai thác rươi. Thế nhưng từ năm 2013 đến 2016 hầu như gia đình bà Nụ không được thu rươi mà chỉ có đầu tư vào làm cống, làm nhà tạm, đắp bờ…
Lúc đó, bà Nụ tưởng như không thể vực dậy được, nhà, đất trong làng đã thế chấp sạch, cả nhà kéo nhau ra ngoài bãi ở, mùa hè nóng bức, mùa đông thì rét mướt, con cái nheo nhóc. Bà từng nghĩ nếu có thể quay lại, gia đình bà sẽ không mạo hiểm như thế này nhưng “đâm lao thì phải theo lao”.
Vợ chồng bà động viên nhau cố thêm năm nữa nếu không được thu rươi sẽ chuyển sang làm mô hình khác.
Còn gia đình ông Đào Văn Mạnh (cùng thôn Tú) hiện có hơn 6 mẫu đất làm rươi. Để trụ được đến thời điểm này, có năm gia đình ông đã phải bán cả nhà, nợ nần chồng chất mới có vốn đầu tư vào bãi rươi.
Ông Mạnh cho biết lúc đầu không có kinh nghiệm làm rươi nên toàn bị thua lỗ. Vợ chồng ông động viên nhau phải thật kiên trì vì xác định làm rươi giống như đánh bạc “được ăn cả, ngã về không”.
Nếu thời điểm năm 2014 ông Mạnh mà bỏ bãi rươi thì mất trắng cả nhà cửa, thậm chí giờ chưa trả hết nợ. Một số người cũng vì không cầm cự được nên phải bỏ nhà xa xứ.
Cũng thời điểm đó, nạn “cát tặc” hoành hành khắp các con sông. Vùng khai thác rươi của người dân xã Vĩnh Lập ngày đêm bị các tàu phía Hải Phòng hút cát trộm, có lần bị vỡ đê bối. Nếu những hộ dân làm rươi ở đây không kiên quyết bám trụ, chống đuổi “cát tặc” để bảo vệ tài sản cuối cùng của mình có lẽ đến giờ bãi rươi của xã Vĩnh Lập không giữ lại được.
Con rươi đặc sản-Trời cho trái ngọt
Không phụ lòng người, bãi rươi ở xã Vĩnh Lập (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) bắt đầu cho thu hoạch từ năm 2017. Tuy năm đầu thu hoạch không nhiều nhưng đã là động lực cho các hộ ở đây vực lại tinh thần.
Từ năm 2018 đến nay, những hộ trên đều thu mỗi năm hơn 1 tỷ đồng từ con rươi. Nợ nần nay đã trả gần xong. Nhiều nhà đã mua được đất xây nhà, có của ăn, của để nhờ nuôi rươi.
Khu vực khai thác rươi ở xã Vĩnh Lập được UBND tỉnh Hải Dương nhiều lần hỗ trợ, đầu tư làm đường giao thông, hệ thống điện lưới …nhằm phát triển con rươi.
Từ một số hộ làm rươi đến nay toàn xã đã có 51 thành viên với hơn 50 ha khai thác rươi, cáy. Đến năm 2019, HTX Bảo tồn và khai thác rươi, cáy tự nhiên, chế biến nông sản sạch Vĩnh Lập chính thức được thành lập tạo điều kiện cho nhiều hộ dân ở đây phát triển, mở rộng, nâng cao giá trị của đặc sản rươi Thanh Hà.
Thế nhưng không phải nhà nào làm rươi cũng được mùa, có lãi cao. Cùng một dải đất, một khu vực bãi nhưng có nhà được, có nhà không.
Người dân Vĩnh Lập vẫn có câu thơ ví von: “Cách nhau có mỗi cái bờ/ Người thì hàng tạ, kẻ chờ từng con”.
Theo kinh nghiệm làm rươi nhiều năm, người dân cho biết ruộng nào cải tạo tốt, chất đất sạch sẽ cho rươi nhiều. Nếu ruộng có nhiều cáy, còng hoặc ô nhiễm sẽ không có rươi.
Vì thế, sau khi thu hoạch con rươi xong, người dân sẽ cày ruộng, trồng 1 vụ lúa hữu cơ. Tháng 4 gặt lúa hữu cơ xong sẽ làm lại ruộng, gạt phẳng, đánh rạch khoi nước. Sau đó rắc phân ủ mục với trấu để tạo chất dinh dưỡng cho đất. Người dân phải làm rất nhiều công đoạn mới thu hoạch rươi ổn định như ngày hôm nay.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lập (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) cho biết nếu cải tạo tốt, mỗi năm người dân có thể thu 4 nước rươi. Có nước thu được vài tấn rươi/hộ. Bình quân mỗi năm người dân trong xã thu lãi hơn 20 tỷ đồng từ con rươi, đời sống ngày càng nâng cao. Con rươi trở thành sản phẩm chủ lực của địa phương.
Báo Hải Dương