Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin, Nhật Bản cân nhắc gửi quân đội để đối mặt với thách thức từ vấn đề liên quan đến đảo Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư)
Nhật Bản cân nhắc gửi lực lượng vũ trang
Động thái mới về căng thẳng đang xuất hiện ở Biển Hoa Đông khi Nhật Bản cân nhắc gửi các lực lượng vũ trang của mình để đối phó với sự gia tăng hoạt động của Trung Quốc gần các đảo mà cả hai nước cùng tuyên bố chủ quyền.
Lực lượng Bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã mở rộng sự hiện diện của mình tại vùng biển tranh chấp gần quần đảo Điếu Ngư (Senkaku). Hoạt động gia tăng hiện diện này diễn ra sau việc thực thi luật mới vào tháng trước cho phép lực lượng bán quân sự của Trung Quốc sử dụng vũ khí chống lại các tàu nước ngoài mà Bắc Kinh coi là xâm nhập trái phép vào vùng biển của mình.
Theo Cảnh sát biển Nhật Bản, tần suất tàu tuần duyên Trung Quốc đi vào vùng biển này đã tăng từ 2 lần/ tháng vào năm ngoái lên 2 lần/ tuần vào tháng 2/2021.
Nhật Bản từ lâu đã phản đối sự hiện diện của các tàu tuần duyên Trung Quốc trong vùng biển nhưng những lo ngại của Nhật Bản đã tăng lên sau khi Trung Quốc ban hành Luật Hải cảnh mới, cho phép nổ súng vào các tàu nước ngoài.
Luật mới cũng làm tăng thêm viễn cảnh về một cuộc xung đột tiềm tàng và có thể diễn ra như một phép thử đối với cam kết về an ninh của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với một trong những đồng minh quan trọng nhất của Washington trong khu vực.
Cách tiếp cận của Nhật Bản
SCMP dẫn ý kiến một quan chức Nhật Bản cho biết, Tokyo đã rất lo lắng trước các hoạt động của Trung Quốc và đang xem xét phản ứng của họ.
“Theo luật trong nước của chúng tôi, các lực lượng tự vệ có thể sử dụng vũ khí để thực thi pháp luật chống lại các hoạt động trái pháp luật thay mặt cho lực lượng tuần duyên của chúng tôi nếu lực lượng tuần duyên Trung Quốc xâm nhập lãnh hải của chúng tôi,” quan chức giấu tên cho biết. Trong khi nhấn mạnh rằng Nhật Bản không có ý định làm leo thang tình hình, thì Tokyo sẽ cố gắng gia tăng sức ép đối với Trung Quốc trên mặt trận ngoại giao, chẳng hạn như tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nước như Anh và Canada.
Tokyo đã nêu quan ngại về luật mới của Trung Quốc vào tháng 2 trong cuộc họp “2+2” giữa các Bộ trưởng ngoại giao và Quốc phòng Nhật Bản và Anh.
Đáp lại những phàn nàn của Nhật Bản, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 5/3 cho biết, lực lượng tuần duyên Trung Quốc tuần tra gần quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) là hợp lý và phù hợp với yêu sách về chủ quyền của nước này. Bộ thúc giục Tokyo kiềm chế để không làm “phức tạp thêm tình hình”.
Bộ cho biết: “Có các kênh liên lạc hoạt động hiệu quả giữa phía Trung Quốc và Nhật Bản. Chúng tôi hy vọng phía Nhật Bản có thể gặp chúng tôi để quản lý hợp lý các vấn đề nhạy cảm như vậy.”
Trước những bất đồng giữa hai nước diễn ra trong tháng 2, các quan chức Nhật Bản cho biết Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản được phép trực tiếp bắn vào các tàu nước ngoài “thực hiện hành vi phạm tội trên đường vào lãnh thổ Nhật Bản”.
Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi tuần trước cho biết về việc Nhật Bản có thể triển khai lực lượng tự vệ nếu lực lượng tuần duyên của họ không thể tự xử lý tình huống, và “các tiêu chuẩn tuần duyên” có thể áp dụng cho lực lượng tự vệ để bắn vào các tàu thuyền nước ngoài vi phạm.
Giới quan sát cho rằng, căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản có thể leo thang hơn nữa nếu không được quản lý hợp lý.
Chuyên gia nghiên cứu về Nhật Bản tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Sheila Smith cảnh báo rằng: “Cho đến nay, các tàu Trung Quốc và Nhật Bản đã thận trọng với nhau vì lợi ích tránh xung đột. Tuy nhiên bây giờ, với sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc, các chỉ huy trên mặt nước của Nhật Bản giờ sẽ nhạy cảm hơn nhiều với ý định của các tàu tuần duyên từ Bắc Kinh.”
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị